Khi các thiết bị đeo đã quen với việc đo nhịp tim ở cổ tay, Huawei bất ngờ mở ra hướng đi mới: đưa cảm biến đến đầu ngón tay, vị trí vốn bị bỏ qua nhưng có thể thay đổi hoàn toàn cách chúng ta theo dõi sức khỏe chủ động hằng ngày.
Đầu ngón tay – Vùng dữ liệu sinh lý chính xác mà trước giờ bị xem nhẹ
Cổ tay, vị trí được dùng phổ biến trên smartwatch, thực tế không phải điểm tối ưu để thu thập dữ liệu sức khỏe: lớp da dày, lượng melanin cao và sự hiện diện của lông tay đều làm suy giảm tín hiệu quang học. Các phép đo nhịp tim, oxy máu có thể sai lệch đáng kể trong một số trường hợp.
Với phiên bản mới của hệ thống HUAWEI TruSense, lần đầu tiên các thiết bị đeo có thể đo tại đầu ngón tay, nơi tập trung nhiều mao mạch hơn, lớp da mỏng hơn và ít nhiễu tín hiệu hơn.
Đại diện Huawei chia sẻ về những nâng cấp mới trên thế hệ cảm biến TruSense mới – Ảnh: Thế Duyệt
Sự thay đổi này giúp cải thiện độ chính xác khi đo các chỉ số nhạy cảm như biến thiên nhịp tim (HRV) hay SpO₂, vốn rất dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường và cơ địa.
Điểm nâng cấp đáng chú ý trên TruSense 2025 là mô-đun Siêu cảm biến Phân tán: hệ thống tích hợp nhiều loại cảm biến khác nhau (quang, điện, cơ học, âm thanh) trên đồng hồ.
Việc hợp nhất các tín hiệu này cho phép thiết bị:
– Đo oxy trong máu nhanh hơn, sát thời gian thực hơn.
– Phát hiện thay đổi sinh lý nhỏ ngay từ khi chưa có triệu chứng rõ ràng.
– Đo hơn 10 chỉ số sức khỏe chính chỉ trong 60 giây với tính năng Health Glance nâng cấp.
Trong số này, có những chỉ số đặc biệt lần đầu xuất hiện trên smartwatch như: Đánh giá sức khỏe cảm xúc; Đánh giá chức năng buồng trứng; và phân tích HRV chuyên sâu.
Hệ thống 6 cảm biến theo dõi sức khỏe mới – Ảnh: Huawei
Các dữ liệu thu thập được đóng vai trò tham khảo giá trị, giúp người dùng có thêm thông tin định kỳ về sức khỏe thể chất và tinh thần của mình, một công cụ hữu ích để chủ động theo dõi, thay vì chỉ dựa vào cảm giác chủ quan.
Người Việt và nhu cầu theo dõi sức khỏe thường xuyên
Ở Việt Nam, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ còn chưa quá phổ biến. Phần vì thói quen chủ quan, phần vì chi phí và khả năng tiếp cận dịch vụ y tế còn hạn chế ở nhiều khu vực.
Trong bối cảnh đó, thiết bị đeo có thể đo nhanh các chỉ số sinh lý quan trọng đóng vai trò như một công cụ hỗ trợ theo dõi sức khỏe thường xuyên, kịp thời phát hiện bất thường tiềm tàng, từ đó chủ động đi kiểm tra chuyên sâu khi cần thiết.
Người Việt ngày càng quan tâm tới sức khỏe hơn – Ảnh: Huy Nguyễn
Với một lần chạm đầu ngón tay, người dùng có thể biết thêm những thay đổi nhỏ trong cơ thể, điều mà nếu chỉ dựa vào cảm giác thông thường, rất dễ bị bỏ sót.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh: các phép đo từ thiết bị đeo, bao gồm hệ thống TruSense, không thay thế chẩn đoán y tế chuyên nghiệp. Công cụ này chỉ cung cấp dữ liệu tham khảo giúp người dùng chủ động hơn trong việc quản lý sức khỏe hằng ngày.
Bằng việc mở rộng vùng đo từ cổ tay ra đầu ngón tay, Huawei đang âm thầm nâng cấp tiêu chuẩn thiết bị đeo từ “đếm bước chân” lên thành “giám sát sức khỏe chủ động”.
Trong xã hội Việt Nam đang ngày càng coi trọng sức khỏe cá nhân, sự xuất hiện của TruSense phiên bản mới có thể không gây “ồn ào” ngay lập tức. Nhưng từng cú chạm ngón tay ghi lại dữ liệu sinh học chính xác hơn, đó là nền móng cho một tương lai mà mỗi người đều hiểu rõ hơn về cơ thể mình.
Được biết, các sản phẩm đeo thông minh tích hợp cảm biến TruSense thế hệ mới sẽ được giới thiệu vào giữa tháng 5 tới.
Nguồn tin: https://genk.vn/huawei-dua-cam-bien-suc-khoe-len-dau-ngon-tay-mot-cu-cham-nhe-nang-cap-cach-nguoi-viet-theo-doi-suc-khoe-ca-nhan-20250429160813995.chn