Nước Nhật nổi tiếng với thịt bò wagyu, và họ cũng nổi tiếng với những lễ hội hóa trang “cosplay”. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ hai văn hóa ẩm thực và thời trang này có thể hòa quện vào với nhau trong cùng một nghiên cứu?
Không, không phải là các nhà khoa học tham gia lễ hội hóa trang rồi rủ nhau đi ăn thịt bò wagyu ở lễ hội ẩm thực. Chúng ta đang nói về những con bò wagyu, được các nhà khoa học trực tiếp cho tham gia vào màn hóa trang cosplay.
Trong một nghiên cứu trên tạp chí PLOS One, họ đã vẽ những sọc đen trắng đặc trưng của ngựa vằn lên thân của loài bò đen Nhật Bản. Nhưng các nhà khoa học ở xứ sở mặt trời mọc làm vậy với những con bò nhằm mục đích gì?
Giải mã bí ẩn những sọc màu trên thân ngựa vằn, chúng đến từ đâu?
Trong những câu chuyện ngụ ngôn, người ta thường kể rằng ngựa vằn có sọc vì nó đã chiến đấu với một con khỉ gian ác, kẻ chiếm lấy dòng sông và không cho loài vật nào đến đó uống nước. Con ngựa – ngày đó còn chưa có vằn – đã đứng lên đánh đuổi con khỉ.
Trong trận chiến một mất một còn đó, nó đã bị con khỉ đẩy vào một đống lửa. Lửa bén vào lông để lại trên thân con ngựa những sọc vằn. Nhưng con ngựa cuối cùng đã vùng ra khỏi đống lửa và đá gục con khỉ, kẻ đang chủ quan và đắc thắng.
Hòa bình sau đó được lặp lại, nhưng những sọc vằn trên cơ thể ngựa thì không biến mất. Chúng vẫn còn đó như một chứng tích cho sự dũng cảm của loài ngựa vằn.
Tất nhiên, đó chỉ là một câu chuyện cổ tích dành cho trẻ nhỏ. Còn dưới con mắt của mình, các nhà khoa học từ lâu đã đưa ra những lời giải thích khác về sọc vằn trên thân ngựa.
Giả thuyết thứ nhất cho rằng sọc trên thân ngựa vằn là một chiến lược ngụy trang. Sọc vằn có thể giúp ngựa hòa lẫn vào môi trường, đặc biệt trong các khu vực đồng cỏ cao hoặc dưới ánh sáng chập chờn của rừng thưa.
Hiệu ứng thị giác từ sọc có thể làm mờ ranh giới cơ thể ngựa vằn, khiến chúng khó bị phát hiện từ xa bởi các loài săn mồi như sư tử hay linh cẩu. Ngoài ra, khi ngựa vằn di chuyển theo đàn, sọc vằn tạo ra hiệu ứng thị giác nhiễu loạn gây nhầm lẫn, khiến động vật săn mồi khó nhắm mục tiêu vào một cá thể cụ thể.
Giả thuyết thứ hai nói rằng sọc vằn là một cơ chế giúp ngựa điều hòa nhiệt độ khi sống trên các thảo nguyên nóng bức ở Châu Phi.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports năm 2022 đã phân tích nhiệt độ trên cơ thể ngựa vằn bằng camera tầm nhiệt. Từ đó, các nhà khoa học đã phát hiện ra những sọc đen trên thân ngựa vằn hấp thụ nhiệt nhanh hơn 3 lần so với sọc trắng. Ở những vùng sọc trắng, nhiệt độ trên da ngựa vằn sẽ thấp hơn do khả năng phản xạ ánh sáng cao hơn đến 67%.
Sự chênh lệch nhiệt độ giữa hai vùng này tạo ra một chuỗi dòng đối lưu vi mô trên bề mặt da của chúng, tương tự như nguyên lý hoạt động của một hệ thống làm mát tự nhiên. Khi các dòng khí nóng bốc lên từ sọc đen và khí lạnh chìm xuống từ sọc trắng, một “hệ thống quạt gió” nhỏ bé hình thành, giúp làm mát cơ thể hiệu quả hơn 23% so với lông đồng màu.
Giả thuyết thứ ba nói rằng ngựa vằn sử dụng sọc của mình như một hệ thống mã vạch giúp chúng giao tiếp với đồng loại. Theo đó, mỗi con ngựa vằn có mẫu sọc độc nhất, tương tự như dấu vân tay ở người, giúp chúng nhận ra nhau trong đàn.
Những con ngựa vằn dùng sọc để nhận diện, giao tiếp và duy trì cấu trúc xã hội trong đàn của chúng. Nếu thiếu đi bộ lông kẻ sọc này, cấu trúc đàn của ngựa vằn được cho là sẽ bị xáo trộn.
