Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà di truyền học thống kê Kaustubh Adhikari từ University College London (UCL) đã nghiên cứu các vùng gien ảnh hưởng đến kích thước và hình dạng răng ở con người và tìm thấy di sản bất ngờ của một loài người khác.
Theo Science Alert, cuộc nghiên cứu đã giúp xác định trong DNA chúng ta 18 vùng gien ảnh hưởng đến kích thước và hình dạng răng, trong đó 17 vùng chưa từng được biết là có liên quan đến răng.
Trong số đó, một trong những biến thể nằm trong gien mang tên HS3ST3A1 vốn không thuộc về loài người tinh khôn Homo sapiens, còn gọi là người hiện đại, tức loài chúng ta.
Đó rõ ràng là một yếu tố di truyền ngoại lai mà tổ tiên chúng ta đã có được thông qua các cuộc hôn phối dị chủng.
Trong cuộc nghiên cứu dựa trên gần 900 người Colombia, mang dòng máu từ nhiều châu lục khác nhau, biến thể này chỉ được tìm thấy ở những tình nguyện viên đến từ châu Âu.
Nó khiến răng cửa của họ mỏng hơn những người đến từ các châu lục khác.
Các phân tích tiếp theo khiến các nhà khoa học cho rằng đó chính là một đặc điểm thừa hưởng từ người Neanderthals, là loài người cùng chi Homo với chúng ta và đã tuyệt chủng khoảng hơn 30.000 năm trước.
Cùng với Denisovans, loài người cổ này được nhiều nghiên cứu chứng minh là đã sống cùng với tổ tiên chúng ta trong nhiều giai đoạn trước khi tuyệt chủng và để lại dòng máu trong loài chúng ta, được lưu giữ tới ngày nay.
Ngoài việc khám phá ra mối liên hệ giữa HS3ST3A1, các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra rằng một gien liên quan đến hình dạng răng ở người Đông Á được gọi là EDAR, một gien tên PITX2 có thể ảnh hưởng đến hình dạng răng và khuôn mặt, cùng nhiều phát hiện thú vị khác.
Theo bài công bố trên tạp chí khoa học Current Biology, con người hiện đại có răng nhỏ hơn đáng kể so với nhiều tổ tiên và các loài họ hàng xa xưa của chúng ta .
Nghiên cứu này cho chúng ta biết thêm về cách răng của chúng ta tiến hóa qua hàng thiên niên kỷ và cả yếu tố di truyền và áp lực môi trường đều có thể đóng vai trò như thế nào.
Theo nhà di truyền học Qing Li từ Đại học Fudan (Trung Quốc), đồng tác giả, các phát hiện này cũng mang lại nhiều lợi ích tiềm năng cho y học.
Ví dụ các kết quả này có thể làm nền tảng cho các xét nghiệm di truyền nhằm hỗ trợ chẩn đoán các vấn đề phức tạp về răng hàm mặt, mở đường cho các liệu pháp gien nhằm điều trị các bất thường về răng nghiêm trọng…
Nguồn tin: https://genk.vn/dac-diem-thu-vi-cho-thay-ban-co-the-mang-dna-loai-nguoi-khac-20250106191833241.chn