Trong eSports mọi thứ xảy ra rất nhanh, và nếu như bạn chỉ phản ứng chậm 0.1 giây thôi cũng có thể làm cục diện của trận đấu thay đổi. Đây là lý do mà các thương hiệu bàn phím, trong đó có Razer đã phát triển ra những loại switch có khả năng thay đổi được điểm kích hoạt trên hành trình phím, giúp cho game thủ thao tác nhanh hơn bao giờ hết.
Với Razer, dòng sản phẩm cao cấp nhất của hãng được sử dụng loại switch đặc biệt này là dòng Huntsman V3 Pro mà chúng ta có ở đây.
Hộp của Huntsman V3 Pro vẫn giữ truyền thống của Razer khi có rất nhiều chi tiết, giới thiệu về các tính năng của bàn phím. Tại đây ta có phiên bản lớn nhất của dòng bàn phím này là Full-size, nhưng hãng cũng có các phiên bản Tenkeyless và Mini (60%).
Đồng hành cùng các thương hiệu khác trong việc bảo vệ môi trường, Razer sử dụng nilong gói được làm từ 30% vật liệu tái chế.
Bộ phụ kiện của phím có dây kết nối, một chiếc kê tay và tờ hướng dẫn sử dụng.
Hướng dẫn sử dụng này khá chi tiết vì Huntsman V3 Pro cũng là sản phẩm đắt tiền, có nhiều tính năng để sử dụng. Ta có hướng dẫn chuyển đổi Profile phím nhanh cũng như cách chỉnh điểm kích hoạt ngay trên phím mà không cần phải sử dụng tới phần mềm Razer Synapse.
Phần kê tay được hoàn thiện tốt, kết nối với phím bằng nam châm và có bề mặt tiếp xúc với tay làm bằng da cho cảm giác nâng đỡ êm ái. Mặt dưới của kê tay được in họa tiết lặp đi lặp lại chữ “For gamers by gamers” hay “Được thiết kế bởi các game thủ để dành cho game thủ”.
Trước khi đi tới mặt trước phím ta sẽ ‘dạo quanh’ các cạnh bên trước! Cổng kết nối USB-C của phím nằm ở cạnh trái, được đặt lùi vào trong để ‘che’ đi phần cổng kết nối khi cắm vào.
Chiếc dây bện vải được cung cấp sẵn khi lắp vào phím sẽ nhìn khá giống với một chiếc dây liền!
Mặt dưới của phím có họa tiết “For gamers by gamers” giống với kê tay và ở cạnh trên ta có hệ thống chân dựng với 2 nấc chiều cao, nâng phím lên một góc 6 và 9 độ.
Trở lại với mặt trước, Huntsman V3 Pro có bề mặt bằng kim loại được xử lý phay xước, sơn một màu xám đậm, gần với đen nhìn rất hầm hố.
Giống với các bàn phím khác của hãng, Huntsman V3 Pro có kiểu thiết kế phím nhô lên so với phím (floating), và qua khe hở này ta cũng có thể thấy được switch Razer Analog Optical Gen-2 mà hãng sử dụng.
Ở cạnh trái, ta có một vòng xoay đa chức năng và 3 nút bấm chỉnh nhạc.
Giống với các bàn phím dành cho game thủ khác, vòng xoay cũng như 3 nút bấm này cũng có thể tùy chỉnh để thực hiện các chức năng khác nhau. Trong đó vòng xoay bên cạnh việc dùng để chỉnh âm lượng cũng như dùng trong việc điều chỉnh vị trí kích hoạt phím.
Trở lại với switch được sử dụng trên phím, đây là một loại switch quang học tức sử dụng ánh sáng để kích hoạt nên có thể điều chỉnh được điểm kích hoạt (nhận phím) cách vị trí mặc định từ 0.1 tới 4mm. Khi điều chỉnh hành trình phím ‘nông’ hơn đồng nghĩa với việc thời gian mà bạn dùng để kích hoạt từng phím sẽ ngắn hơn, từ đó tăng tốc độ thao tác trong game.
Thậm chí hãng còn trang bị 1 chế độ là Rapid Trigger Mode, cho phép nhấn liên tục 1 phím mà không sợ phím không nhận. Một số thông số khác của switch bao gồm lực nhấn chạm đáy 40g và tuổi thọ khoảng 100 triệu lượt nhấn (mỗi phím).
Ta có thể điều chỉnh nhanh 2 tính năng điều chỉnh vị trí kích hoạt cũng như Rapid Trigger Mode lần lượt bằng tổ hợp phím Fn + Tab và Fn + Capslock. Phía trên cụm phím điều hướng cũng có hệ thống đèn để báo hiệu việc điều chỉnh này.
Ở các sản phẩm tầm thấp hơn Razer thường sử dụng keycap nhựa ABS, nhưng với phiên bản Huntsman V3 Pro tầm cao hơn hãng đã chuyển dùng nhựa PBT Doubleshot với ký tự trong suốt để xuyên đèn LED đổi màu. Nhựa PBT, nhất là loại Doubleshot (cấu thành từ 2 lớp nhựa khác nhau) có khả năng chống bóng bề mặt tốt, chữ cũng sẽ không bị bay mất theo thời gian.
Là sản phẩm cao cấp, có nhiều tính năng hướng tới các game thủ nghiêm túc và tuyển thủ eSports nên Huntsman V3 Pro cũng có giá bán vượt trội so với các sản phẩm của hãng. Phiên bản Full-size mà chúng ta có ở đây có giá là 6.890.000 Đồng, bên cạnh đó phiên bản Tenkeyless và Mini (60%) có giá lần lượt là 5.990.000 Đồng và 4.890.000 Đồng.