Năm 2018, một Youtuber có tài khoản Cảnh Vlog đã bị cộng đồng mạng tại Việt Nam lên án mạnh mẽ vì một video có nội dung “Thử thách 24h làm chó“. Trong video đó, anh chàng tuyên bố mình sẽ ăn như chó, uống như chó và làm nhiệm vụ trông nhà của một chú chó trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Video – bị đánh giá là một hình thức thu hút lượt xem (câu view) bất chấp – đã phải nhận về hàng ngàn lượt “không thích” trên Youtube và sự chỉ trích nặng nề của báo chí.
Chỉ có một số ít người công khai lên tiếng ủng hộ ý tưởng của Cảnh Vlog, trong đó có streamer nổi tiếng ViruSs. Trong một video “reaction” của anh, ViruSs đã khen ngợi sự dũng cảm và ý tưởng táo bạo của Cảnh Vlog.
Bốn năm sau khi video của Cảnh Vlog bị gỡ bỏ, và kênh Youtube của anh chàng Việt Nam này biến mất, tại Nhật Bản, có một chàng thanh niên cũng thực hiện lại cùng một ý tưởng giống với Youtuber người Việt.
Anh chàng có biệt danh là Toco đã tự biến mình thành một chú chó Bordie Collie, giống chó chăn cừu to lớn có nguồn gốc từ Anh. Toco thực hiện ý tưởng này bằng cách chi ra tới hơn 2 triệu Yên Nhật (tương đương 350 triệu VNĐ) để đặt mua một bộ đồ hóa trang thành chó từ Zeppet, một công ty chế tác phục trang điện ảnh.
Trên kênh Youtube @i_want_to_be_an_animal (tạm dịch là Tôi muốn trở thành một con vật), Toco thường xuyên đăng tải các video cuộc sống của anh khi đóng giả một chú chó Bordie Collie.
Người ta có thể thấy trên đó cách Toco ăn, uống, ngủ ở trong cũi, đi dạo ngoài công viên và tương tác với con người cũng như các chú chó khác. Mọi hoạt động được anh ấy thực hiện bên trong bộ đồ hóa trang Bordie Collie.
Trái ngược với Cảnh Vlog, các phản hồi mà Toco nhận về khá tích cực. Mọi người thường thích thú chụp ảnh với anh ấy ở công viên, trên đường phố, mỗi khi Toco ra ngoài. Câu chuyện của anh ấy trở nên “viral” khắp thế giới, đến nỗi cho tới tận bây giờ, Toco vẫn tiếp tục sống trong bản dạng của một chú chó Bordie Collie.
Toco trong bộ trang phục hóa trang chó Bordie Collie ở công viên và phản ứng của mọi người với anh ấy
Khi đa số mọi người khi nhìn vào những video Youtube này, họ chỉ coi đó như một chương trình giải trí, thậm chí có phần lố lăng. Tuy nhiên, có một nhà triết học người Scotland, quê hương của loài chó chăn cừu Bordie Collie lại không hề nghĩ vậy.
Đó là Mark Rowlands, một giáo sư tại Đại học Miami, nhà phê bình văn hóa, nghiên cứu đạo đức và quyền động vật. Rowlands là tác giả của một loạt sách nổi tiếng về chó như “Quyền của động vật” xuất bản năm 1998, “Động vật cũng giống chúng ta” xuất bản năm 2002 và “Nhà triết học và con sói” xuất bản năm 2008.
Trong cuốn sách mới nhất của mình, “Hạnh phúc của loài chó“, vừa xuất bản vào đầu tháng 9, Rowlands đã nghiêm túc trả lời một câu hỏi mà ông đã dành hơn 3 thập kỷ sự nghiệp của mình để tìm hiểu:
Liệu sống như một chú chó thì có đáng sống hay không?
Như triết gia người Hy Lạp cổ đại Socrates từng nói: “Một cuộc đời không tự vấn là một cuộc đời không đáng sống”. Câu nói này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự vấn bản thân mình, suy ngẫm về những hành động của mình, tại sao mình lại có hành động đó để đúc kết ra mục đích hay lý tưởng sống.
