Vượt mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin lên ngôi
Ngày nay, thế giới đã chuyển phương thức giao tiếp sang một nền tảng mới, không còn chủ yếu qua email, điện thoại hay mạng xã hội mà là qua các ứng dụng nhắn tin tức thời (Instant Messaging).
Thống kê internet mới nhất năm 2024 cho thấy các nền tảng nhắn tin hiện là những trang web và ứng dụng được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới, thậm chí vượt mặt một số mạng xã hội lớn.
Trong đó, WhatsApp, WeChat, Facebook Messenger và Telegram là những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất, theo báo cáo Tăng trưởng kỹ thuật số mới nhất năm 2024 do We Are Social, Meltwater và Datareportal thực hiện. Tổng cộng, các ứng dụng này có khoảng năm tỷ người dùng hoạt động hàng tháng.
WhatsApp là ứng dụng nhắn tin lớn nhất toàn cầu, khi có hơn hai tỷ người trên thế giới sử dụng thường xuyên, vượt xa Facebook Messenger, WeChat, Viber, Apple Messages và Telegram.
Sự tăng trưởng của Telegram cũng rất ấn tượng, khi số lượng người dùng hoạt động từ 550 triệu vào năm 2020 lên 900 triệu vào năm 2024.
Điều thú vị là Facebook – được biết đến là mạng xã hội lớn nhất toàn cầu với 3 tỷ người dùng – nhưng lượng người sử dụng Facebook Messenger chỉ có 1 tỷ, vẫn thua xa WhatsApp và sắp bị Telegram đuổi kịp.
Điều này nói lên xu hướng người dùng vẫn ưa thích một ứng dụng nhắn tin chuyên biệt, nhiều tính năng hơn là một nền tảng chat tích hợp cùng mạng xã hội. Xu hướng này đặc biệt nổi trội ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo thống kê, WhatsApp là nền tảng thống trị gần như toàn bộ các thị trường, chỉ trừ 25 quốc gia. Facebook Messenger chỉ khiêm tốn nằm ở vị trí thứ hai hoặc thứ ba.
Theo báo cáo của We Are Social năm 2023, Việt Nam hiện có 66 triệu người sử dụng Facebook và lượng người dùng Facebook Messenger là 52 triệu. Là nền tảng mạng xã hội được ưa chuộng nhất trong nước, người dùng Việt có xu hướng sử dụng luôn Facebook Messenger làm phương tiện nhắn tin chính vì sự tiện lợi khi hoạt động song song với ứng dụng Facebook chính.
Nhưng dù rất được ưa chuộng, Facebook Messenger không phải độc tôn. Theo đó, nền tảng nhắn tin của Việt Nam là Zalo mới là ứng dụng trò chuyện được sử dụng nhiều nhất với 75 triệu người dùng thường xuyên. Còn với Telegram, một số ước tính cho biết nền tảng này cũng có tới 25 triệu người dùng ở Việt Nam, dù không có hoạt động quảng bá nổi bật.
Điều này đặt ra câu hỏi vì sao các nền tảng nhắn tin lại có sự phân mảnh như vậy. Đáng chú ý hơn, Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất ở Việt Nam nhưng Facebook Messenger vẫn không thể vượt qua Zalo cũng như đánh rơi phần lớn người dùng vào tay Telegram?
Chờ đón ứng dụng nhắn tin mới của Việt Nam
Theo các đánh giá, nguyên nhân đến từ các đặc thù chung của người dùng ứng dụng nhắn tin và tính chất riêng của thị trường Việt Nam.
Như đã nói ở trên, xu hướng giao tiếp giờ đây không chỉ bó hẹp ở mạng xã hội bởi các nền tảng này thiếu đi những tính năng đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của người dùng.
Ngay từ đầu Meta cũng đã định hướng Facebook Messenger là nền tảng trò chuyện cơ bản, nhằm kết nối với bạn bè trên Facebook dễ dàng hơn. Chính vì vậy, ứng dụng này chỉ đáp ứng nhu cầu về trò chuyện đơn thuần như nhắn tin, tạo cuộc trò chuyện nhóm, gọi điện, thực hiện cuộc gọi video, gửi tệp và nhãn dán.
Facebook Messenger không có những tính năng phục vụ cho mục đích công việc, quản lý nhóm không mạnh mẽ, gửi tệp và hình ảnh bị giới hạn chất lượng và một vấn đề khác là hạn chế khả năng kết bạn bằng số điện thoại. Người dùng chỉ có thể kết nối qua trang cá nhân Facebook trước mới có thể trò chuyện qua Facebook Messenger.
Trong khi đó, các ứng dụng như Zalo hay Telegram, Viber lại mạnh về khả năng kết nối người dùng thông qua số điện thoại, giúp trò chuyện nhanh và riêng tư hơn nếu không muốn để lộ trang cá nhân.
Với Telegram, ứng dụng này có tính bảo mật và mạnh về khả năng quản lý công việc, với các công cụ hỗ trợ mạnh mẽ, như gửi file chất lượng cao, đồng bộ nhiều nền tảng, hỗ trợ kênh chat và tạo bot, giúp nền tảng được ưa chuộng tại nhiều tổ chức, công ty. Đây là lý do giúp Telegram có sự tăng trưởng đột phá dù giao diện chỉ hỗ trợ tiếng Anh.
Về phần mình, Zalo có giao diện dễ dùng, trực quan và có tính bản địa hóa cao. Yếu tố sẵn có đặc biệt phù hợp với mọi đối tượng người dùng Việt, kể cả những người lớn tuổi, không am hiểu công nghệ.
Những yếu tố trên càng rõ nét hơn khi xét đến WhatsApp. Dù thống trị trên thế giới nhưng hoàn toàn mất hút ở Việt Nam. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc trước đây WhatsApp không được quảng bá mạnh, cũng như thiếu đi các tính năng hấp dẫn người dùng Việt.
Có thể nói, sự phân mảnh của thị trường ứng dụng nhắn tin ở cả thế giới lẫn Việt Nam đến từ việc không có ứng dụng nào là hoàn hảo. Tiềm năng để khai phá thị trường bằng những ứng dụng mới mẻ, đa năng và toàn diện là rất lớn.
Facebook Messenger vẫn chỉ là nền tảng phụ đi kèm, không có nhiều thay đổi sau nhiều năm. Zalo làm rất tốt trong vai trò một nền tảng kết nối nhưng còn hạn chế cho mục đích công việc như Telegram. Trong khi bản thân Telegram là ứng dụng nước ngoài, giao diện tiếng Anh, thiếu đi những tính năng tương thích với người dùng nội địa.
Sắp tới đây, Lotus Chat – một nền tảng nhắn tin mới do người Việt phát triển sắp ra mắt thị trường với mục tiêu mang đến một ứng dụng làm tốt ở cả hai khía cạnh nhắn tin và công việc, đi kèm giao diện thân thiện và gắn liền với văn hóa Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh đến các tính năng bảo vệ chủ động trước các mối đe dọa an ninh mạng hiện nay.
Sự ra đời của Lotus Chat hứa hẹn sẽ tăng thêm sự cạnh tranh và mang đến lựa chọn đa dạng hơn cho người dùng.
Theo dõi sự kiện ra mắt Lotus Chat tại đây:
Nguồn tin: https://genk.vn/them-mot-ung-dung-nhan-tin-moi-cua-nguoi-viet-ra-mat-dua-vao-dau-dam-doi-dau-ong-lon-zalo-telegram-20241017164253884.chn