Game thủ theo dõi tập đoàn Valve đều hiểu rõ một chân lý, rằng Valve có được vị thế ngày hôm nay là nhờ sản xuất phần mềm, bất kể đó là nền tảng bán game (Steam) hay những tựa game đã làm nên lịch sử (Half-Life, Portal, Left 4 Dead). Bằng sức ảnh hưởng tạo ra bởi những phần mềm kể trên, Valve trở thành cái tên quyền lực bậc nhất ngành game.
Nhưng Valve cũng đam mê sản xuất phần cứng: nếu không có phần cứng, thì lấy đâu ra thiết bị để chạy phần mềm? Valve đã từng thử sức với Steam Machine – một máy chơi game “lai” giữa máy console và dàn PC, Steam Controller – tay cầm chơi game, và Valve Index – một hệ thống VR có giá lên tới gần ngàn đô.
Các hệ thống trên đều đạt được những thành công nhất định, nhưng phải đến Steam Deck, một máy chơi game cầm tay mạnh ngang ngửa một chiếc PC, Valve mới có chỗ đứng vững chắc trong mảng handheld. Thực tế, thành công của Steam Deck đã khiến ngôi vương của Nintendo Switch lung lay, thậm chí khởi đầu một làn sóng mới mà tại đó, hàng loạt nhãn hiệu công nghệ cũng sản xuất máy chơi game cầm tay của riêng mình.
Tại CES 2025, Lenovo tiếp tục đầu tư cho dòng thiết bị chơi game, tiếp tục ra mắt những phiên bản mới của máy chơi game Legion Go. Nhưng màn chào sân lần này của họ đặc biệt: Lenovo hợp tác với Valve, phát triển một máy Legion Go S chạy SteamOS. Phải nói thêm, Legion Go S sẽ cạnh tranh trực tiếp với Steam Deck của Valve.
Hà cớ gì mà Valve mang “thóc” nhà làm, một sản phẩm tiêu tốn bao mồ hôi nước mắt suốt 12 năm mới hoàn thiện được như ngày hôm nay, ra đãi “gà rừng”? Để trả lời câu hỏi này, ta cần biết thứ thóc này ngon đến đâu, và Valve dự định gì với thứ “gạo xuất khẩu” đáng giá này.
SteamOS là gì?
Ban đầu, SteamOS là hệ điều hành chạy trên nền bản phân phối Linux mã nguồn mở có tên Arch Linux, được Valve phát triển riêng cho hệ máy Steam Deck. Cách đây ít lâu, Valve chính thức cập nhật hướng dẫn sử dụng thương hiệu SteamOS.
Cụ thể, Valve yêu cầu các bên liên quan sử dụng phiên bản mới của logo “Powered by SteamOS ” (tạm dịch: Được cung cấp sức mạnh bởi SteamOS), trên “ phần cứng chạy hệ điều hành SteamOS, được triển khai với sự hợp tác chặt chẽ cùng Valve “.
Đến sự kiện CES 2025, ta mới biết tại sao Valve làm vậy. Tại hội chợ hàng điện tử mới diễn ra tại Las Vegas, Lenovo công bố Legion Go S – thiết bị bên thứ ba đầu tiên chính thức gắn logo “Powered by SteamOS”. Hệ điều hành do Valve phát triển đã lần đầu tiên vươn tới những thiết bị khác ngoài Steam Deck, và tham vọng của Valve không chỉ dừng lại tại đó.
Theo đánh giá của người dùng, SteamOS là một hệ điều hành tiệm cận mức hoàn hảo cho một máy handheld: vốn dĩ nó được thiết kế cho một máy handheld mà! Các đối thủ của Steam Deck trên thị trường, như ASUS ROG Ally hay MSI Claw đều chạy Windows – một hệ điều hành được thiết kế riêng cho máy tính, vì thế cả UI (giao diện người dùng) và UX (trải nghiệm người dùng) đều không tối ưu.
Hiểu được nhu cầu này, Valve quyết định mang SteamOS lên tất cả các máy handheld khác, dự kiến vào thời điểm nào đó sau tháng Ba tới đây. SteamOS được thiết kế để sử dụng dễ dàng bằng tay cầm (controller) và màn hình cảm ứng, người dùng sẽ không cần tới chuột và bàn phím để có thể tối ưu trải nghiệm.
