Máy quang khắc chip đầu tiên của Nga đang được phát triển và thử nghiệm tại Zelenograd. Tuy nhiên, thiết bị này mới chỉ có khả năng quang khắc các chip với tiến trình 350nm hoặc lớn hơn – nghĩa là cũ hơn đến 30 năm so với các công nghệ sản xuất chip hiện tại.
Mặc dù vậy, hiện tại các sản phẩm chip được sản xuất trên tiến trình công nghệ này vẫn đang được sử dụng cho ô tô và bộ phận quản lý nguồn điện, cũng như cả các ứng dụng quân sự.
“Chúng tôi đã lắp ráp và chế tạo máy quét quang khắc nội địa đầu tiên,” Vasily Shpak, Phó Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga, nói với TASS. “Hiện tại thiết bị đang trong giai đoạn thử nghiệm như một phần của dây chuyền công nghệ tại Zelenograd.”
Sự phát triển này đánh dấu một cột mốc quan trọng cho khả năng tự chủ công nghệ của Nga trong sản xuất bán dẫn. Tuy vậy, tiến trình 350nm là công nghệ khá lạc hậu so với các tiêu chuẩn hàng đầu thế giới. Tiến trình này từng được Intel sử dụng để sản xuất các bộ xử lý Pentium MMX, Pentium Pro và phiên bản đầu của Pentium II vào năm 1995 và 1997 tương ứng, trong khi AMD từng sử dụng node này cho bộ xử lý K6 vào năm 1997.
Thậm chí ngay cả với Nga, tiến trình sản xuất chip 350nm cũng có thể được coi là lạc hậu vì hai hãng gia công chip theo hợp đồng của Nga – bao gồm Angstrem và Mikron – cũng không còn sản xuất trên tiến trình này. Angstrem có nhiều công nghệ sản xuất chip khác nhau từ 250nm đến 90nm, trong khi Mikron sản xuất trên các tiến trình từ 250nm đến 90nm.
Hiện tại, vẫn chưa rõ công cụ quang nhũ của Nga có thể được sử dụng cho mục đích thương mại như thế nào, nhưng chúng ta có thể đoán rằng mục tiêu chính của nó là phục vụ như một phương tiện phát triển cho các máy quang khác cao cấp hơn.
Lĩnh vực bán dẫn của Nga đang phát triển theo một tốc độ chậm hơn nhiều so với những gì chính phủ nước này công bố vào năm 2023. Trong đó đề ra các mục tiêu ngắn hạn bao gồm tăng cường sản xuất chip trong nước sử dụng tiến trình công nghệ 90nm vào cuối năm nay, với mục tiêu lâu dài là thiết lập sản xuất trên tiến trình 28nm vào năm 2027, và sau đó là 14nm vào năm 2030.
Tuy nhiên, máy quang khắc chip chỉ là một thành phần trong nhiều mảnh ghép khác của ngành sản xuất chip. Ngoài ra còn cần phải thiết bị, hóa chất để hỗ trợ cho quá trình sản xuất chip, ngay cả đối với một tiến trình công nghệ đã cũ. Ngoài ra, để hoàn thiện quá trình sản xuất chip cao cấp hơn, họ cũng cần các thiết kế tổng thể của bộ xử lý thông qua việc được cấp phép từ các công ty chuyên thiết kế chip.
Nguồn tin: https://genk.vn/nga-tu-phat-trien-may-quang-khac-chip-dau-tien-co-kha-nang-san-xuat-chip-350nm-20240531113855906.chn