Đã 4 năm kể từ khi nhà thiết kế nổi tiếng Henrik Fisker trình làng chiếc SUV có tên Ocean. Cho đến thời điểm hiện tại, chiếc xe vẫn chưa sẵn sàng.
Trong những tuần trước sự kiện lớn diễn ra vào tháng 6 năm 2023, nhân viên Fisker còn chạy đua sửa chữa các bộ phận bị lỗi trên ít nhất 4 trong tổng số 22 chiếc xe điện dự kiến được giao cho khách. Họ thậm chí còn tháo rời các bộ phận trên xe cá nhân của CEO và CFO để sửa chữa, theo Business Insider.
Hai ngày sau, chiếc SUV Ocean của thành viên hội đồng Fisker, Wendy Gruel, bất ngờ dừng hoạt động trên đường trong khi đang chạy hết tốc lực. Sự cố tương tự cũng xảy ra với Geeta Gupta-Fisker, vợ của Henrik, đồng thời là CFO và COO của công ty.
Công ty khởi nghiệp xe điện của Henrik Fisker ban đầu có vẻ dễ bán. Người đàn ông 60 tuổi tự hào với lịch sử lâu dài trong ngành, được biết đến là nhà thiết kế của chiếc Aston Martin V8, BMW Z8 roadster từng xuất hiện trong bộ phim James Bond năm 1999. Ông cũng chính là nhà thiết kế Model S của Tesla.
Trước khi startup thứ hai ra đời, ông Henrik từng phá sản vào năm 2013. Một số quan điểm cho rằng quá khứ có thể sẽ lặp lại với thương hiệu xe mới Fisker.
Về phần mình, Henrik dự kiến đi theo mô hình của Apple bằng cách gia công sản xuất thông qua Magna International. Ông cũng nhắm đến phân khúc trung lưu và tùy chọn những chiếc xe điện giá cả phải chăng để cạnh tranh với Model Y.
Fisker nổi lên vào năm 2016. Trong vòng vài tháng kể từ khi niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán New York vào tháng 10 năm 2020, giá trị thị trường của Fisker tăng gần gấp 3, đạt mức cao gần 8 tỷ USD. Công ty ước tính sẽ tiết kiệm được ít nhất 1 tỷ USD do không phải vận hành nhà máy, đồng thời bỏ qua mạng lưới đại lý truyền thống để bán trực tiếp tới người tiêu dùng.
Đã có sự nhiệt tình ban đầu với chiếc SUV Ocean, khi giá dao động từ 38.000 USD đến khoảng 70.000 USD và có thể di chuyển tới 360 dặm trong một lần sạc. Theo các nhân viên, công ty đã chi 5 triệu USD mở một flagship store (cửa hàng lớn nhất trong chuỗi bán lẻ) tại trung tâm thương mại sang trọng ở Los Angeles, Grove. Giá thuê lên tới gần 10.000 USD/ngày.
Vào thời điểm đó, Fisker là một trong số nhiều công ty khởi nghiệp xe điện bùng nổ – Tuy nhiên, những trở ngại về sản xuất và thị trường đã đẩy một số công ty khởi nghiệp xe điện phải đóng cửa. Các công ty lớn như Ford và GM phải thu hẹp quy mô hoạt động, trong khi Tesla cũng gặp khó khăn khi chứng kiến doanh thu sụt giảm.
“Lúc đầu tôi rất hy vọng”, một cựu Phó chủ tịch từng làm việc tại cả 2 công ty khởi nghiệp của Fisker cho biết. “Ít nhất thì ban đầu, có vẻ như anh ấy đã học được từ những sai lầm của mình. Sau đó, rõ ràng câu trả lời là không”.
Business Insider đã nói chuyện với hơn 20 nhân viên hiện tại và trước đây của Fisker. Họ cho biết cặp vợ chồng ông bà chủ đã quản lý sai cách nên mới dẫn đến tình trạng lộn xộn như hiện tại. Cụ thể, những người không đủ tiêu chuẩn lại được đưa vào lãnh đạo các chương trình lớn. Tiêu chuẩn cơ bản về ô tô bị phớt lờ.
