Đầu năm nay, một người bạn tôi bỗng đem khoe tôi một sản phẩm rất lạ: nó nhìn giống một chiếc smartphone chạy Android 11, nhưng lại không gắn được SIM và ‘quái lạ’ hơn khi có màn hình e-ink đen trắng. Hỏi kỹ hơn thì tôi mới biết đây là chiếc Onyx Book Palma, một dòng máy đọc sách mới được ra mắt cũng đang khá ‘hot’ với những người thường xuyên đọc sách, truyện trên thiết bị điện tử.
Thiết bị này như đã đề cập, có kích thước nhỏ hơn đa phần những dòng máy đọc sách khác của Amazon Kindle vì chỉ có màn hình e-ink 6.13 inch – chỉ bằng những chiếc smartphone cỡ nhỏ mà thôi. Nếu đã là một chiếc máy phục vụ đọc sách, truyện nhưng có kích thước không hề lớn hơn smartphone thì tại sao không sử dụng luôn smartphone cho mục đích này?
Người bạn tôi chia sẻ: “Tôi cũng có đủ cả smartphone, máy tính màn hình to rồi nhưng vẫn muốn có một chiếc máy đọc sách chuyên dụng vì màn hình e-ink cho cảm giác đọc giống với giấy, không phải là màn hình LCD thông thường nên dùng đọc truyện, tài liệu trong thời gian dài cũng không gây mỏi mắt.”
Tìm hiểu rồi tôi mới biết, thị trường máy đọc sách kích thước nhỏ ngang smartphone đang rất phát triển trong những năm trở lại đây. Mọi người vẫn muốn ưu điểm của một chiếc máy đọc sách nhưng với kích cỡ ‘nằm lọt bàn tay’, bên cạnh đó là dễ dàng để trong những chiếc cặp nhỏ hơn.
“Trước khi mua ‘em’ này tôi cũng cân nhắc khá nhiều máy đọc sách kích thước nhỏ khác rồi, ví dụ như Moaan inkpalm 5, Hisense A5 A7 A9. Cuối cùng chốt Onyx Book Palma này vì là sản phẩm mới được ra mắt, có màn hình e-ink chất lượng cao (Carta 1200), có cấu hình cao hơn những máy đọc sách khác và đặc biệt là chạy Android thế hệ mới.”
Chiếc máy này sử dụng một hệ điều hành đã được ‘chế biến’ từ Android 11, đơn giản hóa đi rất nhiều để phù hợp với một thiết bị đơn giản (không có App drawer mà các ứng dụng được đặt hết ở màn hình chính, có ít mục trong tùy chỉnh). Vì chạy một hệ điều hành di động quen thuộc nên máy cũng có những ưu điểm so với các dòng máy chạy hệ điều hành riêng: “Chuyển các loại tệp dùng ứng dụng Boox Drop rất nhanh và tiện, dễ dùng hơn các dòng Kindle nhiều”.
Ngoài ra ta cũng có thể cài được các ứng dụng mạng xã hội như X (Twitter), Facebook, Messenger, lướt web bằng trình duyệt, kết nối với tai nghe không dây để nghe nhạc nhưng không cắm SIM để thực sự trở thành một chiếc smartphone màn hình e-ink được.
Bản thân tôi không phải là một người sử dụng máy đọc sách, nhưng qua đánh giá của người bạn cũng như một người chị đang dùng máy đọc sách của Kindle thì màn hình của dòng Book Palma này có độ nét tốt, ngoài ra tốc độ làm tươi (refresh rate) cũng nhanh hơn.
“Nhanh hơn” nhưng cũng chỉ là so với những máy đọc sách khác, nó vẫn không thể so sánh được với màn hình LCD hay AMOLED hiện nay. Nếu chỉ sử dụng để đọc sách, đôi lúc lướt web và đôi lúc làm một ván Sudoku thì máy đáp ứng được, tôi có thử chơi 1 vài game tốc độ cao như Temple Run 2 hay Fruit Ninja thì màn hình này ‘bó tay’ luôn.
Màn hình bé của chiếc máy này là ưu điểm trong công thái học, nhưng cũng trở thành nhược điểm ở đúng mục đích sử dụng của nó là đọc sách. “Máy này có màn hình bé nên tôi thấy đọc truyện chữ khá ổn, nhưng với những tệp PDF nhỏ, có nhiều hình ảnh thì đọc khá khó, đôi khi là không đọc được.”
Thời lượng pin của máy phụ thuộc rất nhiều vào sử dụng của người dùng. “Nếu chỉ bật Wifi để tải sách, sau đó chỉ sử dụng để đọc thôi thì pin cũng có thể lên tới 1 tuần. Nhưng nếu thường xuyên dùng cả trình duyệt web, lướt Facebook thì pin giảm chỉ còn khoảng 3 ngày mà thôi.”
Người bạn của tôi nói rằng vẫn khá hài lòng với chiếc máy này dù nó vẫn có những nhược điểm riêng và giá bán cũng không hề rẻ. Mức giá 7.5 triệu Đồng nếu mua chiếc smartphone thì sẽ hiện đại hơn chiếc máy này rất nhiều, màn hình cũng sẽ đẹp hơn rất nhiều so với chiếc máy này. Nhưng với những người mê sách, muốn đọc sách ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào như bạn tôi thì đây vẫn là khoản đầu tư xứng đáng.
Nguồn tin: https://genk.vn/ban-toi-mua-thiet-bi-android-man-hinh-trang-den-khong-cam-duoc-sim-voi-gia-toi-gan-8-trieu-20240415152235251.chn