Một trò nghịch ngợm của trẻ em Việt Nam, trong đó drone được dùng để đuổi chó.
Có thể bạn đã xem những video hài hước trên mạng, trong đó, những cậu nhỏ ở Việt Nam dùng máy bay không người lái trêu chó chạy bạt mạng trên cánh đồng. Thì dưới đây là một video tương tự, nhưng là ở Mỹ.
Có điều, người Mỹ đã nâng cấp “trò nghịch ngợm” ấy lên một tầm cao mới. Thay vì trêu chọc một con chó cỏ, chiếc drone này đang đuổi theo một con gấu xám Bắc Mỹ khổng lồ.
Con gấu nặng cỡ 700kg, có những móng vuốt dài hơn 10 cm và lực táp khủng khiếp. Hàm của chúng có thể tạo ta lực cắn lên tới 6,8 triệu pascal, đủ để nhai nát xương bất kỳ loài động vật nào.
Gấu xám cỡ này có thể đánh gục một con bò rừng khổng lồ, vì vậy, con người chắc chắn cũng không phải đối thủ của gấu. Nhưng nó vẫn sợ drone và chạy thục mạng – thỉnh thoảng mới dám ngoái lại nhìn thứ vật thể màu cam “vè vè” đáng sợ, trực lao vào đầu mình:
Xem người Mỹ dùng drone đuổi gấu hoang
Thoạt xem thì có vẻ khá hài hước, và nhiều người có thể nghĩ rằng đây lại là một trò “câu view” của một Youtuber nào đó. Nhưng không, video này được trích ra từ một nghiên cứu khoa học vừa mới đăng trên tạp chí Frontiers in Conservation Science.
Trong đó, một nhân viên bảo tồn động vật hoang dã, đồng thời là ứng cử viên tiến sĩ ngành bảo tồn học ở Đại học Montana, đã dành ra tới 8 năm chỉ để tìm cách đuổi gấu hiệu quả nhất, sao cho lũ gấu không quay trở lại khu vực sinh sống của loài người.
Nhưng tại sao họ lại phải làm vậy?
Trên thực tế, khi chúng ra nói đuổi gấu ra khỏi khu vực sinh sống của loài người, điều ngược lại mới đúng.
Trong hàng triệu năm, loài gấu xám đã lang thang khắp các cánh rừng và thảo nguyên ở Bắc Bán cầu, từ lục địa Á Âu sang tới Châu Mỹ, khẳng định chúng là chủ nhân của những vùng đất này bằng kích thước to lớn, chế độ ăn tạp và không ngán bất cứ kẻ thù nào kể cả con người.
Kể từ thời tiền sử, tổ tiên của chúng ta đã học được bài học phải sống chung và nhường nhịn loài gấu. Mặc dù gấu là loài động vật có thể ăn thịt, phần lớn chế độ ăn của chúng là thực vật và ngũ cốc.
Thói quen ăn uống đa dạng này khiến gấu tìm kiếm nhiều loại thực phẩm giống như con người tiêu thụ. Vì vậy, bất cứ nơi nào có người thì cũng có gấu và ngược lại. Gấu và người thường xuyên có sự xung đột dựa trên lợi ích trong cùng khu vực sống và cạnh tranh nguồn thức ăn.
Gấu ngày nay vẫn thường xâm phạm khu vực sinh sống của loài người.
Các cuộc xung đột giữa gấu và người đã được ghi nhận ở khắp Bắc Bán cầu trong vòng ít nhất 10.000 năm qua. Mặc dù gấu hiếm khi tự tấn công loài người, chúng có thể trở nên hung hăng nếu cảm thấy bị loài người đe doạ trước.
Đa số các cuộc đụng độ trong quá khứ, phần thắng sẽ thuộc về gấu. Do sức mạnh thể chất to lớn của loài vật này, một vết cắn hoặc một cú táp của gấu cũng có thể khiến con người tử vong.
Con người, ngược lại, chỉ có thể chiến thắng loài gấu bằng số lượng áp đảo, và trí thông minh dựa trên các loại bẫy trong các cuộc đụng độ gián tiếp.
Phải đến tận thế kỷ 18, khi súng săn được phát minh, loài người mới có thể khuất phục gấu trong các cuộc đối đầu trực tiếp 1-1. Nhưng cũng kể từ đó, gấu – thay vì con người – trở thành loài bị đe dọa.
