Tìm thấy “cửa sống” giữa khó khăn
Các công ty công nghệ Trung Quốc bị cắt khỏi nguồn cung cấp chip tiên tiến dùng cho điện toán trí tuệ nhân tạo AI đang nhận ra hướng đi mới: Để kiếm tiền, họ có thể không nhất thiết cần đến chip từ bên ngoài.
Theo WSJ, một loạt các công ty khởi nghiệp AI của Trung Quốc đang hướng tới phát triển các mô hình AI chuyên biệt, quy mô nhỏ nhưng thực tế hơn, để ứng phó với những khó khăn hiện tại.
Tiêu biểu trong số này là 01.AI, một kỳ lân được Alibaba và Xiaomi hậu thuẫn, sử dụng định dạng đào tạo có độ chính xác thấp hơn giúp giảm năng lượng và thời gian cần thiết để đào tạo các mô hình học máy. Định dạng này, được các công ty như Google sử dụng tại Mỹ, có thể tăng tốc đầu ra của mô hình.
“Tại Trung Quốc, chúng tôi không có nhiều bộ xử lý đồ họa, điều đó buộc chúng tôi phải phát triển cơ sở hạ tầng AI và công cụ thực tế và hiệu quả”, nhà sáng lập 01.AI, Kai-Fu Lee cho biết, đồng thời nêu lý do khiến nguồn cung chip thấp là do thiếu vốn.
Công ty cũng lưu ý về tỷ lệ lỗi cụm chip, thước đo tần suất các nhóm chip được kết nối không hoạt động cùng nhau, thấp hơn mức trung bình trong ngành.
Mục tiêu về hiệu quả thay vì phát triển tràn lan đã được giới lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc muốn mở rộng dấu ấn AI coi là kim chỉ nam.
Robin Li, giám đốc điều hành của công ty internet và xe tự lái Baidu, là một trong những nhà lãnh đạo lên tiếng nhiều nhất tại Trung Quốc về sự lãng phí tài nguyên máy tính do quá nhiều công ty phát triển mô hình nền tảng riêng.
“Nếu không có ứng dụng thì việc chỉ có các mô hình nền tảng, dù là nguồn mở hay nguồn đóng, đều vô giá trị”, Li phát biểu tại một hội nghị về ngành AI vào tháng trước.
Trong nỗ lực giành được sự ủng hộ của người tiêu dùng, một số công ty Trung Quốc tìm cách phát triển các ứng dụng chuyên biệt thay vì tập trung vào việc tạo ra các mô hình lớn nhất và tốt nhất.
Một báo cáo gần đây của KPMG cho biết các nhà đầu tư AI tại Trung Quốc trong quý 2 “tập trung vào việc hỗ trợ AI thay vì cung cấp mô hình ngôn ngữ lớn”, bao gồm cả trong các lĩnh vực như robot và cải thiện hiệu quả nơi làm việc.
Một số tiên phong đang nổi có thể kể đến như công ty mẹ của TikTok tại Trung Quốc là ByteDance, được mệnh danh là “Nhà máy ứng dụng” của Trung Quốc, đã ra mắt hơn 20 ứng dụng, bao gồm một chatbot, một trình dạy tiếng Anh và một trình tạo video được hỗ trợ bởi các mô hình nội bộ của công ty.
Các công ty như ByteDance và đối thủ Kuaishou Technology đã ra mắt các phiên bản tương đương Sora của OpenAI để tạo video từ văn bản bằng AI.
Xu hướng mô hình nhỏ
Ở nước ngoài, ba trong số 10 ứng dụng AI được tải xuống nhiều nhất tại Mỹ trong năm nay được phát triển bởi các công ty Trung Quốc, theo công ty nghiên cứu thị trường Sensor Tower.
01.AI đã thử nghiệm hai chatbot AI, Monaland và Shado, bên ngoài Trung Quốc thông qua một công ty có trụ sở tại Singapore.
Một số chuyên gia trong ngành kỳ vọng rằng các mô hình kích thước nhỏ có thể cung cấp các tính năng AI trên điện thoại thông minh và máy tính xách tay, hay “mô hình AI tại biên”, sẽ là bước đột phá tiếp theo.
“Năm nay xu hướng sẽ là mô hình nhỏ”, Winston Ma, giáo sư thỉnh giảng tại Trường Luật Đại học New York và là cố vấn tại Dragon Global nhận định. Các mô hình nhỏ sử dụng ít dữ liệu đào tạo sẽ nhanh hơn, mang lại lợi ích cho các ứng dụng thời gian thực với các chức năng cụ thể.
AI unicorn Baichuan đang hợp tác với Qualcomm để tích hợp một mô hình ngôn ngữ lớn loại nhỏ vào PC AI tại Trung Quốc. Samsung đã sử dụng các mẫu từ Baidu và ByteDance trong điện thoại thông minh của mình cũng tại thị trường tỷ dân.
“Tại biên không có nghĩa là hạ thấp yêu cầu về công nghệ, chỉ là chuyển sang một lĩnh vực mà sức mạnh tính toán cao không phải là yêu cầu quan trọng nhất”, Boris Van, nhà phân tích tại Bernstein Research, cho biết.
Về tài nguyên máy tính, nỗ lực tự cung tự cấp của Bắc Kinh trên nhiều mặt trận đang thu hẹp khoảng cách với các nhà thiết kế chip phương Tây.
Chip Ascend của Huawei Technologies đã được các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, các phòng nghiên cứu nhà nước và các trung tâm dữ liệu AI quốc gia sử dụng. Một giám đốc điều hành của Huawei cho biết vào tháng 6 rằng gần một nửa số mô hình ngôn ngữ lớn của Trung Quốc đã được đào tạo bằng chip của công ty.
Baidu, Alibaba và Tencent sử dụng chip nội bộ để vận hành các mô hình AI và cải thiện kỹ thuật, thuật toán để bù đắp cho tình trạng thiếu hụt sức mạnh tính toán tiên tiến. Các công ty cũng nghiên cứu cách kết hợp các loại chip khác nhau để tránh phụ thuộc vào bất kỳ loại phần cứng nào.
“Chúng ta đừng nên nghĩ rằng việc không có chip AI tiên tiến nhất thì không thể dẫn đầu trong lĩnh vực AI”, Zhang Ping’an, giám đốc điều hành cấp cao của Huawei phụ trách mảng điện toán đám mây, tuyên bố tại hội nghị AI vào tháng 7.
Nguồn tin: https://genk.vn/trung-quoc-kheo-leo-tim-thay-cua-sinh-giua-cua-tu-doi-thu-vat-oc-vay-ham-hoa-ra-lai-cong-coc-20240903083829871.chn