Theo báo cáo từ CIRP (Consumer Intelligence Research Partners), thị trường iPhone trong mùa mua sắm cuối năm vừa qua đã ghi nhận những thay đổi đáng chú ý trong xu hướng lựa chọn của người dùng. Mặc dù iPhone 16 Pro Max vẫn giữ vị trí dẫn đầu về doanh số, nhưng tỷ lệ bán ra của mẫu máy này đã giảm nhẹ so với người tiền nhiệm iPhone 15 Pro Max cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, phiên bản iPhone 16 tiêu chuẩn lại bất ngờ tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút người dùng nhờ nhiều cải tiến đáng giá và mức giá phải chăng hơn. Điều này cho thấy xu hướng chuyển dịch của phần đông người dùng sang các mẫu máy gọn gàng, vừa túi tiền nhưng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, với tôi hay nhiều người yêu thích nhiếp ảnh khác, iPhone 16 Pro Max vẫn là một lựa chọn hấp dẫn khi có những yêu cầu cao hơn về chất lượng hình ảnh cũng như trải nghiệm chụp. Và sau 3 tháng sử dụng, đây là những gì mà tôi thu được.
Điểm qua một chút về phần cứng thì camera chính của iPhone 16 Pro Max vẫn sử dụng cảm biến 48MP như trên thế hệ trước. Tuy nhiên, cảm biến này được định danh Fusion, đồng nghĩa với việc Apple sử dụng các thuật toán tăng cường giúp cải thiện chất lượng ảnh. Thay vì chụp ở mức 48MP, máy kết hợp dữ liệu từ nhiều cảm biến để tạo ra ảnh với độ phân giải 24MP, giúp cân bằng giữa dung lượng file tối ưu nhưng vẫn đảm bảo độ chi tiết, sắc nét cùng khả năng tái tạo màu sắc.
Trải nghiệm thực tế cho thấy ảnh chụp từ iPhone 16 Pro Max có độ sắc nét cao hơn, các chi tiết cũng được tái tạo tốt hơn, đặc biệt là trong các bối cảnh có nhiều chi tiết nhỏ như lá cây hay cánh cửa tòa nhà. Công nghệ xử lý HDR cũng được tăng cường giúp duy trì màu sắc tự nhiên hơn, tránh tình trạng bị đẩy bão hoà màu sắc lên quá cao thường thấy trên smartphone khác, giúp cho hình ảnh trở nên tự nhiên chân thực.
Nhờ chụp định dạng RAW mà việc crop ảnh cũng như hậu kỳ đều khá dễ dàng, thích hợp cho các công việc yêu cầu chất lượng chuyên nghiệp.
Một điểm mà tôi khá thích trên những chiếc iPhone dòng Pro chính là khả năng chụp định dạng RAW giúp tôi có thể tinh chỉnh sâu hơn trong quá trình hậu kỳ. Điều này đặc biệt hữu ích khi chụp phong cảnh hoặc ảnh chân dung trong điều kiện ánh sáng phức tạp có thể giữ được chi tiết tốt hơn cũng như tạo độ hài hoà cho ảnh. Với cảm biến 48MP, tôi cũng hoàn toàn có thể crop hình ảnh lại sau khi chụp để thu được ảnh mới với chất lượng không mấy suy giảm.
Khả năng chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng trên iPhone 16 Pro Max cũng có sự cải thiện đáng kể với dải tương phản động tốt hơn, giúp ảnh chụp đêm giữ được nhiều chi tiết, đặc biệt là ở các vùng tối. Tuy nhiên có những trường hợp thuật toán vẫn xử lý nhiễu hơi “quá tay” dẫn đến các vùng chi tiết vẫn bị bệt, chưa thực sự sắc nét. Điều này cũng dễ hiểu vì với các giới hạn vật lý của cảm biến trên điện thoại khó tránh khỏi các hạn chế khi đưa vào điều kiện chụp rất khó. Một điều đáng khen là màn hình của chiếc máy này có thể giảm độ sáng xuống chỉ 1 nit, giúp việc xem cũng như chụp ảnh vào ban đêm không bị chói mắt nhất là những ai thích chụp ảnh phơi sáng, thiên văn.
Camera góc siêu rộng trên iPhone 16 Pro Max sở hữu nâng cấp đáng kể với độ phân giải lên tới 48MP, nghĩa là gấp 4 lần so với thế hệ trước. Điều này giúp cải thiện độ chi tiết khi chụp ảnh phong cảnh trong điều kiện đủ sáng. Trải nghiệm thực tế cho thấy ảnh chụp từ ống kính này có độ sắc nét cao, không còn cảm giác “mờ mờ” như các thế hệ trước.