Con người săn gấu vì nhiều mục đích, từ bảo vệ đàn gia súc và gia cầm của mình, ăn thịt, lấy mật cho đến các hoạt động đi săn tiêu khiển. Vào thế kỷ 18 và 19, trào lưu săn gấu như một thú chơi thượng lưu ở Bắc Mỹ và Châu Âu đã đẩy gấu nâu đến bờ vực tuyệt chủng.
Gấu từng suýt bị tuyệt chủng vì nạn săn bắn tiêu khiển.
Mọi chuyện một lần nữa thay đổi khi bước sang thế kỷ 20, nhiều quốc gia bắt đầu đưa gấu vào danh sách các loài động vật cần được bảo tồn. Hoạt động săn gấu đã bị cấm ở hầu hết các nước.
Tại Mỹ, người nào bắn chết gấu thậm chí có thể bị đi tù, nếu con gấu đó là gấu cái đang mang thai hoặc đang nuôi con. Thế nhưng, chính việc thắt chặt này đang tạo điều kiện cho loài gấu quay trở lại.
Một lần nữa, loài người lại phải đụng độ trở lại với loài gấu.. Và một lần nữa, loài người không thể dùng súng, do chính những quy định và pháp luật mà loài người đặt ra.
Gấu đang được tạo điều kiện hết mức có thể để trở lại và đòi quyền sở hữu với những vùng đất lịch sử vốn là của chúng. Và khi những sinh vật khổng lồ này thản nhiên đi lại trong thị trấn, lẻn cả vào vườn nhà, giết chết vật nuôi hoặc gia súc, chúng cũng đang tạo ra mối đe dọa thực sự với con người.
Một con gấu nâu xâm phạm tư gia của con người.
Một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2019 cho thấy có tới 664 vụ gấu tấn công người đã được báo cáo trong khoảng thời gian 15 năm trên khắp Bắc Mỹ và Âu Á. Có 568 trường hợp bị thương và 95 trường hợp tử vong do đụng độ với gấu.
Chỉ tính riêng ở Nga, mỗi năm đã có 10 người bị gấu giết chết, nhiều hơn tất cả các khu vực khác trong phạm vi phân bố của gấu xám cộng lại.
Tại Nhật Bản, một con gấu nâu lớn có biệt danh là Kesagake (” kẻ giết người theo phong cách kesa”) đã gây ra vụ tấn công gấu nâu tồi tệ nhất trong lịch sử nước này. Nó đã giết chết 7 người và làm bị thương 3 người khác, trước khi bị bắn hạ trong một cuộc săn đuổi quy mô lớn.
Làm thế nào để vừa bảo tồn được loài gấu, vừa tránh cho chúng khỏi đụng độ với loài người thực sự là một bài toán khó.
Từ xe tải, chó săn cho tới drone
Ở tiểu bang Montana, miền tây bắc nước Mỹ, bài toán khó đó được giao cho Sở Quản lý Cá, Động vật hoang dã và công viên (MFWP). Họ đã tổ chức một đội các nhân viên bảo tồn động vật chỉ làm một nhiệm vụ: Đuổi gấu.
Công việc cả ngày bao gồm trực điện thoại, đợi xem có người dân nào gọi tới báo cáo một con gấu đang lảng vảng trong khu phố hoặc trang trại của họ, lái xe bán tải đến và dùng các biện pháp răn đe để đuổi con gấu đi thật xa.
Wesley Sarmento, một chuyên gia quản lý gấu xám làm việc ở MFWP.
Wesley Sarmento, một chuyên gia quản lý gấu xám làm việc ở MFWP từ năm 2017 cho biết bộ công cụ răn đe mà anh được cấp trên thực tế chỉ là một khẩu súng ngắn được phép bắn đạn pháo, đạn túi đậu hoặc đạn cao su.
Đạn pháo là những viên đạn rỗng chỉ tạo ra tiếng nổ chứ không bắn ra đầu đạn. Trong khi đó, đạn túi đậu sẽ bắn ra một chiếc túi chứa viên nặng, chỉ có thể là đau con gấu chứ không thể xuyên qua lớp da dày của nó. Đạn cao su cũng tương tự, có khả năng đâm xuyên nhưng rất yếu.
Toàn bộ các loại đạn này đôi khi hiệu quả trong việc đuổi một con gấu. Nhưng đôi khi, chúng cũng phản tác dụng. Tiếng nổ và đạn đau chỉ khiến con gấu tức giận và trở nên hung hăng hơn.