Theo Socrates, một cuộc sống không có sự tự vấn là một cuộc sống thiếu hiểu biết và ý thức, sống một cách mù quáng theo thói quen, truyền thống hoặc nương theo định kiến mà không thực sự hiểu rõ vì sao mình lại sống.
Nhưng Rowlands, khi quan sát cuộc sống của các loài động vật bao gồm cách chúng kiếm ăn, vui đùa hoặc chăm sóc con cái, chợt nhận ra khả năng tự vấn của con người đôi khi là một lời nguyền.
Con người, là những sinh vật phức tạp, luôn hoài nghi về mọi hành động của chính mình. Chúng ta không ngừng tự hỏi về mục đích và động cơ của mình, dẫn đến sự dằn vặt và lo lắng thái quá.
Theo Rowlands, khả năng phản ánh nội tâm của con người mang lại cho giống loài chúng ta một nhận thức sâu sắc về bản thân và thế giới. Tuy nhiên, cái giá phải trả kèm theo là một gánh nặng:
Chúng ta luôn bị phân chia cái tôi của mình ra làm đôi, một cái tôi sống cuộc đời mình và một cái tôi quan sát để phán xét cuộc đời ấy.
Đã bao giờ bạn làm một việc gì đó mà cứ phải đặt lên đặt xuống, cân đo đong đếm, nghĩ về những giá trị của nó hay chưa? Sự dằn vặt này xảy ra khi hai cái tôi trong bạn cãi nhau, và nó khiến cho cuộc sống của chúng ta không bao giờ có thể hoàn toàn viên mãn.
Chúng ta luôn có xu hướng suy nghĩ quá nhiều, tự chất vấn bản thân, và rồi lại tự trách bản thân mình vì đã suy nghĩ nhiều quá mức. Loài chó thì ngược lại.
Chó không có khả năng tự vấn hoặc tự phản chiếu bản thân như chúng ta. Đặt một con chó trước gương và bạn sẽ thấy nó sủa chính hình ảnh phản chiếu của nó như đang đối mặt với một con chó lạ.
Điều đó xảy ra là bởi ý thức của loài chó chỉ xử lý được một dạng “tiền phản chiếu”. Có nghĩa là chúng biết mình tồn tại như một thực thể trong không gian, có thể đối mặt với các thực thể và sinh vật trong không gian khác, nhưng chỉ dừng lại ở mức đó. Chúng không tự nhận thức được “cái tôi” hoàn chỉnh của mình.
Sự hạn chế về mặt nhận thức này, mặc dù vậy, không hoàn toàn là khuyết điểm của loài chó. Thiếu vắng sự tự vấn giúp loài chó có thể kết nối với thế giới một cách thuần khiết và tự nhiên hơn, không bị ràng buộc bởi những lo âu về bản thân chúng.
Chẳng hạn như khi một con chó đuổi theo một quả bóng, nó không nghĩ về việc tại sao mình lại làm điều đó, hay liệu điều đó có mang lại cho nó mục đích gì không. Nó chỉ đơn thuần hành động theo bản năng và tìm thấy niềm vui trong khoảnh khắc đó.
Triết lý sống của loài chó
Một con chó đuổi theo quả bóng có thể là một hình tượng vô tri trong đôi mắt tự vấn của loài người. Nhưng khi nhìn lại mình, chính loài người với sự tự vấn cũng sẽ có những khoảnh khắc tương tự.
Đã bao giờ bạn thấy cuộc đời mình giống như những chuỗi ngày được chấm công chưa? Bạn chỉ đi làm, về nhà, ăn tối, đi ngủ rồi lại tỉnh dậy để đi làm. Bạn đi làm để tiết kiệm tiền, để dành được một khoản, bạn đi du lịch, chi tiêu phần lớn số tiền, rồi lại phải đi làm trở lại, để có tiền tiết kiệm.
Trong thần thoại Hy Lạp có một câu chuyện ám chỉ cuộc sống lặp lại một cách vô nghĩa của loài người. Truyện kể về một vị thần tên là Sisyphus, người đã bắt trói thần chết khiến cho thế giới trở nên hỗn loạn vì dưới trần thế ai ai cũng bất tử.
