Nếu bạn đang thấy ngày càng có nhiều người trẻ xung quanh mình mắc ung thư, thì đó không hẳn là cảm nhận của riêng bạn. Một nghiên cứu mới của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) cho thấy thế hệ Millennisals, những người sinh từ năm 1980-1996, có nguy cơ mắc 17 loại ung thư cao hơn thế hệ sinh ra trước đó.
Trong đó, đáng lo ngại là tỷ lệ mắc ung thư tuỵ, thận, và ruột non trong thế hệ này đã tăng cao gấp 2-3 lần so với thế hệ ông bà hoặc cha mẹ họ, những Baby Boomer sinh ra từ năm 1946-1964.
Phụ nữ thuộc thế hệ Millennials cũng phải đối mặt với nguy cơ mắc ung thư gan và ống mật cao hơn. Cùng với đó là nguy cơ mắc ung thư máu, bệnh bạch cầu, ung thư vú và ung thư dạ dày.
Ngoài ra, có 9 loại ung thư có tỷ lệ mắc giảm ở người lớn tuổi bây giờ lại đang gia tăng trở lại ở những người trẻ, như ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư tử cung, ung thư tinh hoàn và ung thư hậu môn.
Riêng ung thư tử cung có khả năng ảnh hưởng đến những người sinh sau năm 1990, cao hơn 169% so với những người sinh vào thập niên 1930. Trước đó, một nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ ung thư đại tràng của thế hệ 9x đã tăng gấp đôi so với thế hệ ông bà mình. Con số là gấp 4 lần với ung thư trực tràng.
Những con số này nói lên điều gì?
Một “đại dịch” ung thư
Trong nghiên cứu mới đăng trên tạp chí The Lancet Public Health, các nhà khoa học đã xem xét tỷ lệ mắc 34 loại ung thư phổ biến trên người trưởng thành trong giai đoạn từ năm 1920 đến 2019. Tổng cộng 23 triệu bệnh nhân và 7 triệu người tử vong đã được đưa vào cơ sở dữ liệu của nghiên cứu.
Kết quả chỉ ra tới một nửa trong số đó, tương đương với 17 loại bệnh ung thư, đang có xu hướng gia tăng trong giới trẻ, đặc biệt là thế hệ 8x và 9x, những người trẻ nhất trong nghiên cứu.
“Một người sinh ra vào thập niên 1950, khi họ ở độ tuổi 30 và 40, có tỷ lệ mắc ung thư khác với một người sinh vào thập niên 1990, khi họ cũng ở tuổi 30 và 40“, tiến sĩ William Dahut, giám đốc khoa học của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cho biết.
“Chúng tôi đã quan sát thấy tỷ lệ mắc ung thư gia tăng ở 17 loại bệnh, trong đó có 5 loại ung thư gây ra tỷ lệ tử vong tăng lên ở người trẻ dưới 50 tuổi”.
17 loại ung thư mà tiến sĩ Dahut nhắc tới bao gồm:
Ung thư dạ dày
Ung thư ruột non
Ung thư vú
Ung thư buồng trứng
Ung thư gan và ống mật
Ung thư miệng và họng
Ung thư hậu môn
Ung thư đại tràng và trực tràng
Ung thư cơ tử cung
Ung thư túi mật và đường mật khác
Ung thư thận và bể thận
Ung thư tuyến tụy
U tủy
Ung thư dạ dày
Ung thư tinh hoàn
Bệnh bạch cầu
Bệnh Sarcoma Kaposi, ảnh hưởng đến lớp lót của mạch máu và mạch bạch huyết
Tỷ lệ mắc ung thư ở người trẻ ngày càng tăng
Nghiên cứu mới này là một lời cảnh báo mạnh mẽ, thêm vào một loạt các phát hiện gần đây cho thấy nhiều loại ung thư khác cũng đang gia tăng trong nhóm người trẻ.
Thậm chí, sự gia tăng của một số bệnh ung thư còn khiến các nhà nghiên cứu y tế phải gọi chúng là “dịch bệnh” – nhấn mạnh vào sự gia tăng đột biến số ca mắc – dù ung thư không phải là một căn bệnh lây nhiễm.
Lấy ví dụ như bệnh ung thư tuyến giáp. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Thyroid cảnh báo tỷ lệ mắc ở cả nam và nữ trẻ tuổi đang gây ra tình trạng “báo động”. Tại Hoa Kỳ, cứ trong 100.000 phụ nữ thì có 22 trường hợp mắc ung thư tuyến giáp, con số đã tăng hơn 20% chỉ sau một thập kỷ.
