Phân tích từ Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu cho biết, nhiệt độ toàn cầu năm nay sẽ cao hơn 1,4 o C so với thời tiền công nghiệp, tức là rất gần ngưỡng 1,5 o C – là ngưỡng mà các nhà khoa học nói rằng con người và hệ sinh thái sẽ rất khó thích nghi, theo trang CNN .
Mỗi tháng, kể từ tháng 6 năm nay, đều là tháng nóng nhất trong lịch sử các tháng tương ứng (ví dụ, tháng 6/2023 là tháng 6 nóng nhất trong lịch sử, tháng 7/2023 là tháng 7 nóng nhất trong lịch sử…), và tháng 11 vừa rồi cũng vậy. Tháng 11 đã nóng hơn 1,75 o C so với thời tiền công nghiệp, trong đó có 2 ngày còn nóng hơn hẳn 2 o C, khiến các nhà khoa học thực sự lo lắng rằng những năm sau sẽ còn thế nào, bởi chưa bao giờ trên thế giới có một ngày như thế chứ đừng nói là 2 ngày trong một tháng, theo Channel News Asia .
Thực tế, đã có những cảnh báo rằng 2023 có thể “soán ngôi” năm 2016 để trở thành năm nóng nhất lịch sử , nhưng đây là lần đầu tiên việc này được xác nhận tại hội nghị khí hậu thường niên (COP28) của Liên Hợp Quốc đang diễn ra tại Dubai (UAE).
Theo Copernicus, với dữ liệu từ năm 1940, nhiệt độ 11 tháng đầu tiên của năm nay đã cao hơn 11 tháng đầu tiên của năm 2016 là 0,13 o C. Từ tháng 9 đến tháng 11, là 3 tháng mùa Thu ở Bắc bán cầu, lại không chỉ là những tháng 9, 10, 11 nóng nhất, mà còn vượt qua những kỷ lục cũ với chênh lệch lớn.
Ông Carlo Buontempo, người đứng đầu Copernicus, nói: “Chừng nào khí nhà kính còn tăng thì chúng ta không thể kỳ vọng những kết quả khác được”.
Dự báo về những năm tới, ông Buontempo nhận định: “Nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng và sức ảnh hưởng của những đợt nóng cũng vậy”.