Thời gian qua, mạng xã hội tràn ngập các buổi livestream (buổi phát trực tiếp) tranh cãi về đời tư của các KOL (người có sức ảnh hưởng), thu hút hàng triệu lượt xem. Thay vì tạo ra giá trị, nhiều người có ảnh hưởng lại gây chú ý bằng ồn ào cá nhân. Sự tò mò của đám đông đã vô tình biến những câu chuyện này thành nội dung “hot”, lấn át cả những vấn đề quan trọng khác trong xã hội.
Người ta thường cho rằng nghệ sĩ có được yêu mến thì khán giả mới quan tâm tới đời tư, tuy nhiên, việc chủ động đưa những chuyện cá nhân “không mấy tốt đẹp” của mình lên mạng xã hội để đấu tố nhau thì lại là một hành động tai tiếng, đem lại cái nhìn tiêu cực.
Thời gian qua, mạng xã hội tràn ngập thông tin về chuyện tình cảm giữa streamer V và bạn gái N.K, thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng mạng. Đỉnh điểm vào tối 28/3/2025, dư luận dậy sóng khi streamer V và rapper P cùng xuất hiện trong một buổi livestream để đối chất về mối quan hệ của họ, cũng như những vấn đề liên quan đến “người thứ 3”. Đáng nói, sự kiện này lại thu hút tới hàng triệu người xem cùng lúc, có thời điểm lượt xem lên tới 4 triệu, tạo nên một “cơn sốt” trên các nền tảng trực tuyến.
Cộng đồng mạng “xâu xé” nội dung phản cảm
Sự việc trên, cùng hàng loạt các trang thông tin, content rầm rộ đã gây nên sự phản cảm trên không gian mạng. Chỉ cần bấm tìm kiếm tên những nhân vật trên, lập tức trên Google cho ra hơn 60.000 lượt tìm kiếm. Các trang mạng xã hội một ngày lên tới 4-5 bài cập nhật, phân tích, khen chê đủ cả. Mỗi bài đăng như thế lại nhận về hàng nghìn lượt bình luận. Chị Ngọc Ánh chia sẻ trong trang cá nhân facebook của mình: “Thiệt sự tuần qua thấy mấy tin này mà thấy khó chịu, vô cùng nhảm nhí. Mình muốn unfriend (hủy kết bạn) hết các bạn bè trên Facebook đã share tin liên quan đến drama này ghê. Còn bài nhạc kia nữa, mình có nghe qua, rồi thôi, không bao giờ nghe lại nữa. Riết rồi nhạc nhẽo kiểu gì toàn mắng chửi nhau mà cũng viral được nữa.”
Một trong nhiều khán giả bức xúc khi hàng loạt các trang thông tin, trang mạng xã hội đưa thông tin về sự việc vô bổ này. Nguồn: MXH
Không chỉ riêng trường hợp của streamer V, trước đó, mạng xã hội cũng từng xôn xao sự việc của một nam streamer tên S – được mệnh danh là nam streamer tai tiếng bậc nhất VCS (Giải VĐQG Liên minh huyền thoại tại Việt Nam) đã phát trực tiếp và tổ chức gặp gỡ cộng đồng người hâm mộ (Fan) của mình, từ đó thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng dưới hình thức nhận tiền trực tiếp từ khán giả đến xin chụp ảnh.
Điểm đáng nói là streamer này được chú ý bởi chuỗi các video kể chuyện “tù tội” và có hành vi cổ súy, quảng cáo cho các ứng dụng cờ bạc như:cá độ bóng đá, đua chó, đua ngựa, thậm chí người này còn có dấu hiệu phát ngôn lệch chuẩn, vi phạm pháp luật. Tất cả tạo ra làn sóng bàn tán dữ dội, biến đời tư cá nhân thành một dạng nội dung giải trí gây tranh cãi.
Streamer S nổi tiếng vì những video kể chuyện về việc “đi tù” của mình, nhưng vẫn được hàng trăm nghìn lượt like và có cả lượng lớn fan hâm mộ. Nguồn: MXH
Chỉ trong giờ đồng hồ ngồi livestream, những KOL này đã thu về được một số tiền khổng lồ từ việc những người theo dõi phải trả phí để được bày tỏ quan điểm của mình dù đó là bất kỳ phản ứng gì. Nguồn lợi đến từ chính sự tò mò, phẫn nộ và cả hả hê của đám đông. Một tài khoản mạng xã hội mang tên L.N đã bày tỏ sự bức xúc của mình về những phiên livestream đầy thị phi: “Chúng ta đang xây dựng một xã hội tử tế hay chỉ đang nuôi lớn những cỗ máy biết tạo scandal? Không ai biết những tên tuổi kia có tài năng gì.”
Tài khoản mạng xã hội bày tỏ bức xúc về những phiên livestream đầy “thị phi”. Nguồn: MXH
Mạng xã hội “tiếp tay” cho những câu chuyện vô bổ?
Nếu các KOL này thực hiện livestream trên nền tảng không có giấy phép hợp lệ, hoặc nếu họ phát sinh doanh thu từ hoạt động này mà không tuân thủ quy định, thì có thể xem xét dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cụ thể, theo Nghị định 147/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 25/12/2024 đã bổ sung một số quy định về quản lý trang thông tin điện tử và mạng xã hội trong nước. Theo đó, chỉ các mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới được phép cung cấp tính năng livestream hoặc các hoạt động có phát sinh doanh thu.
Ngoài ra, tại Nghị định cũng quy định chi tiết về trách nhiệm của người sử dụng mạng xã hội trong việc đảm bảo nội dung không vi phạm thuần phong mỹ tục, không gây ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng.
Mặc dù có số lượng người quan tâm “khổng lồ”, nhưng không phải ai trong số đó cũng biết những tên tuổi trên là ai, làm gì mà họ chỉ theo dõi vì tò mò câu chuyện cá nhân. Tuy ai cũng là con người nhưng ở góc độ khác, nhất là ở thời điểm mạng xã hội phát triển thì người nghệ sĩ lại đóng góp vai trò đặc biệt, giúp định hướng cho giới trẻ nói riêng và xu hướng nghệ thuật cùng cái nhìn trong cuộc sống nói chung. Tuy nhiên, thứ họ đem đến cho khán giả lại là những tranh cãi không mấy tốt đẹp xung quanh câu chuyện về đời tư chứ không phải tài năng hay những cống hiến cho nghệ thuật.
Nếu bản thân người nghệ sĩ xác định chuyện riêng tư cần được giữ kín, thì không nên mang những mối quan hệ hay quá khứ cá nhân lên mạng xã hội, càng không nên biến nơi này trở thành nơi đấu tố, tranh chấp nhau trước hàng triệu khán giả, bởi khi đó, thứ họ nhận lại được chỉ là “tai tiếng” đeo bám theo họ trong suốt quãng đời sự nghiệp còn lại của mình.
Trong thời đại hiện nay, khi tin tức giả mạo và thông tin sai lệch lan truyền với tốc độ nhanh chóng, khán giả không chỉ đóng vai trò là người tiếp nhận thông tin, mà còn cần phải đánh giá, kiểm chứng thông tin trước khi truyền tải. Hãy trở thành những người chia sẻ thông tin có trách nhiệm khi lan tỏa những nội dung chính xác, hữu ích và mang lại giá trị cho cộng đồng.
Nguồn tin: https://genk.vn/khi-su-to-mo-cua-dam-dong-nuoi-duong-noi-dung-doc-hai-tren-mang-xa-hoi-20250412190822857.chn