
AI đang thay đổi mạnh mẽ cuộc sống con người theo những cách mà không phải lúc nào chúng ta cũng thấy rõ. Mở đầu bài viết, Tiến sĩ James Kang – chuyên gia về Khoa học máy tính tại RMIT đặt vấn đề, hãy tưởng tượng bạn nộp đơn xin việc, rồi phát hiện ra rằng một thuật toán dùng trí tuệ nhân tạo (AI) đã từ chối hồ sơ của bạn trước khi nhân sự phòng tuyển dụng nhìn thấy nó. Hoặc bạn đến khám bác sĩ, nhưng phương án điều trị được lựa chọn bởi một cỗ máy mà bạn không thể chất vấn.
Đây không phải truyện khoa học viễn tưởng mà là hiện thực đang dần hiển hiện với nhiều người. AI đang âm thầm tác động đến hầu hết các khía cạnh trong cuộc sống – từ tin tức do AI tuyển chọn mà bạn đọc hằng ngày, đến cách quản lý giao thông trong các đô thị. AI hứa hẹn mang đến sự tiện lợi, năng suất, đổi mới và hiệu quả.
“Giống như điện hay internet, AI đang trở thành một phần cốt lõi của cuộc sống hiện đại, không thể đảo ngược mà không gây gián đoạn lớn. Nhưng khi AI ngày càng trở nên ‘quyền lực’, một câu hỏi cấp bách đang bị bỏ qua: liệu con người còn có quyền sống ngoài vòng ảnh hưởng của AI không?”, vị Tiến sĩ cho hay.
Theo ông James Kang, từ chối AI không phải là điều đơn giản. AI vận hành các hệ thống thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, giao thông và tài chính. Công nghệ này cũng ảnh hưởng đến quyết định tuyển dụng, đơn xin thuê nhà, quyết định cho vay, quy trình chấm điểm tín dụng, các dòng tin trên mạng xã hội, các dịch vụ chính phủ và thậm chí cả thông tin mà bạn thấy khi tìm kiếm trên mạng internet.
Việc khiếu nại các quyết định mà AI tạo ra trong cuộc sống có thể cực kỳ khó khăn, thậm chí có thể phải cần đến sự can thiệp của tòa án. Càng khó hơn nếu bạn muốn sống hoàn toàn không có AI, vì điều đó đồng nghĩa với việc phải rút khỏi phần lớn cuộc sống hiện đại. Ví dụ, người dùng mạng xã hội của Meta ở Australia không thể từ chối việc dữ liệu của họ được dùng để huấn luyện mô hình AI của tập đoàn này.
Các hệ thống do AI điều khiển chứa đựng nhiều thiên kiến. Công cụ tuyển dụng tự động ưu ái một số nhóm người nhất định, còn hệ thống chấm điểm tín dụng bằng AI có thể từ chối cho vay một cách không công bằng.
Những thiên kiến này không chỉ là lý thuyết – chúng đang hiện diện thực tế trong các tương tác hàng ngày của chúng ta. Nếu AI trở thành “người gác cổng” cho các dịch vụ thiết yếu, những người chọn tránh xa AI có thể sẽ chịu thiệt thòi đáng kể.
Tại nhiều quốc gia nơi các hệ thống số hóa phát triển nhanh chóng, một phần lớn dân số gặp khó khăn trong việc thích nghi với công nghệ. Ví dụ, ở Ấn Độ, chỉ 12% dân số trên 15 tuổi được phổ cập kỹ năng số, cho thấy thách thức từ chuyển đổi công nghệ.
Nhiều người bị loại trừ chỉ vì họ không phù hợp với mô hình mà AI chỉ định. Trong những trường hợp này, việc đừng ngoài thế giới AI không phải là lựa chọn cá nhân, mà là vấn đề sống còn trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Khoảng cách giữa những người đón nhận AI và những người bị bỏ lại phía sau đang mở rộng và trở thành một rào cản xã hội.