Các vị thần trên đỉnh Olympus sau đó đã phạt Sisyphus bằng một hình phạt vĩnh cửu. Họ bắt ông phải đẩy một tảng đá khổng lồ từ chân núi lên đỉnh núi. Nhưng cứ mỗi khi tảng đá lên tới đỉnh, nó lại tự động lăn xuống núi khiến Sisyphus lại phải đẩy nó một lần nữa.
Hình phạt này diễn ra mãi mãi, tượng trưng cho sự vô nghĩa và lặp lại không hồi kết của một công việc không bao giờ hoàn thành.
Con người chúng ta, với sự tự vấn có thể coi cuộc đời của Sisyphus quả thực là bất hạnh. Nhưng những chú chó có nghĩ thế hay không? Theo Rowlands là: Không!
Trong cuốn sách mới của mình, Rowlands cho biết bản thân ông cũng nuôi một chú chó tên là Shadow. Cứ mỗi sáng thức dậy, Shadow lại thực hiện một nghi lễ: Nó chạy nước rút dọc theo bờ kênh đào Florida, để đuổi những con kỳ nhông đang nằm phơi nắng.
Shadow chẳng bao giờ bắt được con kỳ nhông nào. Bởi mỗi khi nó gần bắt kịp, lũ kỳ nhông đã nhanh hơn, lao thẳng xuống nước. Shadow sau đó chỉ biết đứng ngẩn ngơ nhìn những con kỳ nhông bơi an toàn sang đến bờ bên kia của con kênh.
Nhưng nó không thấy điều đó là vô ích. Trên thực tế, Shadow không bao giờ bỏ qua nghi lễ buổi sáng của nó. Sáng nào nó cũng thức dậy và điều đầu tiên nó làm là đuổi lũ kỳ nhông.
Rowlands lập luận rằng bởi chó không cần phải suy nghĩ về ý nghĩa của việc chúng làm, chúng có thể tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn. Chính những gì mà loài người cho là vô tri lại đem đến cho chó niềm hạnh phúc và sự viên mãn.
“Mặc dù không biết đến nghịch lý thách thức của thần Sisyphus, chú chó Shadow của tôi có thể giải quyết gọn gàng thách thức ấy. [Khi con người mải mê đi tìm ý nghĩa cuộc đời mình], thì ý nghĩa tự nhiên đến với Shadow dễ dàng như việc hít thở“, ông viết.
Cuộc sống đáng ghen tị của loài chó
Tất nhiên, chẳng phải tất cả chó trên thế gian đều hạnh phúc. Ngoài kia luôn có những con chó bị bỏ rơi, bị bạo hành hoặc thậm chí bị biến thành thức ăn của loài người.
Ngoài Shadow, Rowlands còn từng nhận nuôi một cô chó tên là Peanut. Peanut được sinh ra trên đường phố, bị bỏ rơi khi mới vài ngày tuổi và dành toàn bộ hai năm đầu đời của mình trong cũi ở trạm cứu hộ.
Ngay cả sau khi đã được nhận nuôi, Peanut vẫn cảm thấy sợ hãi khi có những tiếng ồn lớn hoặc bất ngờ, như tiếng xe tải hoặc tiếng ai đó giũ một cái túi nilon.
Trong những khoảnh khắc này, Peanut dường như là hiện thân cho một cụm từ mà Rowlands dùng để miêu tả con người, “những sinh vật không yên tâm, không bao giờ hoàn toàn cảm thấy thoải mái trong thế giới hay thậm chí trong chính bản thân mình”.
Nhưng có một sự khác biệt, Peanut không vì quá khứ bất hạnh của mình mà cảm thấy kém vui vẻ mỗi ngày. Nó luôn tìm được những niềm vui trong từng khoảnh khắc, nhất là khi được Rowlands đưa ra cánh đồng yêu thích hoặc khi được chơi đùa với đồng loại của mình.
“Đối với một con chó, hạnh phúc đến một cách thật tự nhiên và giản dị”, Rowlands nói.
Ngay cả bản thân Shadow, nó cũng không phải là một chú chó “hoàn hảo”. Rowlands đánh giá nó là một con chó hung dữ, có hành vi tự vệ quá đà và thậm chí hoang tưởng.