Có lần, Sarmento đã suýt bị một con gấu điên táp chết khi cố gắng bắn hết cả một loạt đạn nổ mà con gấu không sợ.
Hai con chó này từng là nhân viên của đội đuổi gấu Montana.
Sau đợt đó, Sarmento đề xuất với MFWP rằng họ nên thử một cách đuổi gấu khác: Sử dụng chó sục Airedale. Những con chó lớn và có lông xoăn xù lên như len thép. Chúng xuất thân từ một dòng chó săn nổi tiếng với khả năng đuổi theo động vật hoang dã và đã từng được huấn luyện để săn lợn rừng.
Và thế là đội của anh nuôi 2 con chó sục Airedale, đặt tên chúng là Huckleberry và Gum. Nhưng cũng giống như súng, chó săn đôi khi hiệu quả trong việc đuổi gấu, đôi khi không.
“Về cơ bản, chúng chỉ đuổi theo thứ đầu tiên chúng nhìn thấy”, Sarmento nói. “Thường thì đó là mèo hoang và nhím chứ không phải gấu. Tôi đã cố gắng không ngừng để huấn luyện những chú chó tốt hơn, nhưng nỗ lực đó chẳng có tác dụng gì”.
Những con chó này không có khả năng phát hiện ra những con gấu ở khoảng cách trên 400 mét. Trong khi đó, chúng lại rất nhạy với mèo, chồn, hươu, đặc biệt là nhím. Sau 6 lần đưa hai chú chó này tới phòng cấp cứu để nhổ lông nhím, về cơ bản Sarmento đã sa thải chúng khỏi đội đuổi gấu.
Trong gần một nửa số nhiệm vụ, những con chó này chỉ “báo” chứ không đuổi được gấu.
Suốt 8 năm làm việc ở MFWP Sarmento đúc kết ra một điều: Thứ công cụ đuổi gấu hữu hiệu nhất, hóa ra chính là chiếc xe tải mà anh được phát.
“Lái xe về phía những con gấu rồi bóp còi luôn có hiệu quả”, Sarmento nói. “Nhưng vấn đề là xe tải không phải lúc nào cũng tiếp cận được hiện trường. Xe không thể vượt qua suối, một cái cây đổ và chắc chắn sẽ bị mắc kẹt ở đâu đó nếu trời mưa, bởi đất ở Montana đều là loại sét rất lầy và dính”.
Vì vậy, gần đây, Sarmento đã nảy ra một ý tưởng mới, cho phép anh khắc phục được toàn bộ những hạn chế của xe tải: Dùng máy bay không người lái để đuổi gấu.
Sarmento mua một chiếc EVO II của hãng Autel với giá 2.000 USD, ngay sau khi lấy chứng chỉ phi công điều khiển máy bay không người lái từ Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ.
Chiếc drone có màu cam sáng, nhẹ 1,13 kg và được trang bị một camera có độ nét cao. Nó sử dụng 2 hệ định vị vệ tinh, cả GPS và GLONASS, vì vậy rất thích hợp để bay ở các vùng hoang dã.
Chiếc EVO II của hãng Autel mà Sarmento sử dụng để đuổi gấu.
Cơ chế khóa mục tiêu của EVO II cũng rất đa dạng. Nó có thể tự động nhận diện động vật hoang dã, bao gồm cả gấu và đuổi theo tự động. Những chiếc drone này đã tỏ ra hiệu quả trong việc đuổi chim khỏi các sân bay, nhưng liệu chúng có đuổi được gấu không?
Một chứng minh khoa học
Sarmento cho biết ngay lần đầu tiên anh thử dùng drone để đuổi gấu, nó đã tỏ ra hiệu quả:
“Một số con gấu đã bỏ chạy ngay khi nhận thấy sự hiện diện của máy bay không người lái ở khoảng cách 45 mét. Chúng không thích drone chút nào. Tôi tự hỏi liệu đó có phải là vì tiếng máy bay nghe giống như tiếng của một đàn ong không.
Gấu thích mật ong, nhưng chúng chắc chắn không thích tiếng của một đàn ong đang vỡ tổ. Hoặc chúng cũng thường săn trứng chim. Vì vậy, gấu có thể nhầm drone là một con chim mẹ trưởng thành đang tấn công nó.
