Xu hướng sản xuất tai nghe dạng mở (Open-Ear) vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại, mà còn bùng nổ hơn cả trước! Sau mẫu FreeClip được giới thiệu vào cuối 2023, mới đây Huawei lại tiếp tục ra mắt thêm một cặp tai nghe dạng mở nữa mang tên FreeArc – vẫn đem tới thế mạnh về cảm giác đeo thoáng, thoải mái đặc trưng của loại sản phẩm này.
Tai nghe được đặt trong một hộp bìa cứng màu trắng, thiết kế cũng khá đơn giản với chỉ hình sản phẩm và logo của hãng màu vàng.
Không phải tai nghe dạng nhét trong (In-ear) nên FreeArc cũng không đi kèm các bộ đệm cao su, dây sạc cũng được loại bỏ luôn theo xu hướng của các nhà sản xuất khác.
Những gì ta có chỉ đơn giản là tai nghe và chiếc hộp sạc này. Hộp sạc của FreeArc có hình vuông bo tròn góc, hơi lớn hơn hộp sạc của những cặp tai nghe In-ear một chút. Theo công bố của nhà sản xuất, tai nghe có thể chơi nhạc được trong 7 tiếng liên tiếp, kết hợp với hộp sạc này thì nâng tổng thời lượng lên khoảng 28 tiếng.
Đây chỉ là thời lượng pin tiêu chuẩn trong thời điểm hiện nay mà thôi, vẫn có những cặp tai nghe vượt qua ngưỡng 30, thậm chí 40 tiếng. Bù lại ta có công nghệ sạc nhanh, khi cạn kiệt có thể cắm dây 10 phút để sử dụng tiếp trong 3 giờ.
Sở dĩ hộp sạc phải làm lớn vì đây là tai nghe dạng mở, tích hợp sẵn vòng móc qua vành tai. Ưu điểm của FreeArc là dù tai nghe đặt chồng lên nhau khi cho vào hộp sạc, nhưng ta để tai bên phải hay trái vào trước cũng được, không phải theo đúng trình tự.
Mỗi thương hiệu lại có 1 cách thiết kế tai nghe mở rất khác nhau, có hãng thì tích hợp nhiều ngàm xoay, trang trí thêm nhiều chi tiết để tai nghe nhìn thật ‘hầm hố’; có những hãng như Huawei thì đi theo hướng tối giản hơn, tạo nên tai nghe liền khối và ít màu sắc.
Điều đầu tiên khi ta lấy FreeArc ra đó là lớp vỏ ngoài khá ‘mượt’ mà mịn tay, theo Huawei thì do được hoàn thiện bằng vật liệu ‘silicon lỏng mềm’. Nó không dính bẩn nhiều như loại ‘nhựa phủ nhung’ ở những cặp tai nghe rẻ tiền, nhưng sờ vẫn khá là khác so với chỉ nhựa cứng truyền thống, khá lạ! Xung quanh logo của hãng có một vòng kim loại, và cũng chính là cụm điều khiển bằng cảm ứng luôn.
Ưu điểm lớn nhất của những cặp tai nghe dạng mở chắc chắn là độ thoải mái của nó khi đặt lên tai! FreeArc khi đặt lên tai sẽ chia đều trọng lượng lên toàn bộ vành tai, nên không có điểm nào chịu áp lực lớn hơn gây cấn cả. Tai nghe cũng chỉ đeo hờ bên ngoài, không đi sâu vào ống tai nên không tạo cảm giác ù, bí thường thấy ở tai nghe In-ear.
Cặp FreeClip của Huawei trước đây tôi cũng đã được trải nghiệm qua – có một chút lực kẹp để giữ tai nghe trên vành tai. FreeArc thì không cần phải kẹp vào đâu cả, mà ‘uốn’ theo đúng theo khuôn tai người nghe nên đeo một lúc cảm giác như đang không đeo luôn, rất khó để chê!
Tai nghe có kháng nước và bụi IP57, có thể nhúng được nước sâu 1m trong tối đa 30 phút
Tất nhiên rồi, điểm yếu cố hữu của dạng tai nghe này đó là để lọt âm nhạc đang nghe ra ngoài, còn người dùng thì vẫn nghe thấy toàn bộ các tạp âm ở môi trường. Về vấn đề lọt nhạc ra ngoài, Huawei dùng công nghệ “Sóng âm ngược”, điều hướng âm thanh vào ống tai người nghe để đảm bảo sự riêng tư.