Một giả thuyết khác: Lông vằn giúp ngựa xua đuổi ruồi muỗi
Mặc dù khá thuyết phục về mặt logic, cả ba giả thuyết giải thích nguồn gốc của bộ lông ngựa vằn kể trên hiện đều thiếu bằng chứng chứng minh cho logic của chúng.
Với giả thuyết thứ nhất, một số nhà khoa học cho rằng bộ lông sọc của ngựa vằn thậm chí còn khiến chúng trở nên nổi bật hơn trong môi trường đồng cỏ trống trải, nhất là ở khoảng cách gần với các loài động vật ăn thịt có thị giác vượt trội.
Giả thuyết thứ hai không thuyết phục ở chỗ, hiệu quả làm mát của sọc vằn quá nhỏ để một mình nó có thể trở thành động lực tiến hóa khiến ngựa vằn phải có vằn. Trong so sánh, các loài linh dương ở Châu Phi có lông đồng màu, nhưng vẫn sống sót tốt dưới thời tiết nắng nóng, chúng vẫn có thể kiếm ăn vào giữa trưa mà không cần vẽ sọc nào lên người.
Cuối cùng, các nhà khoa học cũng chưa có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy các sọc trên thân ngựa vằn là yếu tố chính trong hoạt động thu hút bạn tình hoặc giao tiếp giữa chúng. Trên thực tế, ngựa vằn dùng mùi và âm thanh nhiều hơn để “nói chuyện”.
Vì vậy, trong khi giải thích các sọc trên thân ngựa vằn, các nhà khoa học đã tiến tới một giả thuyết mới, có tính chất thuyết phục và có thể được chứng minh bằng thực nghiệm. Cụ thể, họ cho rằng những con ngựa vằn có vằn là để xua đuổi côn trùng, đặc biệt là ruồi trâu hút máu.
Một thí nghiệm năm 2019 tại Anh sử dụng ngựa phủ vải sọc, kết quả cho thấy số lượng ruồi đậu giảm 60% so với ngựa không có sọc. Tương tự, nghiên cứu năm 2020 trên đồng cỏ châu Phi ghi nhận ngựa vằn bị ruồi tấn công ít hơn 50% so với ngựa thường.
Các sọc tạo hiệu ứng thị giác, làm ruồi khó xác định vị trí đáp xuống, giảm nguy cơ lây bệnh từ côn trùng. Thêm vào đó, thử nghiệm mô phỏng năm 2021 chỉ ra rằng hoa văn sọc làm giảm độ chính xác đáp cánh của ruồi tới 70%.
Ngựa vằn còn được quan sát tránh ruồi hiệu quả hơn linh dương trong cùng môi trường, với tỷ lệ bị cắn thấp hơn 40%. Cuối cùng, phân tích năm 2022 cho thấy các loài ngựa vằn có sọc dày đặc hơn ở vùng nhiều ruồi, củng cố giả thuyết rằng vằn là lợi thế tiến hóa chống lại ruồi hút máu.
Đến lượt mình, các nhà khoa học Nhật Bản bây giờ cũng muốn chứng minh giả thuyết này theo một cách cực kỳ sáng tạo và hữu ích:
Họ cosplay ngựa vằn cho những con bò và xem điều gì sẽ xảy ra?
Nghiên cứu được thực hiện trên 6 con bò đen wagyu tại một trang trại ở tỉnh Yamagata miền trung Nhật Bản. Vì loài bò này có lông đen tự nhiên, các nhà khoa học có thể dễ dàng biến chúng thành ngựa vằn bằng cách sơn lên bộ lông của chúng những vạch màu trắng, rộng từ 4-5 cm, bằng sơn của hãng Nippon.
Sẽ có 2 con bò được “cosplay” thành ngựa vằn, 2 con không được sơn để làm nhóm đối chứng. Cộng thêm 2 con được sơn vạch màu đen trên nền lông đen để so sánh, nhằm loại trừ khả năng mùi của sơn chứ không phải màu của sơn là tác nhân đuổi được côn trùng.
Sau đó, các nhà nghiên cứu quan sát hành vi xua ruồi của bò, bao gồm vểnh tai, hất đầu, giậm chân, vẫy đuôi và co giật da. Họ cũng chụp ảnh hai bên thân bò để ghi lại số lượng ruồi đậu trên cơ thể. Trong một bước cuối cùng, họ đặt các tấm dính trong suốt trên mặt đất, gần nơi mỗi con bò đứng để bẫy ruồi nhằm xác định mật độ ruồi bay đến gần chúng.