Theo lời 11 công nhân, trong khi ông Henrik thường giữ vai trò bù nhìn thì Gupta-Fisker lại tham gia rất nhiều vào các quyết định hàng ngày, bao gồm cả lĩnh vực kỹ thuật. Trước khi đảm nhận vai trò CFO và COO tại Fisker, Gupta-Fisker từng là giám đốc đầu tư cho văn phòng gia đình Fisker kiêm cố vấn một tổ chức phi lợi nhuận. Bà không hề có kinh nghiệm trong ngành công nghiệp ô tô.
Trong năm qua, Cục Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia (NHTSA) đã mở 4 cuộc điều tra dòng SUV của Fisker, bao gồm lỗi phanh và hệ thống chốt cửa xe. Công ty cho biết đang hợp tác với NHTSA để giải quyết vấn đề.
Theo lời 7 công nhân, trong quá trình vội vàng đưa xe ra thị trường, Fisker không thiết lập được một hệ thống hiệu quả để xử lý các đơn đặt sửa chữa và bảo dưỡng. Một số kỹ thuật viên còn không được đào tạo chuyên môn.
Tính đến ngày 1/5, Fisker chỉ bán được 6.500 xe. Hoạt động sản xuất tại nhà máy tạm dừng. Số xe còn lại đang được bán lại cho các đại lý và bên đấu giá. Andrew Segal, một nhà đầu tư ban đầu của Fisker, cho biết: “Hậu cần và các chi tiết rất quan trọng – còn ý tưởng gần như chỉ là thứ yếu”.
Theo WSJ, trong năm qua, Fisker đã giảm giá tới 24.000 USD cho một số phiên bản. Cổ phiếu hãng đã bị hủy niêm yết khỏi Sở giao dịch chứng khoán New York vào tháng 4 sau khi giảm xuống chỉ còn 9 cent/cổ phiếu. Fisker cảnh báo nhân viên trong hồ sơ hồi tháng 4 rằng họ sẽ bị sa thải nếu công ty không tìm được người mua hoặc nhà đầu tư bổ sung. Lực lượng lao động của công ty hiện chưa đến 100 người. Nhiều công nhân ở lại đang tham gia dỡ hàng tồn kho còn lại của Fisker.
“Tôi nghĩ đó là một câu chuyện về cái tôi. Ông ấy muốn tạo ra một chiếc ô tô và ghi tên mình lên đó. Henrik là một nhà thiết kế vĩ đại, nhưng ông ấy không có sự nhạy bén trong kinh doanh”, một cá nhân từng làm việc với Henrik nói. “Bài học lẽ ra cần đúc rút từ lần khởi nghiệp đầu tiên đã không được thực hiện. Ông ấy lại vội vã đưa ô tô ra thị trường một lần nữa”.
Được biết, Fisker, có trụ sở tại California, đang phải ngừng hoạt động sau khi đốt gần hết lượng tiền mặt. Sự sụp đổ nhấn mạnh loạt khó khăn mà các công ty khởi nghiệp khác phải đối mặt. Họ trước đó đã huy động được hàng tỷ USD, hứa hẹn một ngày nào đó sẽ vực dậy ngành kinh doanh ô tô có tuổi đời hơn một thế kỷ. Các nhà đầu tư cũng đặt cược vào việc tìm ra một Tesla tiếp theo, những nhà sản xuất xe điện có giá cổ phiếu hấp dẫn.
Theo WSJ, những thương hiệu ô tô trẻ khá sáng tạo nhưng lại gặp khó khăn trong việc triển khai nguyên tắc cơ bản về sản xuất để có lãi. Trong khi đó, sự quan tâm của người Mỹ đối với xe chạy bằng pin đã nguội dần.
Theo: Business Insider, WSJ
Nguồn tin: https://genk.vn/1-startup-xe-dien-ngung-hoat-dong-sau-khi-dot-tien-mat-co-phieu-huy-niem-yet-vi-thap-tham-te-ceo-nhu-bu-nhin-coo-khong-co-chuyen-mon-xe-loi-lien-tuc-20240613164200688.chn