Trong vài năm trở lại đây, thị trường máy chơi game PC cầm tay trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Lần lượt các mẫu ROG Ally, Legion Go, MSI Claw… ra mắt. Tất cả đều chung một mục tiêu: đưa trải nghiệm chơi game vào một thiết bị nhỏ gọn di động. Nghe thì hấp dẫn, nhưng thực tế vẫn còn một rào cản lớn: chúng vẫn là… Windows PC.
Dù mang dáng hình máy chơi game, những thiết bị này vẫn chạy Windows. Và thế là người dùng vẫn phải đối mặt với đủ mọi thứ “đặc sản” của PC: cài đặt mất thời gian, cập nhật phiền phức và khi vào game thì đối mặt một mê cung các thiết lập đồ họa.
Rồi Apple xuất hiện với một nút: “For This Mac.”
Khi Cyberpunk 2077 ra mắt trên macOS, nhiều người vẫn nghi ngờ: liệu game “sát phần cứng” một thời này có thể chạy được trên Mac? Nhưng rồi Apple không chỉ làm được, mà còn làm đúng: họ phối hợp với CD Projekt Red để đưa vào game một thiết lập đồ họa hoàn toàn mới.
Apple từng cho biết Cyberpunk 2077 là “một trong những trò chơi có đồ họa phức tạp và nặng nhất từng được tạo ra”, và để giúp game thủ có được trải nghiệm tốt nhất, CD Projekt Red đã tích hợp sẵn thiết lập “For this Mac” – các preset được tinh chỉnh để đảm bảo sự cân bằng tối ưu giữa chất lượng hình ảnh và hiệu suất theo dòng máy và chip. Với các thiết lập này, máy Mac càng mạnh thì mức đồ họa được áp dụng sẽ càng cao.
Tuỳ chọn tối ưu cấu hình “For this Mac” giúp trải nghiệm game trên macOS đơn giản hơn nhiều.
Ví dụ, cấu hình tối thiểu để chạy được Cyberpunk 2077 là máy Mac dùng chip dòng M1, có ít nhất 16GB RAM và đang chạy macOS 15.5 Sequoia trở lên. Chip càng cũ thì độ phân giải game sẽ càng bị hạ thấp. Như Mac dùng M1 sẽ chơi game ở độ phân giải 1440×900 hoặc 1600×900 với tốc độ 30fps, trong khi Mac dùng chip M3 Ultra có thể chạy game ở độ phân giải 2294×1432 hoặc 2560×1440 với tốc độ 60fps cùng các khả năng ray tracing.
Điều quan trọng là khi khởi động game, người dùng không phải lựa chọn gì cả. Máy sẽ tự động nhận diện cấu hình, từ chip M1 cho đến M4 Max, MacBook Air không quạt hay một Mac Studio với khả năng tản nhiệt tốt hơn, và chọn sẵn mức thiết lập đồ họa tối ưu nhất với từng mẫu máy. Game thủ không cần hiểu AMD FSR 3.1 Frame Generation là gì, không cần biết Ray Tracing hay Path Tracing khác nhau ra sao, MetalFX Quality hay Balance rồi DRS là gì, không cần thử từng thiết lập một rồi đo FPS. Apple đã làm đúng tinh thần console hóa: chỉ cần bấm và chơi.
Máy game cầm tay: Nơi mà sự khác biệt về kiểm soát hệ sinh thái không quá lớn
Một trong những lý do mà Apple có thể phối hợp với CD Projekt Red làm tốt preset “For This Mac” là nhờ họ kiểm soát toàn bộ hệ sinh thái: từ chip, phần mềm đến từng mẫu máy cụ thể. Trong thế giới PC truyền thống, điều này gần như bất khả thi – có quá nhiều linh kiện, quá nhiều hãng, mỗi game thủ có một cấu hình riêng biệt.
Nhưng sự khác biệt ấy lại không quá lớn trong thế giới máy chơi game cầm tay chạy Windows. Các thiết bị như ROG Ally, Legion Go… thường tuân theo những cấu hình quen thuộc. Ví dụ ROG Ally dùng chip AMD Z1 hoặc Z1 Extreme, Lenovo Legion Go tương tự, vẫn là APU AMD, có thể sẽ có sự khác nhau giữa màn hình hay RAM hoặc dung lượng lưu trữ, nhưng không đến mức “loạn” như ở desktop PC.
Cũng có những mẫu máy dùng chip Intel như MSI Claw, nhưng cấu hình nhìn chung vẫn rất rõ ràng, một điều gần như không thể làm với desktop PC, nơi có vô vàn kết hợp CPU, GPU, RAM, màn hình đến từ vô số hãng khác nhau.