Còn việc tai nghe không chống ồn được bên ngoài thì vừa có thể coi là nhược điểm nhưng cũng có thể nói là tính năng! Không chống ồn thì ở những nơi đông đúc, ồn ào ta sẽ nghe thấy nhiều tạp âm gây xao nhãng hơn. Nhưng với những bạn thường xuyên tập thể dục ngoài đường, làm các công việc cần sự chú ý không gian xung quanh thì việc có thể nghe thấy môi trường ngay cả khi nghe nhạc lại trở thành lợi thế.
Để điều khiển FreeArc ta tải phần mềm Huawei AI Life trên điện thoại, có thể dùng để chuyển nguồn phát (kết nối 2 máy cùng 1 lúc được), chỉnh âm thanh bằng EQ, bật tắt chế độ độ trễ thấp và điều chỉnh chức năng của các thao tác cảm ứng.
Cặp tai nghe này tái tạo âm thanh như thế nào? Là một cặp tai nghe dạng mở, ưu điểm của FreeArc đó là có thể dễ dàng tái tạo được âm trường (độ rộng không gian âm thanh) rất thoáng, vì âm thanh di chuyển trong một không gian mở chứ không truyền thẳng tới màng nhĩ như In-ear.
Ngược lại, việc không bịt được kín tai người nghe cũng ảnh hưởng tới khả năng tái tạo dải trầm. Tiếng trống trong bài I Don’t Wanna Go của Alan Walker, Julie Bergan có lượng dừng lại ở mức trung bình, có vị trí đứng thấp hơn so với giọng ca sĩ. Ta vẫn cảm nhận được lực của âm trầm mỗi khi nổi lên, nhưng sẽ thiếu đi độ ‘gằn’, độ nặng và bùng nổ thường thấy ở những cặp tai nghe ‘bịt’ kín hơn.
Dải âm được chú trọng nhất ở FreeArc chắc chắn là dải trung – giọng ca sĩ rồi! Đây là thành phần được đưa lên cao nhất trong chất âm, hơi thiên về hướng sáng nên có sự tách bạch, rõ ràng. Tiếng piano và giọng của Ryan Gosling trong City of Stars dù không nhận được nhiều hơi ấm từ dải trầm nhưng vẫn đủ độ dày dặn, tiến gần sát tới người nghe nên không ‘chạm’ tới những thành phần khác trong bài nhạc. FreeArc khá hợp với những bài có tiết tấu nhẹ nhàng, có giọng hát nữ như What a Wonderful World của Kina Grannis, tận dụng được lợi thế về âm trường thoáng đãng.
Cũng giống với dải trầm, âm cao của FreeArc thể hiện theo hướng thoáng, nhẹ hơn là cố gắng để gây sự chú ý với người dùng. Theo tôi đây là điều tốt, vì những cặp tai nghe Open-ear nếu có phần treble quá cao, quá sáng cộng với kiểu đeo hở rất dễ tạo cảm giác chói, gắt khó chịu – đặc biệt là ở những môi trường ồn ào phải mở âm lượng lớn. Giữ âm cao ở mức đủ nghe, đủ dùng cũng là cách để giọng ca sĩ có thể ‘tỏa sáng’ tốt nhất.
Thoải mái từ cách đeo tới chất âm
Không biết trong bài viết này, tôi đã sử dụng bao nhiêu lần chữ “thoải mái” nữa – nhưng đây có lẽ là từ miêu tả chuẩn nhất cho Huawei FreeArc rồi. Từ cách đeo ‘hờ’ trên tai, không tạo ra áp lực vào màng nhĩ cho tới kiểu âm ngược với V-shape đều tạo cảm giác sử dụng nhẹ nhàng, dễ chịu, đeo vài tiếng liên tục cũng không có bất cứ gì phải ‘lấn cấn’ cả.
Cặp tai nghe này thích hợp nhất với những bạn thường xuyên sử dụng tai nghe khi tập thể dục ngoài trời (đảm bảo an toàn bản thân), hoặc những bạn sử dụng tai nghe khi làm việc nhưng không thích cảm giác đeo ‘bít chặt’ của In-ear.
Nguồn tin: https://genk.vn/day-co-phai-cap-tai-nghe-thoai-mai-nhat-ma-huawei-tung-san-xuat-20250512170842072.chn