Trong bài phỏng vấn với trang tin Pháp Frandroid , Pierre-Loup Griffais – lập trình viên tại Valve, và cũng là một trong những đôi bàn tay nhào nặn nên SteamOS – chia sẻ một số chi tiết thú vị đằng sau quá trình phát triển SteamOS cũng như tương lai của nó.
Hiện tại, Valve sẽ tập trung đưa SteamOS lên các thiết bị di động, và mở rộng hợp tác với các bên thứ ba để hỗ trợ hệ điều hành này. Theo lời anh Griffais, Valve chịu trách nhiệm cập nhật driver đồ họa để tối ưu của game, còn các nhà phát triển khác thực hiện cập nhật firmware và BIOS, rồi phân phát qua chính nền tảng SteamOS.
Tham vọng của Valve sẽ không dừng lại ở phần cứng handheld. Anh Griffais chia sẻ rằng mục đích cuối cùng của SteamOS là hiện diện trên mọi “mặt trận”, từ PC để bàn truyền thống, “PC cầm tay” hay bất cứ nền tảng nào chạy được hệ điều hành. Valve sẽ nỗ lực hết mình để duy trì khả năng tùy biến tự do mà người dùng PC vốn vẫn quen thuộc.
Giấc mơ này chưa thành hiện thực bởi một số lý do khác. Hiện Valve đang làm việc với Intel để tối ưu SteamOS, bên cạnh đó công tác tích hợp driver mã nguồn mở của NVIDIA vẫn còn đang trong giai đoạn đầu. Valve vẫn đang tập trung đưa SteamOS lên các máy handheld hiện hành, nên giấc mơ “thống trị” phần cứng bằng SteamOS vẫn còn xa.
Hé lộ “âm mưu” thâu tóm thị trường của Valve
Các lập trình viên tại Valve đã mất 12 năm để đưa SteamOS được mức độ hoàn thiện của ngày hôm nay, và dựa vào những chia sẻ của anh Pierre-Loup Griffais, Valve sẽ tận dụng triệt để thế mạnh phần mềm này trong tương lai.
Nếu bạn thắc mắc tại sao Valve lại mang thóc để đãi gà rừng, thì câu trả lời đây: vì món “thóc” SteamOS rất ngon, nên các “gà rừng” sẽ chọn Valve làm quán ăn ưa thích. Nhờ đó, cả nhà phát triển phần cứng và phần mềm đều được lợi: máy chạy SteamOS bán chạy hơn nhờ giao diện thân thiện, và Steam dễ dàng bán game hơn, khi mọi SteamOS sẽ được tích hợp sẵn cửa hàng Steam.
Valve đã sở hữu ưu thế lớn trên thị trường phần mềm, và khi SteamOS cũng cài được trên cả máy tính để bàn nhà bạn, Valve sẽ mặc định xuất hiện trên vô vàn phần cứng hiện hành. SteamOS của Valve chính là Windows của Microsoft, và chúng ta hiểu rõ Microsoft đã vững chân trong mảng phần cứng nhờ phần mềm Windows như thế nào.
Nhưng thực tế mà nói, Valve cũng đã đứng vững trong mảng máy tính từ lâu rồi. Bạn cứ thử hỏi bất cứ game thủ PC nào mà xem.
Một nước cờ hay để củng cố quyền lực
Hai thập kỷ nay, cuộc hội thoại xoay quanh ngành công nghiệp trò chơi điện tử xoay quanh cái kiềng có ba chân: Microsoft, Nintendo và Sony. Ba ông lớn này sở hữu những nền tảng chơi game hào nhoáng, sở hữu những tựa game độc quyền thú vị khiến game thủ phải đầu tư để trải nghiệm. Xbox, Switch và PlayStation qua đó đại diện cho 3 hệ máy console nắm giữ thị trường.
Nhưng cũng đã từ lâu, mảng game PC thuộc về Valve. Bằng nền tảng bán game mang tên Steam, dịch vụ được ra mắt lần đầu năm 2003, Valve dần xuất hiện trên nhiều những cỗ máy chạy Windows. Thông qua những tựa game đình đám như Half-Life, Left 4 Dead hay Counter-Strike, DotA 2, Valve tiếp tục khẳng định vị thế độc tôn trên hệ máy PC.