Đây không chỉ là vấn đề thiên kiến hay kém hiệu quả. Nó phản ánh sự chuyển đổi căn bản của xã hội, nơi những người được kết nối, được tối ưu hóa, và có thông tin đọc được bằng máy móc sẽ trở thành người thống trị – đối lập với bộ phận dân số bị bỏ lại trong bóng tối.
Cần thay đổi điều gì?
Trong bối cảnh AI ngày càng gắn chặt với cuộc sống, theo TS. James Kang, chúng ta cần có quyền quyết định mức độ can thiệp của AI. Quyền được lựa chọn từ chối là điều thiết yếu để bảo vệ sự tự chủ trong thời đại số.
Để bảo vệ quyền được sống mà không chịu ảnh hưởng liên tục của AI, chúng ta cần hành động ngay từ bây giờ.
Hầu hết các khung quản trị AI nhấn mạnh đến việc sử dụng có trách nhiệm, tập trung vào tính công bằng, minh bạch và trách nhiệm giải trình, nhưng lại bỏ qua một nguyên tắc sống còn: quyền được rút lui hoàn toàn khỏi hệ thống AI mà không bị cô lập hay chịu thiệt thòi.
Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng cần xây dựng chính sách để điều chỉnh AI song song với tôn trọng quyền tự do cá nhân. Mọi người cần có lựa chọn sống không phụ thuộc vào AI mà không bị phân biệt đối xử hay bị tước quyền tiếp cận dịch vụ thiết yếu.
Quy trình ra quyết định của AI cũng cần phải minh bạch hơn. Dù là trong tuyển dụng, chăm sóc sức khỏe hay dịch vụ tài chính, AI cần trở nên dễ hiểu, có trách nhiệm và dễ giám sát hơn. Chúng ta không thể tiếp tục cho phép những hệ thống này vận hành trong bóng tối, đưa ra các quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống con người mà không có cách nào để phản hồi.
Cuối cùng, xã hội cần đầu tư vào “bình dân học vụ số”. Mọi người cần hiểu những hệ thống đang tác động đến cuộc sống của họ và có công cụ để chất vấn khi cần thiết. Đảm bảo rằng con người biết cách điều hướng và kiểm soát công nghệ đang định hình thế giới của họ là việc thiết yếu để duy trì tự do trong thời đại số.
Theo Tiến sĩ Kang, trong bối cảnh AI ngày càng gắn chặt với cuộc sống, chúng ta cần có quyền quyết định mức độ can thiệp của AI.
“Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng cần xây dựng chính sách để điều chỉnh AI song song với tôn trọng quyền tự do cá nhân. Mọi người cần có lựa chọn sống không phụ thuộc vào AI mà không bị phân biệt đối xử hay bị tước quyền tiếp cận dịch vụ thiết yếu”, ông nói.
Quy trình ra quyết định của AI cũng cần phải minh bạch hơn. Dù là trong tuyển dụng, chăm sóc sức khỏe hay dịch vụ tài chính, AI cần trở nên dễ hiểu, có trách nhiệm và dễ giám sát hơn.
“Chúng ta không thể tiếp tục cho phép những hệ thống này vận hành trong bóng tối, đưa ra các quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống con người mà không có cách nào để phản hồi,” Tiến sĩ Kang nhận định.
Cuối cùng, xã hội cần đầu tư vào “bình dân học vụ số”. Theo chuyên gia RMIT, mọi người cần hiểu những hệ thống đang tác động đến cuộc sống của họ và có công cụ để chất vấn khi cần thiết. Đảm bảo rằng con người biết cách điều hướng và kiểm soát công nghệ đang định hình thế giới của họ là việc thiết yếu để duy trì tự do trong thời đại số.
Nguồn tin: https://genk.vn/chuyen-gia-rmit-giong-nhu-dien-hay-internet-ai-dang-tro-thanh-mot-phan-cot-loi-cua-cuoc-song-hien-dai-20250513144015218.chn