Máy game Windows cầm tay vẫn chưa làm tốt trong trải nghiệm chuyên game.
Điều đó nghĩa là việc làm preset tối ưu riêng cho từng model hoàn toàn khả thi – nếu các hãng phần cứng chịu phối hợp với Microsoft và các nhà phát triển game.
Và đây cũng là lý do vì sao ROG Ally Xbox Edition – thiết bị đang được Microsoft và ASUS phát triển – có thể là bước ngoặt. Nếu Microsoft đã cố gắng tinh chỉ giao diện Windows cho phù hợp với máy chơi game, thì với vị thế của mình, không phải là bất khả thi để họ phối hợp với nhà phát triển game và hãng phần cứng để tối ưu cho game. Tất nhiên không nhất thiết phải là trên mọi game, nhưng ít nhất là trên những game AAA hoặc game phổ biến.
Microsoft đang có kế hoạch cho máy game thương hiệu Xbox cầm tay, hoặc chí ít là kết hợp với Xbox, đây là lúc hãng nên tìm cách tăng cường trải nghiệm cho game thủ.
Nếu Apple làm được “For This Mac”, thì Microsoft hoàn toàn có thể làm được “For This Handheld”
Các máy game Windows cầm tay từ trước đến nay luôn bị chê trách vì chính giao diện Windows, đã đến lúc các hãng nên suy nghĩ nghiêm túc hơn về trải nghiệm người dùng, nhất là khi ngày càng nhiều người chơi chuyển từ console sang handheld để tìm sự tiện lợi, không phải để vọc vạch như khi dùng desktop.
Khác với người dùng PC truyền thống vốn quen với việc “vọc” cấu hình, chỉnh từng thông số nhỏ, thì không ít người dùng máy game cầm tay chọn thiết bị vì họ chỉ muốn chơi. Họ muốn khởi động máy, vào game và trải nghiệm ngay, giống như console.
Tất nhiên là nếu ai thích tinh chỉnh, họ vẫn có thể làm theo ý muốn, nhưng với những ai muốn trải nghiệm đơn giản như console thì một tùy chọn cấu hình tối ưu sẵn mang đến cảm “cầm lên và chơi” như console có thể là một cú đột phá.
Cyberpunk 2077 trên Mac chưa thể đạt mức đồ hoạ như một PC gaming khủng, nhưng nó mượt, dễ chơi, và… không phiền phức
Khi Grand Theft Auto VI chính thức phát hành trên PC, một tựa game đồ họa nặng, thế giới mở khổng lồ. Với những người dùng máy chơi game cầm tay chạy Windows, đây sẽ là điều khiến họ đau đầu chỉ để tìm được mức thiết lập hợp lý. Họ không chỉ bị giới hạn hiệu năng phần cứng, mà còn phải tự mò từng thông số để đổi lấy vài khung hình. Trên màn hình nhỏ 7-8 inch, chẳng ai thực sự muốn mất hàng chục phút chỉ để chỉnh khử răng cưa bao nhiêu là đủ.
Và ít nhất, chính Microsoft – với vai trò chủ lực của hệ sinh thái Windows – nên là bên đi đầu trong việc hợp tác với các nhà phát hành game và các đối tác phần cứng để thiết lập chuẩn tối ưu cho từng dòng máy cầm tay chạy Windows.
Đặc biệt nếu họ thực sự đang nghiêm túc về một thiết bị Xbox cầm tay, thì đây là thời điểm không thể thích hợp hơn để xây dựng một trải nghiệm máy game đúng nghĩa. Khi Microsoft chủ động phối hợp với các nhà sản xuất như ASUS, Lenovo hay MSI để thống nhất cấu hình của các dòng máy game cầm tay Windows, họ hoàn toàn có thể thiết lập nên một bộ chuẩn chung để các nhà phát triển game chỉ cần dựa vào đó mà tối ưu.
Khi ấy, các hãng game không chỉ giảm khối lượng công việc tối ưu hóa, mà người dùng cuối cũng sẽ được hưởng lợi từ trải nghiệm “bật là chơi”, thay vì phải loay hoay với một loạt thông số kỹ thuật vốn dĩ không phải ai cũng hiểu. Và như thế, máy game cầm tay Windows sẽ thực sự trưởng thành, không chỉ là bản sao của PC mini, mà là một nền tảng chơi game riêng biệt, đáng tin cậy.
Nguồn tin: https://genk.vn/microsoft-muon-lam-may-game-windows-cam-tay-tot-hon-hay-hoc-apple-20250724185837445.chn