Theo chia sẻ của gia đình ông Trương (52 tuổi), khoảng 1 tháng trước, ông có mua cá về chế biến nhưng vô tình bị xương cá đâm vào ngón tay phải, chảy máu. Ông Trương cho biết vì thấy vết thương nhỏ, chỉ gây đau nhẹ nên ông đã bỏ qua. Tuy nhiên, đến ngày hôm sau, vết thương ngày càng đau, cơn đau trở nên trầm trọng hơn, bàn tay của ông bắt đầu bị sưng to.
Gia đình đã đưa ông đến Bệnh viện Nhân dân số 1 thành phố Nghi Xương để thăm khám và điều trị. Tình trạng của ông Trương tiến triển nhanh chóng, phần da ngón tay bị thương dần chuyển sang màu đen.
Kết quả khám và xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với vi khuẩn Vibrio vulnificus, bệnh nhân bị nhiễm trùng ở vết thương và hoại tử phần tay. Ngay lập tức, các bác sĩ ở bệnh viện đã chỉ định thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân.
Do tình trạng nghiêm trọng nên các bác sĩ đã phải cắt cụt phần ngón tay bị hoại tử để điều trị. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt.
Bác sĩ Trương Tân Lê, phó trưởng khoa Hồi sức tích cực tại bệnh viện, chia sẻ: “Thời điểm nhập viện, bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết nặng do nhiễm trùng vết thương. Tình trạng nhiễm trùng diễn biến phức tạp, gây rối loạn chức năng đa cơ quan, tổn thương gan, suy thận, kèm hội chứng đông máu nội mạch lan tỏa,…, tình trạng của bệnh nhân nguy kịch. Bệnh nhân phải cắt ngón tay bị hoại tử, điều trị chống nhiễm trùng phổ rộng và lọc máu sau phẫu thuật”.
Tuy nhiên, tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân tiếp tục lan rộng sang cả cánh tay phải. Các bác sĩ tiếp tục cắt bỏ cánh tay để bảo toàn mạng sống cho ông Trương. Sau 10 ngày điều trị, ông Trương đã qua cơn nguy kịch, nhưng ông vẫn phải tiếp tục lọc máu do chức năng thận chưa phục hồi hoàn toàn.
Bác sĩ chỉ ra sai lầm khi nấu ăn
Chia sẻ về nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ Trương Tân Lê cho biết có thể cá mà bệnh nhân sử dụng đã bị nhiễm khuẩn, bệnh nhân lại bị xương cá đâm vào ngón tay chảy máu nhưng lại không sát khuẩn. Sai lầm này tạo điều kiện cho vi khuẩn Vibrio xâm nhập vào cơ thể qua vết thương và gây nhiễm trùng nghiêm trọng.
Vibrio vulnificus là một loại vi khuẩn cùng họ với vi khuẩn gây bệnh tả. Vi khuẩn Vibrio thường sống ở các vùng nước ấm ven biển. Vi khuẩn Vibrio thường được phát hiện ở một số loại hải sản sống trong vùng nước bị ô nhiễm. Vi khuẩn có thể lây sang người khi họ ăn hải sản sống, hải sản chưa được nấu chín kỹ. Ngoài ra, vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở khi người bệnh tiếp xúc với hải sản hoặc vùng nước bị nhiễm khuẩn, tương tự như trường hợp của bệnh nhân Trương.
Bác sĩ Trương Tân Lê chia sẻ, sau khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua vết thương, chúng có thể gây ra các dấu hiệu như vết thương nóng đỏ, sưng tấy, đau, da vùng bị thương đổi máu, vết thương tiết dịch, hoại tử phần bị thương. Ngoài ra, vi khuẩn cũng có thể gây ra một số triệu chứng ở đường tiêu hóa như tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn và sốt.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và thậm chí là gây nguy hiểm đến tính mạng.
Lời khuyên của chuyên gia
Bác sĩ cho biết để hạn chế nguy cơ bị nhiễm trùng khi chế biến hải sản, mọi người cần lưu ý 3 điều dưới đây:
– Đeo găng tay khi chế biến cá hoặc hải sản để hạn chế nguy cơ bị thương.
– Trong trường hợp bị thương khi chế biến cá và hải sản, mọi người phải lập tức rửa vết thương dưới vòi nước chảy hoặc rửa với xà phòng ít nhất 15 giây. Sau khi rửa tay với xà phòng, mọi người cần khử trùng bằng cồn i-ốt và băng bó vết thương.
– Hạn chế ăn cá, hải sản sống hoặc hải sản chưa được nấu chín kỹ để hạn chế nguy cơ nhiễm vi khuẩn.
Cuối cùng, vị chuyên gia nhấn mạnh, khi thấy cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường, mọi người nên đến bệnh viện hoặc cơ sở uy tín để thăm khám và phát hiện nguyên nhân gây bệnh kịp thời.
Nguồn tin: https://genk.vn/nguoi-dan-ong-phai-cat-cut-tay-sau-khi-nau-an-bac-si-chi-ra-sai-lam-chi-mang-20250116181440329.chn