Không ít mẫu điện thoại khi mới ra mắt bị đánh giá là thất bại về mặt thương mại, nhưng nhiều năm sau lại trở thành món đồ được săn đón như một biểu tượng hoài niệm. Từ Nokia N-Gage, BlackBerry Passport cho đến chiếc Palm Phone mini, tất cả đều từng có khoảnh khắc bị xem là “cú trượt” trên thị trường, nhưng rồi vẫn có chỗ đứng riêng trong lòng những người mê công nghệ.
Điện thoại Palm Phone mini chỉ nhỏ cỡ chiếc thẻ ngân hàng.
Ra mắt năm 2018, Palm Phone từng được kỳ vọng mở ra xu hướng điện thoại nhỏ gọn “detox” khỏi smartphone màn hình lớn. Tuy nhiên, thực tế lại là một câu chuyện buồn: thiết bị không đạt doanh số như mong đợi, nhanh chóng bị khai tử và đến nay không có bất kỳ phiên bản kế nhiệm nào. Dù vậy, nhiều năm sau, Palm Phone vẫn được mua đi bán lại như một món đồ sưu tầm, thậm chí ở Việt Nam, giá máy mới hoặc likenew có thể lên đến trên 2 triệu đồng, mức giá không hề rẻ với một chiếc điện thoại ra mắt cách đây hơn nửa thập kỷ.
Thiết kế “mini” độc đáo
Điểm gây chú ý đầu tiên của Palm Phone là kích thước cực kỳ nhỏ gọn chỉ 96.6 x 50.6 x 7.4 mm và nặng 62.5g, vừa vặn trong lòng bàn tay. Máy có màn hình LCD 3.3 inch với độ phân giải 720 x 1280, kính cường lực Gorilla Glass 3 ở cả mặt trước và sau, viền kim loại, chuẩn kháng nước IP68, thiết kế có phần “sang chảnh” hơn nhiều điện thoại phổ thông hiện nay.
Cấu hình cơ bản, chỉ hợp làm máy phụ
Palm Phone sử dụng chip Snapdragon 435, RAM 3GB, bộ nhớ trong 32GB (không hỗ trợ thẻ nhớ). Camera sau 12MP, camera trước 8MP và viên pin vỏn vẹn 800mAh, chỉ đủ dùng trong vài giờ. Máy chạy hệ điều hành Android 8.1.
Với cấu hình này, Palm Phone không dành cho người dùng phổ thông. Khả năng đa nhiệm yếu, pin tụt nhanh, hiệu năng chỉ phù hợp với các tác vụ nhẹ như nghe gọi, nhắn tin, xem bản đồ hoặc điều hướng nhanh.
Tính năng Life Mode độc đáo
Một điểm đặc biệt là chế độ Life Mode, giúp tắt toàn bộ kết nối khi màn hình tắt nhằm giảm bớt phiền nhiễu từ thông báo và tiết kiệm pin. Đây là cách Palm Phone định vị mình như một thiết bị “detox kỹ thuật số” cho người dùng muốn tạm rời khỏi sự phụ thuộc vào smartphone.
Vì sao Palm Phone “chết yểu”?
Palm Phone ban đầu được bán độc quyền qua nhà mạng Verizon tại Mỹ, và chỉ hoạt động như một thiết bị phụ (companion phone) chia sẻ cùng số với điện thoại chính – điều này hạn chế rất lớn khả năng tiếp cận thị trường. Sau đó, dù hãng có phát hành bản độc lập, nhưng thiết bị vẫn bị giới hạn về pin, hiệu năng và tương thích ứng dụng.
Ngoài ra, khi người dùng ngày càng chuộng smartphone màn hình lớn, thời lượng pin dài, chụp ảnh đẹp và nhiều tính năng tích hợp – Palm Phone trở nên lạc lõng và thiếu hấp dẫn.
Nhưng vẫn là món đồ được yêu thích
Dù bị xem là thất bại, Palm Phone lại dần trở thành món đồ sưu tầm được ưa thích. Thiết kế độc đáo, nhỏ nhắn, thương hiệu “Palm” gợi nhắc thời hoàng kim của dòng PDA cổ – tất cả biến chiếc điện thoại này thành món đồ chơi công nghệ thú vị với nhiều người.
Hiện tại, tại Việt Nam, Palm Phone bản likenew hoặc mới hiếm gặp được rao bán với giá lên đến 2 – 2.5 triệu đồng, cao hơn cả nhiều mẫu máy Android mới giá rẻ. Đó có thể là minh chứng cho câu nói quen thuộc trong làng công nghệ: “Không phải thiết bị nào thất bại cũng bị lãng quên.”
Nguồn tin: https://genk.vn/dien-thoai-be-xiu-lot-thom-long-ban-tay-ra-mat-tu-2018-cau-hinh-yeu-it-app-gio-van-co-nguoi-mua-voi-gia-2-trieu-20250522191218386.chn