Hoặc đơn giản chỉ vì đó là một vật thể mới lại. Nếu con người nhìn thấy UFO, có lẽ chúng ta cũng sẽ bỏ chạy”.
Bất kể nguyên nhân là gì, Sarmento đã kiên trì sử dụng số liệu để chứng minh máy bay không người lái là công cụ hiệu quả nhất khi nói đến việc đuổi gấu.
Hai con gấu chạy thục mạng khi bị đuổi bằng drone
Trong nghiên cứu mới của anh đăng trên tạp chí Frontiers in Conservation Science, Sarmento đã thống kê tổng cộng 163 nhiệm vụ đuổi gấu mà anh từng tham gia ở MFWP.
Trong số đó có 35 lần sử dụng drone, 52 lần sử dụng xe tải, 30 lần sử dụng chó săn và 46 lần sử dụng súng. Kết quả cho thấy máy bay không người lái thành công trong 91% các nhiệm vụ. Con số của xe tải là 85%, súng là 74% còn chó săn chỉ thành công 57%.
Không chỉ tỏ ra vượt trội hơn trong tỷ lệ đuổi gấu thành công, máy bay không người lái còn giúp các nhân viên như Sarmento hạn chế rủi ro khi phải đụng độ ở khoảng cách gần với gấu.
Ngoài ra, phương tiện này cũng có khả năng tiếp cận hiện trường nhanh hơn nhiều xe tải. Về mặt lý thuyết, các phi công có thể bay ngay lập tức khi định vị được một cuộc gọi báo gấu trên bản đồ vệ tinh.
Sau khi tới hiện trường, drone cho phép tìm thấy gấu ngay lập tức, nhờ vào lợi thế bao quát toàn cảnh, vị trí nhìn trên cao và công nghệ phát hiện động vật hoang dã được trang bị trong camera AI.
“Máy bay không người lái cũng rất tuyệt vời trong việc kiểm tra xem những con gấu có đeo vòng cổ hay không- một dấu hiệu cho thấy nó là một con gấu đang được các nhà khoa học nghiên cứu, hoặc tình trạng con cái của chúng, việc con gấu có con non hay không”, Sarmento nói.
Về hiệu quả lâu dài, Sarmento cho biết kể từ khi anh bắt đầu sử dụng drone để đuổi gấu ở Montana, những con gấu chưa hề có dấu hiệu đề kháng với biện pháp răn đe này.
Dựa trên lịch ngủ đông của gấu, Sarmento cho biết anh thường phải làm việc vất vả nhất vào dịp mùa xuân, ngay sau khi chúng thức dậy và tìm kiếm thức ăn.
Sau đó, những cuộc gọi báo cáo gấu sẽ giảm vào tháng 7 khi gấu chuyển sang ăn các loại quả mọng dại thay vì tới trang trại của loài người và tìm kiếm ngô hoặc ngũ cốc.
Nhưng ngay cả trong những năm hạn hán, với mùa màng quả mọng kém, Sarmento phát hiện ra rằng những con gấu mà anh ta đã đuổi bằng drone không có xu hướng quay lại nguồn thức ăn của con người.
Vào tháng 9, sau khi sương giá giết chết hầu hết các loại quả mọng, những con gấu bị đuổi bằng drone cũng không quay lại, ngay cả khi chúng đang cần tích trữ thức ăn cho thời gian ngủ đông.
Tất cả những quan sát này đã được Sarmento, nhân viên quản lý gấu ở MFWP đồng thời cũng đang làm luận án tiến sĩ ngành bảo tồn động vật tại Đại học Montana, chia sẻ với các đồng nghiệp trên khắp thế giới.
“Tôi đã trình bày về nghiên cứu này tại Hội nghị Hiệp hội Gấu quốc tế vào mùa thu năm ngoái và mọi người khá hào hứng về nó”, Sarmento nói.
“Vì vậy, sẽ không có gì quá ngạc nhiên khi chúng ta rồi sẽ thấy những người quản lý động vật hoang dã trên khắp thế giới bắt đầu sử dụng máy bay không người lái để đuổi gấu và các loài động vật hoang dã khác”.
Nguồn tin: https://genk.vn/xem-nguoi-my-dung-drone-duoi-gau-nhin-thi-nhu-tro-nghich-ngom-cua-tre-em-viet-nam-nhung-day-la-ca-mot-cong-trinh-khoa-hoc-co-tien-si-20250207204113399.chn