Ở nam giới, mặc dù tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp thấp hơn, khoảng 8 ca trên mỗi 100.000 dân. Nhưng tỷ lệ gia tăng sau 10 năm vẫn đạt tới 16,5%.
Tại Việt Nam, các bác sĩ cũng lo ngại tình trạng ung thư tuyến giáp ngày càng gia tăng và trẻ hóa. BS Chuyên khoa II Phạm Quyết Thắng – Phó trưởng Khoa Phẫu thuật tuyến giáp, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết trung bình mỗi ngày bệnh viện phải xử lý 10 ca phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp do ung thư.
“Đây là một con số rất đáng báo động. Đáng lo ngại nữa là tình trạng ung thư tuyến giáp đang có xu hướng trẻ hóa”, bác sĩ Thắng cho biết. Mặc dù ít gặp hơn người lớn nhưng ung thư tuyến giáp có thể gặp ở trẻ em, độ tuổi thường gặp là 15 – 18 tuổi, thậm chí đã ghi nhận trường hợp trẻ nhỏ nhất mới 3 tuổi.
Nguyên nhân do đâu?
Theo các nhà nghiên cứu, việc gia tăng của các loại ung thư, đặc biệt là ở người trẻ, xảy ra một phần do sự phát triển của kỹ thuật y tế trong những năm gần đây.
Các tiến bộ trong công nghệ siêu âm đa chiều, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp vi tính (CT) và xét nghiệm sinh học phân tử đã cho phép phát hiện được nhiều bệnh ung thư ở giai đoạn sớm, thậm chí là rất sớm.
Khoảng 50 năm về trước, khi những công nghệ này chưa phát triển, nhiều ca ung thư có thể đã không được phát hiện cho đến khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn nặng, dẫn đến số liệu thống kê về ung thư thấp hơn ở thế hệ Baby Boomers, những người sinh từ năm 1946-1964 so với thế hệ 8X, 9X hiện tại.
Một yếu tố nữa là nhận thức của cộng đồng về ung thư đã thay đổi mạnh mẽ trong những thập kỷ gần đây. Ngày nay, nhiều người trẻ đã hiểu biết rõ hơn về các nguy cơ sức khỏe và giá trị của việc khám sức khỏe định kỳ.
Nhiều quốc gia cũng đang thực hiện chương trình tầm soát ung thư cho cả những đối tượng dưới 40 tuổi – độ tuổi mà trước đây ít khi được cho là có nguy cơ mắc bệnh. Chính sự tăng cường này trong kiểm tra và tầm soát đã dẫn đến số liệu phát hiện ung thư ở người trẻ cao hơn.
Chẳng hạn với ung thư tuyến giáp, việc sàng lọc và phát hiện ngày nay được thực hiện rất đơn giản, rẻ và thuận tiện, chỉ bằng máy siêu âm kết hợp vào các lần khám định kỳ hằng năm cho phụ nữ. Nếu nghi ngờ có u tuyến giáp, bệnh nhân sẽ được chỉ định làm sinh thiết (FNA) kể khẳng định ngay lập tức.
Xét nghiệm FNA sau đó còn cho phép xác định thể của ung thư, mà một số ung thư tuyến giáp có khả năng di truyền, như ung thư tuyến giáp thể tủy. Khi đó, ngay cả người nhà bệnh nhân cũng cần khám sàng lọc để phát hiện khối u sớm. Xét nghiệm gen sau đó được thực hiện để đánh giá khả năng di truyền của bệnh.
Nếu khả năng di truyền cao, các bác sĩ có thể chỉ định mổ cắt tuyến giáp ngay cả khi khối u chưa xuất hiện, chưa thể được phát hiện dưới siêu âm, FNA hoặc máy chụp cắt lớp.
Điều này chỉ có được nhờ những tiến bộ trong lĩnh vực sinh học phân tử và di truyền học trong những năm gần đây. Trước đó, những người có nguy cơ di truyền ung thư cao đã không được biết đến, và ung thư chỉ được xác nhận khi khối u tuyến giáp của họ đã lớn.
Nhưng hiện nay các xét nghiệm gen tiên tiến đã giúp nhận diện những người có nguy cơ cao hơn với một số loại ung thư, cho phép họ chủ động kiểm tra và giám sát sức khỏe sớm hơn. Điều này góp phần vào việc phát hiện sớm nhiều ca ung thư ở người trẻ, tăng thêm số liệu thống kê về tỷ lệ mắc ung thư trong nhóm tuổi này.
Nhưng không phải tất cả sự gia tăng đều là do thống kê
Trong nghiên cứu mới về 17 loại ung thư đang có độ tuổi mắc “trẻ hóa”, các nhà khoa học cho biết họ đã tính đến sự chênh lệch do thống kê này.
