Nam Cực – lục địa lạnh giá ở cực Nam Trái Đất – được bao phủ bởi lớp băng dày đến mức gần như toàn bộ phần đất liền bên dưới vẫn là một bí ẩn. Ước tính, băng phủ tới 98% diện tích lục địa, khiến con người gần như không thể nhìn thấy mặt đất thật sự của nơi này.
Tuy nhiên, nhờ vào công nghệ hiện đại và dữ liệu thu thập trong suốt nhiều năm, các nhà khoa học đã vén màn một phần bí ẩn đó. Bedmap2 – bản đồ địa hình đáy băng của Nam Cực – được công bố năm 2013 là kết quả từ dữ liệu khổng lồ của NASA và Cơ quan Khảo sát Nam Cực Anh, sử dụng vệ tinh, máy bay và các thiết bị đo mặt đất để thu thập thông tin về độ dày băng, độ cao bề mặt và địa hình nền đá.
Hình ảnh Nam Cực sau khi ‘loại bỏ’ hoàn toàn lớp băng trên bề mặt
Và điều lộ ra bên dưới lớp băng không hề bằng phẳng: đó là một vùng đất gồ ghề, lởm chởm núi non, hẻm vực và thung lũng sâu hun hút. Điểm sâu nhất được phát hiện nằm dưới sông băng Byrd ở Victoria Land, cách mực nước biển tới 2.870 mét, trở thành nơi thấp nhất trên bất kỳ mảng kiến tạo lục địa nào của Trái Đất.
“Bản đồ Bedmap cho thấy, với độ chi tiết chưa từng có, địa hình bên dưới lớp băng Nam Cực. Trước kia chúng tôi chỉ có cái nhìn tổng quát, nhưng bản đồ này giúp chúng tôi nhìn rõ một thế giới phức tạp: núi non, đồi trọc, thung lũng, hẻm sâu,” chuyên gia Peter Fretwell từ Cơ quan Khảo sát Nam Cực Anh cho biết.
Để tạo ra bản đồ này, một trong những công cụ quan trọng là radar xuyên băng – thiết bị có khả năng “nhìn xuyên” lớp băng dày để đo được địa hình nền đá và độ dày băng một cách chính xác.
Hiểu được hình dáng của nền đá dưới băng không chỉ mang tính khoa học mà còn có giá trị cực kỳ thực tiễn. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến cách băng trôi, cách tuyết tích tụ, và đặc biệt là cách lớp băng sẽ tan chảy khi khí hậu Trái Đất ấm lên.
“Nền đá bên dưới quyết định cách băng di chuyển. Cũng giống như mật ong rót lên đĩa – nó sẽ trôi lan ra theo cách khác nhau tùy vào độ nghiêng của đĩa,” nhà nghiên cứu Sophie Nowicki từ NASA giải thích.
Theo số liệu của Bedmap2, Nam Cực chứa khoảng 27 triệu km³ băng, tương đương khoảng 58 mét mực nước biển nếu toàn bộ lớp băng này tan chảy – một kịch bản thảm họa.
Dù các mô hình khí hậu hiện tại không dự đoán toàn bộ băng Nam Cực sẽ tan hoàn toàn, nhưng thực tế cho thấy băng đang tan nhanh hơn bao giờ hết. Theo các ước tính gần nhất, mực nước biển toàn cầu đang dâng thêm 4 mm mỗi năm do băng tan từ Nam Cực và Greenland – đúng với kịch bản tồi tệ nhất mà Liên Hợp Quốc từng cảnh báo.
Với mong muốn hiểu rõ hơn về lớp băng và thế giới ẩn giấu bên dưới Nam Cực, các nhà khoa học đang phát triển bản đồ kế nhiệm – Bedmap3 – với độ chính xác và chi tiết còn cao hơn nữa.
Nam Cực không chỉ là một vùng đất băng giá – đó là một lục địa sống động, biến đổi không ngừng, và đang góp phần định hình tương lai của toàn bộ hành tinh.
Anh Việt
Nguồn tin: https://genk.vn/luc-dia-nam-cuc-se-trong-the-nao-neu-lot-bo-toan-bo-27-trieu-km-bang-ra-khoi-be-mat-20250525200136559.chn