Việc khám phá ra ‘Sanfordiaaulis Densifolia’
Hai đồng tác giả của nghiên cứu, Olivia King và Matthew Stimson, đã khai quật được hóa thạch Sanfordiacaulis densifolia đầu tiên tại một mỏ đá ở New Brunswick vào năm 2017, và trong những năm kể từ đó, các nhà khoa học đã phát hiện thêm bốn hóa thạch nữa. Đặc biệt, một trong những mẫu vật được bảo quản tốt đến mức các chuyên gia đã có thể tái tạo lại hình dáng của loài cây này từng trông như thế nào.
Với thân cây dài và hẹp, tán lá của loài cây này có đường kính lên tới 18 feet (khoảng 5,5 mét), tán lá của Sanfordiaaulis densifolia nặng đến mức chúng có thể phải đan xen các cành của mình với những cây khác gần đó để đứng thẳng. Các nhà nghiên cứu cho rằng loài cây này mọc dưới tán những cây cao hơn xung quanh và trải rộng thật rộng để hấp thụ càng nhiều ánh sáng Mặt Trời xuyên qua những chiếc lá phía trên càng tốt.
Tác giả chính của nghiên cứu, Robert Gastaldo của trường Cao đẳng Colby, cho biết: “Khi tôi và nhóm nghiên cứu của mình bắt đầu tái tạo lại loài cây này dựa trên các mẫu vật được thu thập ở mỏ đá Sanford, thứ tương tự duy nhất mà chúng tôi có thể nghĩ đến là một chiếc cọ bồn cầu cỡ lớn”.
Như Gastaldo giải thích, ông và các đồng nghiệp ước tính rằng loài Sanfordiaaulis densifolia có hơn 250 lá chính. Trong các mẫu hóa thạch mà họ nghiên cứu, những chiếc lá kéo dài khoảng 6 feet tính từ thân cây, nhưng chúng có thể còn dài hơn nữa.
Gastaldo cho biết: “Việc tìm thấy một thân cây xung quanh có hơn 250 chiếc lá vẫn còn dính liền, sắp xếp theo hình xoắn ốc là điều chưa từng có”. “Hình dáng tổng thể của nó có thể khiến bạn nghĩ nó là cây dương xỉ hoặc giống cây cọ, nhưng niên đại của loài cây này lại lâu đời hơn dương xỉ rất nhiều, và chúng còn có mặt trước loài cọ hàng trăm triệu năm”.
Sự bảo tồn ngoạn mục trong các hóa thạch là do trận động đất xảy ra khoảng 350 triệu năm trước. Trận động đất khiến bờ sông nơi có cây cối đổ sụp xuống hồ, cây cối ngay lập tức bị bùn và phù sa bao phủ. Nhờ sự bảo tồn nhanh chóng này trong khi tán lá vẫn còn sống, hóa thạch Sanfordiaaulis densifolia có cấu trúc ba chiều độc đáo.
Một trong những hóa thạch bao gồm cả thân và lá của loài Sanfordiaaulis densifolia, một trường hợp hiếm gặp khi kết hợp với tính chất 3D của tàn tích cây, cho phép các nhà khoa học có cái nhìn cận cảnh hơn về lịch sử hơn bao giờ hết.
“Như hầu hết mọi người đều biết, các bộ phận của cây sẽ phân hủy trong thời gian rất ngắn. Đối với lá cây, thời gian này có thể chỉ từ vài ngày đến vài tuần. Trong trường hợp thân cây không phải gỗ, quá trình phân hủy hoàn toàn có thể xảy ra trong vài tuần đến vài tháng tùy thuộc vào một số yếu tố”, Gastaldo nói.
“Chỉ có một số ít cây hóa thạch được phát hiện có lá vẫn còn dính vào thân cây, và thậm chí còn ít ví dụ hơn mà tán cây được bảo tồn trong hồ sơ hóa thạch. Sanfordiaaulis là một trong số rất ít những ví dụ như vậy”.
Các nhà nghiên cứu cho biết Sanfordiaaulis densifolia đưa ra một số bằng chứng sớm nhất về một cây nhỏ hơn mọc dưới tán rừng cao hơn. Bằng chứng này cho thấy cuộc sống trong thời kỳ Tiền Carbon phức tạp hơn nhiều so với những gì người ta tin trước đây và cây đã tiến hóa trong thời gian thực vật đang “thử nghiệm” với nhiều dạng khác nhau.
Hầu hết những gì các nhà nghiên cứu biết về thời kỳ chuyển tiếp này trong lịch sử Trái Đất đều đến từ các loài thực vật hóa thạch mọc ở vùng đất ngập nước dọc theo các vùng ven biển. Do đó, Gastaldo cho biết, nhiều loài thực vật trong số này có “vẻ ngoài quen thuộc”.
Nhưng vì Sanfordiaaulis mọc cách xa bờ biển, trên lớp đất bên trong lục địa cổ đại nên nó độc đáo hơn nhiều so với các hóa thạch thực vật trước đây.
Giáo sư nói thêm rằng phát hiện này cho các nhà nghiên cứu thấy có bao nhiêu “thí nghiệm tiến hóa và không thể tưởng tượng” khác nhau trong lịch sử tiến hóa của cây cối.
Tham khảo: Allthatsinteresting
Nguồn tin: https://genk.vn/cac-nha-khoa-hoc-o-canada-phat-hien-hoa-thach-cua-cay-ngoai-hanh-tinh-350-trieu-nam-tuoi-20240227104301621.chn