“Tỷ lệ mắc và tử vong tăng lên qua các thế hệ cho thấy đây không chỉ là hiện tượng ngẫu nhiên do sàng lọc và chẩn đoán thường xuyên hơn, mà đó là một nguy cơ thực sự”, tiến sĩ Hyuna Sung, tác giả chính của nghiên cứu đến từ Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) cho biết.
Theo đó, có tới 10/17 loại ung thư gia tăng trong giới trẻ có liên quan đến một tình trạng: Béo phì.
Kể từ năm 1980, tỷ lệ béo phì trên toàn thế giới đã gia tăng chóng mặt. Vào năm ngoái, thế giới đã chào đốn công dân béo phì thứ 1 tỷ, con số đã tăng gấp 5 lần kể từ khi thế hệ 9x ra đời.
Và béo phì đã được chứng minh là có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, do nó liên quan đến tình trạng viêm mạn tính trong cơ thể.
Ở người béo phì, việc họ tích mỡ không chỉ đóng vai trò lưu trữ năng lượng mà còn là nguồn gốc của các chất gây viêm. Tình trạng viêm mãn tính tạo ra các phân tử tín hiệu, như cytokine và chemokine, có thể làm tổn thương DNA và gây đột biến, dẫn đến ung thư.
Sự viêm nhiễm này diễn ra liên tục và không ngừng, tạo môi trường thuận lợi cho các tế bào ung thư hình thành và phát triển.
“Quá trình tổn thương tế bào bắt đầu sớm hơn, ung thư có độ trễ khoảng 20 năm. Nếu bạn bắt đầu bị béo phì khi 10 tuổi, có thể đến 30 hoặc 40 tuổi sẽ phát sinh tế bào ung thư”, Timothy Rebbeck, một giáo sư về phòng ngừa ung thư tại Viện Ung thư Dana-Farber giải thích.
Năm 2019, một nghiên cứu quan sát trên tạp chí JAMA cũng cho thấy béo phì là nguyên nhân góp phần vào tỷ lệ mắc ung thư đại trực tràng trẻ hóa trong nhóm tuổi 9x. Theo đó, những người mắc bệnh béo phì (chỉ số BMI từ 30 trở lên) có nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng sớm gấp đôi so với phụ nữ có chỉ số BMI bình thường (từ 18,5 đến 22,9).
Các biểu đồ được vẽ ra cho thấy tỷ lệ béo phì tăng đồng hành cùng với nguy cơ ung thư đại trực tràng. Trong khi đó, tỷ lệ người trẻ béo phì hiện đang tăng chóng mặt, do các yếu tố lối sống, dinh dưỡng kém và ít hoạt động thể chất. Điều này đặt ra một gánh nặng bệnh tật ngày càng lớn cho hệ thống y tế thế giới, đối với cả các căn bệnh khác, không riêng gì ung thư.
Nghe có vẻ ảm đạm, nhưng trong nghiên cứu mới, chúng ta vẫn có thể thấy một vài điểm sáng. Trong khi giới trẻ đang phải đối mặt với nguy cơ mắc 17 loại ung thư cao hơn, có một loại ung thư đã suy giảm tới 90% kể từ năm 1990, đó là ung thư cổ tử cung.
Các nhà khoa học giải thích đây là loại ung thư có thể dễ phòng ngừa nhất, chỉ bằng tiêm một loại vắc-xin được gọi là HPV. Vắc-xin sẽ giúp phụ nữ phòng ngừa được ung thư cổ tử cung nếu họ tiêm trong độ tuổi từ 9-26, tốt nhất là trước lần quan hệ đầu tiên.
Ngoài ra, vắc-xin HPV cũng giúp những người đàn ông ngăn ngừa ung thư dương vật, ung thư vòm họng và ung thư amidan, gốc lưỡi. Sự thật là đã có những số liệu cho thấy những bệnh ung thư này đang suy giảm ở nhóm người trẻ.
Các nhà khoa học cho biết: “Dữ liệu từ nghiên cứu nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết trong việc xác định và giải quyết các yếu tố rủi ro tiềm ẩn trong thế hệ X và Millennials, để đưa ra các chiến lược phòng ngừa ung thư hiệu quả”.
Để phòng ngừa béo phì và ung thư, bạn nên có cho mình một lối sống lành mạnh, ăn uống dinh dưỡng, ngủ nghỉ hợp lý và chăm chỉ hoạt động thể chất.
Nguồn: CNN, NCBI, Theconversation
Nguồn tin: https://genk.vn/canh-bao-17-loai-ung-thu-gia-tang-trong-gioi-tre-dac-biet-la-the-he-8x-va-9x-2024110716563276.chn