Hãng điện tử huyền thoại Panasonic của Nhật Bản (thành lập từ năm 1918) mới đây cho biết họ sẽ mô phỏng cách tiếp cận tối giản từ Trung Quốc trong thiết kế thiết bị điện tử tiêu dùng khi thất thế trên chính sân nhà trước các đối thủ láng giềng.
Sự cạnh tranh khốc liệt từ Haier và Midea tại Trung Quốc và Đông Nam Á là nguyên nhân chính khiến Panasonic buộc phải học tập chiến lược kinh doanh từ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Ngoài ra việc sản phẩm Panasonic mất vị thế dẫn đầu tại chính Nhật Bản trước thương hiệu Trung Quốc cũng là một phần lý do.
“Điều chúng tôi học được từ Trung Quốc là thiết kế sản phẩm có tính năng cụ thể và loại bỏ những phần không cần thiết”, Chủ tịch Masahiro Shinada của Panasonic cho hay.
Ngoài ra, Chủ tịch Shinada cũng cho biết Panasonic sẽ sao chép phương pháp lên kế hoạch phát triển sản phẩm của các doanh nghiệp Trung Quốc để đối phó với cạnh tranh đang ngày càng gay gắt ở Châu Á.
Việc chi nhánh Panasonic ở Trung Quốc cắt giảm chi phí sản xuất thành công nhờ phương pháp tiếp cận phát triển sản phẩm từ những doanh nghiệp nội địa đã góp phần khiến công ty đi đến quyết định trên.
Bên cạnh đó, việc Nhật Bản quá chú trọng đến từng chi tiết khiến sản phẩm của họ thất thế trước các doanh nghiệp Trung Quốc với cách tiếp cận mạo hiểm hơn cũng là một phần nguyên nhân khiến Panasonic buộc phải thay đổi.
Panasonic chuyển hướng ‘Made in China’
Trước đây những sản phẩm đạo nhái giá rẻ từ Trung Quốc thường được lấy ý tưởng từ Phương Tây hay các mặt hàng của Nhật Bản, Hàn Quốc. Thế nhưng thời thế đã đổi thay khi công nghệ Trung Quốc phát triển lên một tầm cao mới khiến chính các nước Phương Tây cũng phải dè chừng.
Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ kích động cuộc chạy đua công nghệ và cấm vận kỹ thuật với Trung Quốc.
Tương tự, các doanh nghiệp Nhật Bản như Panasonic dù từng nổi tiếng về thiết bị điện tử nhưng hiện nay cũng phải lên kế hoạch tăng số lượng sản phẩm được thiết kế tại Trung Quốc rồi xuất xưởng sang thị trường Đông Nam Á.
Chủ tịch Shinada cho biết các thiết kế của sản phẩm Nhật Bản thường cố gắng đưa nhiều tính năng nhất có thể vào để làm hài lòng khách hàng, khiến chúng trở nên rối rắm và nhiều khi không cần thiết.
Việc cố gắng làm hài lòng tất cả mọi đối tượng khách hàng khiến sản phẩm Nhật Bản không tập trung được vào một đối tượng, phân khúc cụ thể và do đó thất thế trong cạnh tranh.
Tập đoàn này đang có ý định tăng cường sự hợp tác giữa các nhóm thiết kế Nhật Bản với địa phương như Trung Quốc và Việt Nam để tăng cường khả năng cạnh tranh.
Phía Panasonic cho biết sẽ gia tăng số lượng model dùng chung (Shared Model) được bán ở các thị trường khác nhau tại Châu Á, qua đó cắt giảm chi phí sản xuất.
Ví dụ số thiết bị điện tử của Panasonic được bán tại Việt Nam hay Malaysia theo model dùng chung từ mức 10% hiện tại sẽ tăng lên 50% vào tháng 9/2026, đồng nghĩa nhiều lô hàng sẽ được thiết kế, sản xuất và xuất khẩu từ Trung Quốc sang nhiều hơn.
Đây là sự thay đổi đáng kể so với chiến lược truyền thống của Nhật Bản khi từng ưu tiên sản xuất và bán sản phẩm tại địa phương. Chiến lược mới này sẽ tiết kiệm chi phí nhiều hơn do sức mạnh chuỗi cung ứng Trung Quốc cũng như khả năng vận chuyển sản phẩm ra toàn cầu từ các nhà máy tại đây.
Thua trên sân nhà
Động thái của Panasonic diễn ra trong bối cảnh hãng điện tử huyền thoại này đang thất thế trên chính sân nhà Nhật Bản trước đối thủ Trung Quốc.
Các sản phẩm tủ lạnh, lò vi sóng của Panasonic đã mất vị trí dẫn đầu thị trường Nhật Bản năm 2023 trước các đối thủ Trung Quốc. Thậm chí một tên tuổi lớn trong ngành như Toshiba cũng đã phải bán mảng điện tử tiêu dùng của mình cho tập đoàn Trung Quốc Midea vào năm 2016.
Tình hình khó khăn khiến Panasonic có khả năng không hoàn thành kế hoạch tăng 71% EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao) trong 3 năm kết thúc vào tháng 3/2025. Tập đoàn đã hạ mức dự báo xuống chỉ còn tăng 24%.
Sẵn sàng mạo hiểm
Chủ tịch Shigeru Dohno của Hãng thiết bị và giải pháp sinh hoạt Panasonic (LASC) cho biết một nguyên nhân nữa khiến hàng điện tử Nhật Bản thất thế hiện nay là họ có xu hướng tập trung hoàn thiện tối đa mỗi quy trình lên kế hoạch sản phẩm trước khi ra mắt.
Điều này tốn quá nhiều chi phí và chậm trễ thời gian trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển sản phẩm ngay cả khi chúng không hoàn hảo.
Bằng cách này, các hãng Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận rủi ro để tiết kiệm chi phí và tấn công thị trường thay vì tốn quá nhiều thời gian để rồi bị đối thủ “chà đạp”.
“Các doanh nghiệp Nhật Bản tốn quá nhiều thời gian để hoàn thiện kế hoạch trong khi doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận rủi ro vì họ hiểu rằng nếu không làm nhanh thì sẽ bị đối thủ đè bẹp”, ông Dohno cho hay.
*Nguồn: Nikkei
Nguồn tin: https://genk.vn/chuyen-nguoc-doi-hang-dien-tu-nhat-ban-106-nam-tuoi-phai-sao-chep-tu-trung-quoc-de-song-sot-thoi-hang-tau-dao-nhai-sap-di-vao-di-vang-20240613074255771.chn