Tuy nhiên, việc giữ nguyên kích thước cảm biến đồng nghĩa với việc mỗi pixel bị thu nhỏ, dẫn đến tình trạng ảnh sẽ bị nhiễu hơn khi chụp trong điều kiện thiếu sáng. Và lúc này, với khả năng xử lý nhiễu hạt khá “mạnh tay” như trên thì kết quả thu được chắc chắn sẽ mất đi nhiều chi tiết. Một điểm cộng lớn là năm nay iPhone 16 Pro Max có khả năng tự động nhận diện và chuyển sang chế độ chụp macro khi phát hiện vật thể ở gần. Bên cạnh đó, với việc sử dụng cảm biến độ phân giải cao nên hình ảnh chụp cận cảnh với chi tiết cao hơn, khả năng xoá phông cũng mềm mại hơn sẽ là một lựa chọn đáng giá cho ai yêu thích chụp macro.
iPhone 16 Pro Max sở hữu ống kính telephoto 5x vẫn giữ nguyên phong độ giống như người tiền nhiệm khi mang đến chất lượng hình ảnh chi tiết với góc zoom xa. Đặc biệt khi chụp ảnh chân dung, tiêu cự này giúp tạo ra hiệu ứng bokeh đẹp mắt với hiệu ứng chiều sâu ấn tượng, làm nổi bật chủ thể mà không cần đến chế độ chụp chân dung nhân tạo. Tuy nhiên, hạn chế của ống kính này vẫn ở trong điều kiện ánh sáng yếu. Vì cảm biến chỉ có 12MP, ảnh chụp bằng telephoto dễ bị nhiễu và mất chi tiết khi chụp trong nhà hoặc vào buổi tối. Đây là điểm tôi hy vọng Apple sẽ cải thiện trong các thế hệ tiếp theo.
Camera Control vẫn là một tính năng gây tranh cãi khi với nhiều người tác dụng của nó ít hơn so với mức độ phiền toái gây ra. Với tôi, đây vẫn là một nâng cấp khá thú vị, giúp thay đổi trải nghiệm chụp ảnh theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Lấy ví dụ, nhờ Camera Control mà việc chụp ảnh, thao tác tùy chỉnh các cài đặt trở nên nhanh gọn hơn. Tôi có thể thay đổi tiêu cự, điều chỉnh EV hoặc bật Photographic Styles mà không cần chạm vào màn hình quá nhiều. Nhất là việc tùy chỉnh zoom rất nhạy nên gần như tôi không còn dùng thao tác chụm mở ngón tay trên màn hình để zoom ảnh như trước.
Tuy nhiên, vị trí đặt của Camera Control vẫn chưa thực sự tối ưu, đặc biệt khi chụp một tay trên iPhone 16 Pro Max. Với kích thước lớn của máy, việc với ngón tay để nhấn nút đôi khi không dễ dàng. Nó chỉ tỏ ra hữu dụng nhất khi chụp với máy đứng, các ngón tay của tôi có thể dễ dàng điều khiển chụp nhanh mà không phải với ngón cái như mọi khi. Có lẽ Camera Control trên phiên bản Pro sẽ vừa vặn với bàn tay của người Châu Á, còn bản Pro Max này chỉ thích hợp với người dùng phương Tây. Tuy nhiên với chụp kiểu ngang, chắc chắn bạn sẽ phải dùng 2 tay để chụp nếu muốn dùng Camera Control. Tôi hy vọng Apple sẽ cải thiện vị trí đặt hoặc tùy biến cách kích hoạt tính năng này trong tương lai để tránh các tác động không đáng có khi chạm nhầm.
Các bộ lọc mới mang đến trải nghiệm sáng tạo mới mẻ.
Cùng với Camera Control, một cải tiến trên iPhone 16 chính là Photographic Styles. Đây không chỉ là những bộ lọc màu thông thường mà còn cho phép người dùng tùy chỉnh sâu về sắc độ, độ tương phản và ánh sáng. Với 15 bộ lọc màu có sẵn, tôi có thể dễ dàng thay đổi tông màu ảnh chỉ bằng vài cú vuốt trên biểu đồ trực quan và rất dễ dùng.
Trải nghiệm thực tế cho thấy khả năng điều chỉnh màu sắc theo thời gian thực giúp tôi tiết kiệm rất nhiều thời gian hậu kỳ. Đặc biệt, việc có thể đặt một bộ lọc làm mặc định giúp tạo ra một phong cách nhiếp ảnh cá nhân hóa mà không cần chỉnh sửa quá nhiều.
Ngoài ra, iPhone 16 Pro Max có tính năng AI hỗ trợ xóa các chi tiết thừa trong ảnh, như dây điện hoặc vật thể không mong muốn. Khi thử nghiệm, tôi nhận thấy AI nhận diện tốt các vật thể đơn giản, nhưng vẫn gặp khó khăn với các chi tiết phức tạp như tán cây hoặc nền có nhiều hoa văn. Điểm cộng là quá trình xóa rất nhanh, không cần phải chỉnh sửa thủ công nhiều. Tuy nhiên, nếu AI có thể cải thiện độ chính xác hơn, đây sẽ là một công cụ hữu ích để chỉnh sửa ảnh ngay trên điện thoại mà không cần đến ứng dụng bên thứ ba.
Có thể nói, iPhone 16 Pro Max vẫn là một trong những chiếc smartphone chụp ảnh mà tôi ưng ýnhất hiện nay. Các cải tiến về phần cứng kết hợp với thuật toán xử lý ảnh thông minh giúp tạo ra những bức ảnh chất lượng cao.
Tuy nhiên, vẫn còn một số điểm có thể cải thiện như khả năng chụp đêm trên camera telephoto, vị trí của Camera Control và độ chính xác của AI khi xóa chi tiết thừa. Nếu Apple tiếp tục hoàn thiện những điểm này, thế hệ sau của nhà Táo chắc chắn sẽ là lựa chọn hàng đầu cho người yêu nhiếp ảnh.
Nguồn tin: https://genk.vn/dung-iphone-16-pro-max-de-chup-anh-trong-3-thang-qua-day-la-nhung-gi-toi-nhan-ra-20250207201714036.chn