Đâu là những vị trí dễ bị ẩm mốc trong nhà?
Phòng tắm và nhà vệ sinh: Do thường xuyên có hơi nước và độ ẩm cao.
Nhà bếp: Hơi nước từ quá trình nấu nướng làm tăng độ ẩm.
Tầng hầm: Thường kém thông gió và ánh sáng tự nhiên, làm độ ẩm tích tụ.
Góc tường và khe hở: Đây là nơi dễ tụ nước và không khí lưu thông kém.
Khu vực xung quanh máy giặt và máy sấy: Do nước từ quần áo và hơi ẩm khi sấy.
Bếp và phòng tắm là 2 vị trí cần đặc biệt quan tâm, có thể lên mốc dù không phải mùa nồm ẩm.
Lý do chính gây nên ẩm mốc là sự thiếu lưu thông không khí, nhiệt độ mát mẻ, bề mặt kín đáo, và độ ẩm cao. Việc kiểm soát độ ẩm và cải thiện thông gió có thể giúp ngăn chặn sự hình thành của ẩm mốc.
Để xử lý ẩm mốc trong nhà, bạn có thể làm theo các cách sau:
Đối với mốc tường: Dùng hỗn hợp giấm trắng hoặc nước tẩy pha loãng với nước để chùi rửa khu vực bị mốc. Sau đó, để khô hoàn toàn và sử dụng sơn chống ẩm để ngăn chặn sự phát triển của mốc trong tương lai.
Mốc đồ gỗ và tủ: Lau chùi bằng hỗn hợp giấm hoặc nước chanh và nước. Nếu mốc đã sâu vào trong gỗ, có thể cần đến các biện pháp mạnh hơn như sử dụng chất tẩy mốc chuyên dụng. Đảm bảo giữ đồ gỗ ở nơi khô ráo, thoáng đãng. Đối với đồ đạc như gỗ, nhất là gỗ thô bạn có thể dùng bã cà phê, giấm gạo hoặc than củi giã nhỏ để xử lý vết mốc. Nếu vết mốc làm hỏng màu gỗ, có thể dùng giấy nhám đánh thật kĩ để loại bỏ. Bước cuối cùng là đem đồ ra phơi nắng để bay hơi nước, hạn chế mốc quay trở lại.
Mốc trên quần áo: Ngâm quần áo trong dung dịch nước ấm pha với giấm hoặc baking soda trước khi giặt. Nên phơi quần áo ở nơi có nắng và không ẩm ướt.
Mốc trên đồ bếp: Sử dụng các dung dịch tẩy rửa để làm sạch các vết mốc, sau đó lau khô. Tốt nhất nên đem phơi nắng hoặc dùng máy khử trùng
Ngoài ra, quan trọng là phải kiểm soát độ ẩm trong nhà bằng cách sử dụng máy hút ẩm, thông gió tốt và giữ nhà cửa sạch sẽ.
Mốc tường và quần áo ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, các bào tử nấm mốc có thể gây ảnh hưởng rất xấu đến phổi và xoang mũi, thậm chí làm nghẹt đường thở và khiến bệnh xoang trầm trọng hơn.
Gợi ý 1 số sản phẩm xử lý mốc trong nhà:
Baking soda vẫn luôn là lựa chọn số 1 để tự pha các dung dịch tẩy rửa trong nhà, dễ dàng kết hợp với chanh, dấm ăn hoặc chỉ cần pha với nước, xịt lên vết mốc rồi cọ sạch đi là được. Bên cạnh đó còn có oxy già, hàn the và kem đánh răng cũng có tác dụng tẩy các vết ố mốc trên các bề mặt cứng như sàn nhà, mặt bàn bếp, kính… Với tường bị mốc, nên sử dụng chất tẩy chuyên dụng để tránh làm bong sơn hoặc tốt nhất hãy xử lý sạch sẽ rồi sơn lại 1 lớp chống ẩm mốc mới nếu không muốn phải tẩy đi tẩy lại mỗi năm.
Cách để hạn chế ẩm mốc:
Thực tế, không chỉ vào mùa nồm ẩm mới cần chú ý. Tùy tình hình thời tiết và vùng miền nhưng trong không khí thường lúc nào cũng có hơi ẩm, chỉ cần độ ẩm tăng lên khoảng 70 – 80% là đã có nguy cơ mọc ẩm mốc, nhất là trên đồ gỗ và quần áo.
Bạn có thể mua các loại đồng hồ kèm nhiệt kế và ẩm kế để tiện theo dõi độ ẩm trong nhà, sau đó bật điều hòa ở chế độ làm khô để nhanh chóng loại bỏ bớt hơi ẩm.
Trong mùa hôm hoặc những ngày mưa, hạn chế tối đa việc mở cửa sổ, cửa chính vì sẽ làm hơi ẩm bên ngoài xâm nhập vào nhà. Nếu phải lau nhà, hãy vắt giẻ lau càng kiệt càng tốt, tránh việc hơi nước không thoát được, sàn ướt gây khó chịu mà cũng có thể góp phần làm mốc mọc nhanh hơn.
Với tủ quần áo, nên đặt các loại máy hút ẩm, hộp hạt hút ẩm vào và đóng kín trong những ngày mưa nồm ẩm. Nếu không, có thể mở hết ra, đóng kín cửa phòng, cửa sổ rồi bật chế độ khô của điều hòa để tránh mốc gỗ và các loại áo da…
Nếu đã từng bị mốc gương trong nhà tắm do hơi ẩm bám lại, bạn có thể cân nhắc đầu tư hẳn gương tự sưởi, có mạch điện giữ ấm bề mặt gương để hơi nước không bám lại, vừa đảm bảo tránh mốc vừa tiện lợi hơn khi dùng hàng ngày, không bị ám hơi nước mờ tịt nữa.
Nguồn tin: https://genk.vn/moi-2-thang-dau-nam-da-nom-am-lien-mien-kiem-tra-ngay-xem-nhung-vi-tri-nay-trong-nha-da-len-moc-chua-20240224224755505.chn