Trong buổi phỏng vấn trên kênh podcast KOJI19, thính giả có dịp nghe thiên tài ngành game Hideo Kojima bộc bạch những suy nghĩ của mình. Trong tập phát thanh số 17, cha đẻ của dòng game Metal Gear Solid chia sẻ về việc tích hợp cơ chế “thời gian trôi” từ đời thực vào trong game, thứ ông đã từng thử trong những tác phẩm trước đây.
Kỳ tài ngành game Hideo Kojima – Ảnh: Getty.
Cụ thể, hồi năm 2004, khi Metal Gear Solid 3: Snake Eater chính thức ra mắt trên hệ máy PlayStation 2, Kojima đã ứng dụng một số chi tiết thú vị để tăng tính chân thực trong game. Thức ăn tươi sống thu được sau mỗi lần săn bắn sẽ hỏng theo thời gian, và việc tiêu thụ chúng sẽ khiến nhân vật Snake “ngộ độc thực phẩm”. Bên cạnh đó, số thực phẩm ôi thiu này cũng có thể biến thành vũ khí, khi Snake có thể ném chúng về phía những kẻ địch … đang đói.
Cũng trong Metal Gear Solid 3 , Kojima áp dụng cơ chế “thời gian trôi” vào màn đánh boss với xạ thủ cao tuổi có mật danh The End. “ Dù đây là một con trùm rất khó chơi, nhưng nếu game thủ mà đợi một tuần, The End sẽ qua đời do tuổi cao ”, Kojima nhớ lại. Đúng như vậy, nếu game thủ giao tranh với The End rồi dừng chơi trong vòng 1 tuần, con trùm ngoan cố sẽ bị chính tuổi già đánh bại.
“ Tôi cũng nghĩ về việc làm cho râu tóc nhân vật trong game dài theo thời gian ”, Kojima cho hay. “ Trong phiên bản ban đầu của Death Stranding 2, tôi định cho râu của nhân vật Sam dài ra theo thời gian, và game thủ sẽ phải tiến hành cạo nó đi. Nếu không, Sam sẽ trông xồm xoàm lắm ”, Kojima kể.
Nhưng rồi, ông gạt bỏ ý tưởng này đi vì nhận định rằng Norman Reedus (diễn viên thủ vai Sam Porter Bridges trong series Death Stranding ) “là một ngôi sao lớn, tôi không muốn anh ấy trông kém ngầu đi đâu!”.
Tuy vậy, Hideo Kojima mong muốn áp dụng cơ chế này vào những game tương lai.
Norman Reedus và Hideo Kojima – Ảnh: Getty.
Theo lời bộc bạch của nhà thiết kế kỳ tài, ông đã lên 3 ý tưởng cho những game ứng dụng cơ chế “thời gian thực”. Đầu tiên là một game giống đời thực: “Game mở đầu khi người chơi ra đời, lớn dần đến lúc trưởng thành. Trong game, bạn đối đầu với nhiều kẻ địch. Cứ chơi tiếp, nhân vật sẽ già tới 70 hay 80 tuổi. Tại thời điểm này, nhân vật sẽ yếu hơn, thị lực suy giảm. Khi còn trẻ, nhân vật sẽ chạy nhanh hơn”.
Cơ chế già đi sẽ thay đổi cách người chơi đối đầu với các kẻ địch, nhưng Kojima cũng thừa nhận rằng “ chẳng ai sẽ muốn mua game này cả! ”. Dường như ông cũng nhận thấy cơ chế tuy mới mẻ nhưng sẽ khó có thể thú vị và khiến người chơi thực sự đắm mình vào nó.
Ý tưởng làm game thứ hai xoay quanh việc tạo tác ra một thứ gì đó cần thời gian để hoàn thiện, ví dụ như ủ rượu vang hay làm phô mai. Người chơi sẽ phải kiên nhẫn tương tác lâu dài với game để đạt được kết quả như ý.
Ý tưởng thứ ba xoay quanh cơ chế “quên” mà tại đó, người chơi phải nhanh chóng “phá đảo” game nếu không muốn nhân vật của mình mất đi ký ức. Trong tựa game tưởng tượng này, nếu người chơi bỏ bê game quá lâu, nhân vật sẽ quên cả kỹ năng cơ bản, thậm chí quên mất mình phải làm gì. “ Người chơi sẽ phải nghỉ làm, nghỉ học một tuần để chơi game của tôi ”, Kojima cười nói.
Hideo Kojima đã thành lập studio game của riêng mình, Kojima Productions – Ảnh: MJ KIM.
Thực ra, với Hideo Kojima thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Đâu có ai ngờ Death Stranding lại lôi cuốn đến thế, khi lối chơi xoay quanh cơ chế … ship hàng từ điểm A tới điểm B? Nhưng với phương pháp thiết kế game thú vị, khiến game thủ nhập tâm với nhân vật như đang tự mình kết nối một thế giới hậu tận thế hoang tàn, Kojima đã làm được điều không tưởng: biến lối chơi tưởng như nhàm chán trở thành tựa game ăn khách bậc nhất.
Dựa trên thành công của phần thứ nhất, Kojima Productions – studio do Hideo Kojima sáng lập sau khi rời Konami – chuẩn bị ra mắt Death Stranding 2: On the Beach vào ngày 26/6 tới đây. Chắc hẳn, game thủ đam mê phần trước sẽ mong muốn bỏ hẳn 1 tuần ra để thưởng thức tựa game giàu tiềm năng này.
Nguồn tin: https://genk.vn/hideo-kojima-va-y-tuong-lam-game-ky-la-nguoi-choi-se-phai-nghi-hoc-bo-lam-1-tuan-neu-muon-pha-dao-20250519141402247.chn