Vũ trụ lại một lần nữa khiến chúng ta kinh ngạc. Vào ngày 21/5/2025, Trung tâm Hành tinh Nhỏ thuộc Liên minh Thiên văn Quốc tế đã chính thức công bố phát hiện một thiên thể mới trong Hệ Mặt Trời – tạm thời được đặt tên là 2017 OF201. Đáng chú ý, vật thể này có quỹ đạo xa đến mức mỗi vòng quay quanh Mặt Trời mất tới 25.000 năm để hoàn thành.
2017 OF201 được xếp vào nhóm thiên thể vượt Sao Hải Vương (trans-Neptunian object, TNO) – tức nằm xa hơn cả hành tinh thứ tám trong Hệ Mặt Trời. Với đường kính ước tính khoảng 700 km, nó hoàn toàn đủ tiêu chuẩn để được phân loại là một hành tinh lùn, tương tự như Ceres hay Eris.
Hình ảnh hiển thị vị trí hiện tại của sao Diêm Vương, sao Hải Vương và 2017 OF201.
“Thiên thể này chỉ xuất hiện trong vùng không gian đủ gần để chúng ta phát hiện ra nó khoảng 1% thời gian trong quỹ đạo,” trưởng nhóm nghiên cứu Sihao Cheng từ Viện Nghiên cứu Cao cấp (IAS) cho biết. “Điều đó cho thấy có thể còn hàng trăm vật thể tương tự ngoài kia mà chúng ta chưa hề phát hiện được – đơn giản vì chúng quá xa.”
Điểm nổi bật nhất của 2017 OF201 là quỹ đạo “cực đoan”: điểm xa nhất (điểm viễn nhật) của nó cách Mặt Trời hơn 1.600 đơn vị thiên văn (AU) – tức hơn 1.600 lần khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời. Trong khi đó, điểm gần nhất (cận nhật) là 44,5 AU – tương đương quỹ đạo của Sao Diêm Vương.
Điều này không chỉ khiến giới khoa học ngạc nhiên mà còn gây thách thức trực tiếp với giả thuyết “Hành tinh thứ 9” (Planet 9) – một hành tinh giả định có khối lượng lớn hơn Trái Đất, được cho là tồn tại ở rìa Hệ Mặt Trời nhằm giải thích sự sắp xếp có quy luật của các TNO cực đoan. Tuy nhiên, theo đồng tác giả Jiaxuan Li từ Đại học Princeton, “quỹ đạo của 2017 OF201 lại không hề tuân theo quy luật định hướng mà các vật thể khác trong nhóm này thường có, khiến giả thuyết về Planet 9 thêm phần lung lay.”
Một chi tiết đáng chú ý khác là toàn bộ dữ liệu để phát hiện và xác định đặc điểm của thiên thể này đều đến từ nguồn dữ liệu thiên văn lưu trữ công khai, chứ không phải từ các đài quan sát tối tân nhất. “Bất kỳ ai – từ nhà nghiên cứu, sinh viên, cho đến nhà khoa học công dân – đều có thể tiếp cận dữ liệu này và thực hiện khám phá, nếu có công cụ và kiến thức phù hợp,” Li nói.
Dù vẫn còn sớm để kết luận về bản chất và nguồn gốc của 2017 OF201, phát hiện này đã mở ra thêm một cánh cửa cho việc khám phá những vùng xa xôi nhất của Hệ Mặt Trời – nơi những bí ẩn như Hành tinh 9, các hành tinh lùn chưa được đặt tên, và hàng trăm TNO tiềm năng khác vẫn đang chờ được giải mã.
Bài báo khoa học mô tả chi tiết phát hiện đã được đăng tải trên arXiv.
Anh Việt
Nguồn tin: https://genk.vn/he-mat-troi-vua-phat-hien-them-mot-thanh-vien-bi-an-va-no-dang-thach-thuc-ca-gia-thuyet-hanh-tinh-thu-chin-20250524135018751.chn