Kết quả cho thấy số lượng ruồi trên chân và thân của những con bò được sơn sọc đen trắng ít hơn đáng kể so với các nhóm khác – chỉ bằng khoảng một nửa. Không có sự khác biệt giữa nhóm đối chứng và nhóm được sơn sọc đen cho thấy mùi sơn không phải là vấn đề.
Khi đánh giá các hành vi xua ruồi, các nhà nghiên cứu nhận thấy bò nhóm đối chứng thực hiện trung bình 53 hành vi trong 30 phút, trong khi bò sơn sọc đen thực hiện 54,4 hành vi. Ngược lại, bò sơn sọc đen trắng chỉ thực hiện 39,8 hành vi trong mỗi khoảng thời gian 30 phút.
Đếm số lượng vết cắn của ruồi trên thân chúng, các nhà khoa học phát hiện những con bò có sọc đen trắng chỉ bị đốt 60 vết trong vòng 30 phút. Trong so sánh với những con bò khác, số lượng vết cắn lên tới gần gấp đôi, 110 vết/30 phút.
“Kết quả nghiên cứu cho thấy số lượng ruồi cắn trên những con bò được sơn sọc đen trắng ít hơn đáng kể so với bò toàn đen và bò có sọc đen”, các nhà khoa học Nhật Bản kết luận.
Ngành chăn nuôi sẽ tiết kiệm được hàng tỷ USD nếu “cosplay” những con bò
Trên thực tế, ruồi cắn là mối lo lớn đối với những người chăn nuôi, vì chúng ảnh hưởng đến hành vi của gia súc và gây thiệt hại kinh tế. Sự xuất hiện của ruồi làm giảm thời gian ăn uống và nghỉ ngơi của gia súc, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của chúng.
Hơn nữa, khi có ruồi cắn, bò thường tụ lại thành nhóm để giảm nguy cơ bị đốt. Hành vi này làm tăng căng thẳng nhiệt và nguy cơ bị thương. Ngoài ra, nó còn làm giảm tăng trưởng cân nặng và ảnh hưởng đến sản lượng sữa.
Một số nhà nghiên cứu ước tính rằng côn trùng cắn gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi bò sữa và bò thịt hơn 2,2 tỷ USD mỗi năm.
“Nhiều nông dân thực sự không muốn thả gia súc của họ trên đất nông nghiệp vì họ thương những con vật này sẽ bị ruồi trâu hút máu”, một viên chức của bộ phận xúc tiến nông nghiệp tỉnh Yamagata cho biết.
“Nhưng bây giờ, chúng tôi có thể mong đợi đàn gia súc sẽ được tự do phát triển khỏe mạnh khi chúng được vẽ sọc”.
Trước đó, nhiều trang trại chăn nuôi được khuyên dùng thuốc trừ sâu để diệt ruồi hút máu nếu quần thể của chúng phát triển quá mức, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sản lượng đàn gia súc.
Các nhà khoa học cho biết thuốc trừ sâu có hiệu quả, nhưng thường thì lũ ruồi sẽ nhanh chóng kháng được chúng sau một vài thế hệ. Do đó, sử dụng thuốc trừ sâu là một giải pháp lợi bất cập hại.
“Nghiên cứu này cung cấp một giải pháp thay thế cho việc sử dụng thuốc trừ sâu thông thường để giảm thiểu sự tấn công của ruồi cắn đối với gia súc, cải thiện phúc lợi động vật và sức khỏe con người, đồng thời giúp giải quyết vấn đề kháng thuốc trừ sâu trong môi trường”, các nhà khoa học Nhật Bản viết.
Chỉ có một điều hạn chế là các loại sơn gốc nước rất dễ phai màu. Chúng thường khó có thể giữ được màu sắc gốc trong vòng một tuần. Cho nên, việc sơn đi sơn lại bộ lông cho những con bò trong trang trại lớn, với hàng nghìn con là điều khó có thể thực hiện.
Các nhà khoa học cần tiếp tục nghiên cứu ra một loại sơn bền màu, thân thiện sinh học và ít ảnh hưởng đến sức khỏe của bò cũng như con người hơn. Cho tới thời điểm đó, nếu bạn là một nông dân chăn bò nhỏ lẻ, với dân số đàn bò dưới 10 con, bạn vẫn có thể thử cho đàn bò của mình tham gia vào lễ hội “cosplay” thành ngựa vằn với sơn gốc nước của Nippon để giúp chúng xua đuổi ruồi muỗi.
Nguồn tin: https://genk.vn/nhung-con-bo-wagyu-o-nhat-ban-dang-cosplay-thanh-ngua-van-chung-lam-vay-voi-muc-dich-gi-20250426175553205.chn