Tờ Nikkei Asian Review cho hay hãng xe điện nổi tiếng Trung Quốc BYD đang cố gắng soán ngôi vị của CATL trong mảng ắc quy điện, bắt đầu từ phân khúc giá rẻ.
Hiện BYD đã trở thành nhà cung ứng hàng đầu về ắc quy Lithium-sắt-phốt phát (LFP), vốn rẻ hơn 20-30% so với loại Lithium-Ion thông thường làm từ Nickel, Cobalt và Mangan (NCM).
Số liệu của Hiệp hội công nghiệp ắc quy ô tô Trung Quốc (CABIA) cho thấy trong nửa đầu năm 2023, BYD đã chiếm đến 43,7% thị phần ắc quy LFP, qua đó dẫn đầu thị trường.
Nếu tính trong khoảng tháng 1-11/2023, BYD chiếm 41,1% thị phần mảng ắc quy LFP, còn CATL chỉ đứng thứ 2 với 33,9%.
Mặc dù CATL mới là hãng làm ắc quy truyền thống và có kinh nghiệm sản xuất LFP lâu năm hơn nhưng BYD lại có lợi thế là hãng xe điện số 1 Trung Quốc, qua đó có thể sử dụng sản phẩm trực tiếp lên ô tô điện do họ sản xuất.
Khốc liệt
Theo Nikkei, hãng CATL hiện vẫn đang là tập đoàn cung ứng ắc quy cho xe điện lớn nhất thế giới. Ngay cả ở Trung Quốc, công ty này cũng chiếm đến 60% thị phần ắc quy Lithium- Ion NCM.
Mặc dù dòng ắc quy LFP rẻ hơn so với NCM vì sử dụng những nguyên liệu tiện lợi hơn như sắt và phốt pho nhưng chúng lại có độ tích tụ năng lượng yếu hơn, dẫn đến suy giảm phạm vi vận hành sau mỗi lần sạc của ô tô điện.
Bất chấp điều đó, lượng sử dụng ắc quy LFP tại Trung Quốc đã dần vượt mặt NCM kể từ năm 2021 nhờ chi phí rẻ. Riêng trong 11 tháng đầu năm nay, ắc quy LFP đã chiếm đến gần 70% lượng xe điện tại Trung Quốc.
Chính vì lẽ đó mà cả BYD và CATL đang cạnh tranh nhau khốc liệt trên thị trường LFP nhằm thống trị miếng bánh lợi nhuận béo bở này. Đó là chưa kể công nghệ phát triển khiến những nhược điểm của dòng ắc quy LFP đang dần được khắc phục.
Ví dụ điển hình là dòng sản phẩm Blade Battery do BYD phát triển có kích thước mỏng dài hơn so với thông thường, qua đó tạo thêm không gian trống cho xe điện để lắp thêm ắc quy.
Ngay trong Triển lãm ô tô “Japan Mobility Show 2023” vào tháng 10 vừa qua, đám đông khách tham quan đã vây quanh gian hàng của BYD để chiêm ngưỡng dòng ắc quy mới trên.
Tương tự, tập đoàn Toyota Motor cũng tuyên bố đang phát triển thế hệ ắc quy LFP mới, qua đó cho thấy sức hút của sản phẩm này với các hãng xe hơi.
Mẫu Blade Battery của BYD có thể giúp xe điện chạy khoảng 700km sau mỗi lần sạc đầy, đồng thời có một thiết kế phù hợp, chắc chắn hơn cho ô tô điện. Hiện BYD đang hợp tác cả với hãng xe điện trong nước như Hong qui lẫn nước ngoài như Toyota để cung ứng ắc quy LFP của mình.
Không chịu kém cạnh, hãng CATL trong Triển lãm ô tô Guangzhou vào tháng 11/2023 cũng đã tung ra dòng ắc quy LFP Shenxing mới có khả năng sạc siêu nhanh. Sản phẩm này có thể giúp xe điện chạy khoảng 400km chỉ với 10 phút sạc.
“Phạm vi vận hành của các dòng xe điện hiện nay ở Trung Quốc về cơ bản đã được giải quyết. Giờ đây khách hàng quan tâm nhiều hơn đến tốc độ sạc ắc quy”, một giám đốc của CATL nói với tờ Nikkei.
Phía CATL cho biết họ đang cung ứng Shanxing cho ít nhất 5 hãng xe điện Trung Quốc và đang hợp tác với Stellantis tại Châu Âu.
Theo Nikkei, cạnh tranh khốc liệt trên thị trường đã khiến lợi nhuận ròng quý III/2023 của CATL chỉ tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 10,4 tỷ Nhân dân tệ, tương ứng 1,45 tỷ USD. Đây là mức tăng thấp nhất theo quý kể từ quý I/2022.
Trong nửa đầu năm nay, CATL chỉ đạt 60,5% công suất nhà máy, thấp hơn nhiều so với 81,3% của năm trước do tệp khách hàng đã bão hòa cũng như cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ như BYD.
*Nguồn: Nikkei