Miếng bánh PC béo bở thu hút những thương hiệu lớn: rất nhiều hãng phát hành, phát triển game ra mắt cửa hàng bán game của riêng mình, nhưng hiện giờ có những cửa hàng đã không chịu được tầm ảnh hưởng của Steam mà phải tan rã, có những cửa hàng phải … phát game bom tấn miễn phí để cố gắng cạnh tranh (mà vẫn không thực sự hiệu quả).
Đến hôm nay, có những game vốn được phát hành riêng trên cửa hàng riêng – như Diablo IV trên Battle.net, hay Red Dead Redemption trên Rockstar Store – cũng đều có phiên bản riêng trên Steam. Có những game vốn được phát triển độc quyền cho PlayStation hay Xbox (đơn cử như Returnal trên PS5 hay Halo trên Xbox) cũng đã được đưa lên Steam.
Và từ khi Valve công bố Steam Deck, họ cho thấy mình không đơn thuần là một tập đoàn chỉ cung cấp phần mềm và dịch vụ. Thành công của Steam Deck cho thấy mảnh đất “máy chơi game di động” vẫn còn chỗ đứng cho những thiết bị mới, và thành công này cũng thôi thúc nhiều nhãn hiệu sản xuất thiết bị handheld của riêng mình.
Valve mong muốn trong tương lai, tất cả những thiết bị handheld này sẽ đều chạy SteamOS, và hệ điều hành đang dần được hoàn thiện này sẽ trở thành tâm điểm của mọi hoạt động trong thế giới trò chơi điện tử. Một người chơi sẽ không cần phải mua máy của Valve để hưởng lợi từ hệ sinh thái mà Valve tạo nên.
Bản thân ý tưởng này – là tạo ra một hệ sinh thái riêng, kết nối những sản phẩm “cây nhà lá vườn” về một mối – không mới.
Sony mong muốn làm vậy với PlayStation với thiết bị Portal hay công nghệ PlayStation Link. Microsoft cũng nuôi hy vọng tương tự với dịch vụ Game Pass, có thể mang game tới mọi thiết bị có kết nối internet. Họ đều muốn được như Apple, trong việc tạo ra một hệ sinh thái khép kín và thu hút đông đảo người dùng sử dụng.
Ở thời điểm hiện tại, Valve là công ty chạm gần tới ý tưởng này nhất. SteamOS có thể trở thành trọng tâm mà sau này, mọi thiết bị dùng để chơi game sẽ xoay quanh nó. Steam Deck chạy SteamOS, đối thủ của Steam Deck cũng chuẩn bị chạy SteamOS, và Valve đang lên kế hoạch phân phối SteamOS lên tất cả những hệ máy handheld tương lai.
Và đến ngày SteamOS chạy mượt mà trên máy tính để bàn, có lẽ một người dùng PC sẽ chạy song song 2 hệ điều hành: Windows để làm việc hàng ngày, và SteamOS để chơi game.
Trong bài phỏng vấn, Pierre-Loup Griffais cũng đồng thời khẳng định SteamOS không sinh ra để trực tiếp cạnh tranh với Windows.
” Tất cả nỗ lực này đều để áp dụng rộng rãi cho nền tảng PC và sẽ tiếp tục mở rộng theo thời gian. [Nó dùng để] Hỗ trợ nhiều nền tảng, nhiều chipset, các bộ điều khiển dành cho các thiết bị hiện có và thậm chí cả những thiết bị chưa ra mắt ”, anh Griffais nói.
Mục tiêu của Valve với SteamOS là làm cho nó tương thích với PC truyền thống, laptop, máy chơi game cầm tay và bất kỳ nền tảng nào khác. Tính chất mở của nó không khỏi khiến người ta liên tưởng đến Windows, hệ điều hành phổ biến nhất.
Valve khẳng định rằng không muốn cạnh tranh, nhưng một khi người dùng thấy SteamOS đủ tốt, đủ ổn định để chơi những tựa game họ muốn, thì SteamOS vẫn sẽ trở thành “đối thủ bất đắc dĩ” của các hệ điều hành khác mà thôi.
Nguồn tin: https://genk.vn/he-dieu-hanh-steamos-se-giup-valve-thong-tri-mang-phan-cung-choi-game-y-nhu-cach-microsoft-da-lam-voi-windows-20250115195042138.chn