Điều này khiến Shadow thường bị cấm đến những địa điểm được cho là nguy hiểm, cấm chó không được lui tới. Nhưng điều đó không làm giảm đi ý nghĩa cuộc sống của nó. Rowlands chỉ ra rằng chó không cần phải suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc sống để tận hưởng nó một cách trọn vẹn.
Ngay cả khi nó bị cấm đi vào khu vui chơi trẻ em, một nhà hàng hay quán cà phê, loài chó đang làm một điều mà Rowlands gọi là “sự chuyển giao trách nhiệm trong thỏa thuận thuần hóa”.
Bởi chó thuần phục loài người, nó trao cho chúng ta trách nhiệm phải quản lý chúng. Khi chúng ta huấn luyện và chăm sóc chúng, chó để cho chúng ta quyết định xem chúng được phép làm gì và không được phép làm gì.
Chó đơn giản là đẩy trách nhiệm đạo đức của chúng về phía chúng ta. Khi một con chó cắn người hoặc mắc lỗi, trách nhiệm lớn nhất sẽ thuộc về người chủ của nó.
Điều này đôi khi khiến chúng ta cảm thấy mình chịu thiệt thòi. Nhưng đó lại là bản chất của mối quan hệ giữa con người và chó. Chúng ta lo lắng, chúng ta tính toán và suy nghĩ, còn chó thì sống vô ưu, ăn đủ bữa mỗi ngày và thè lưỡi hạnh phúc.
Loài người có thể học được gì từ cuộc sống của loài chó?
Trở lại với vlog thử thách làm chó trên Youtube, bạn có thể coi chúng là những nội dung nhảm nhí, điên rồ và phản cảm. Nhưng hãy thử tự vấn mình như Socrates mà xem, đã bao giờ bạn nhìn vào cuộc sống của một chú chó và ước gì mình cũng có thể gạt bỏ mọi lo âu, phiền muộn để được sống vô tri và vui vẻ như chúng không?
Đối với Youtuber Toco người Nhật Bản, tên tài khoản của ấy đã như một lời tuyên bố dũng cảm cho câu hỏi đó: all_i_want_to_be_an_animal.
“Tên tôi là Toco, tôi muốn trở thành một con vật và tôi đã trở thành một con chó collie“, anh cho biết. “Tôi cảm thấy hạnh phúc vì ước mơ của mình đã trở thành hiện thực”.
Với những tuyên bố này, Toco không chỉ đang khoác lên người bộ đồ hóa trang của loài chó Bordie Collie, với một cái giá 350 triệu VNĐ mà anh đã phải tiết kiệm trong một thời gian dài. Mà anh ấy cũng đang “cosplay” cả một phần tính cách và triết lý sống của loài chó trong đó: Hãy cứ làm những gì mình thích, mặc kệ người khác nghĩ gì.
Trong cuốn sách mới của mình, Hạnh phúc của loài chó, triết gia Rowlands cũng muốn gửi đến độc giả một thông điệp chủ đạo, rằng loài người chúng ta có thể học hỏi một phần triết lý sống của loài chó để “sống” nhiều hơn ở hiện tại.
Mặc dù bản chất giống loài của chúng ta – giống như hình phạt nguyền rủa của thần Sisyphus, không bao giờ có thể thoát được khỏi sự tự vấn – nhưng đôi khi, chúng ta phải biết cách để bỏ bớt suy nghĩ trong đầu và cảm nhận niềm vui một cách tự nhiên hơn, giống như những chú chó.
“Những gì chúng ta biết, nếu chúng ta biết điều gì, thì đó là chúng ta đã biết điều đó thông qua suy nghĩ. Còn chó thì khác với con người, chúng biết mọi thứ thông qua việc sống“, Rowlands viết.
Đây là một bài học tưởng chừng đơn giản, nhưng hết sức sâu sắc về cách chúng ta có thể tìm thấy niềm hạnh phúc trong cuộc sống mỗi ngày – bằng cách học hỏi từ những người bạn bốn chân trung thành của mình, những sinh vật sống mà không bị ràng buộc bởi sự tự vấn, hoài nghi và suy ngẫm quá mức.
Nguồn tin: https://genk.vn/mot-nha-triet-hoc-da-danh-30-nam-de-tra-loi-cau-hoi-lieu-song-nhu-mot-chu-cho-thi-co-dang-song-khong-20240921190141603.chn