Từ giá gốc 3 triệu khi ra mắt vào năm 2022, LG Tone Free FP5 giờ đã giảm chỉ còn hơn 1 triệu đồng hoặc thấp hơn ở 1 số đại lý. Nếu xét trên số lượng tính năng mà LG tích hợp trong phân khúc này, FP5 tính ra vẫn là 1 món hời, nhưng khi dùng thực tế mới biết sự thật chưa hẳn đã như mơ.
Tone Free FP5 là dòng tai nghe chống ồn chủ động mới và rẻ nhất là LG đang bán tại Việt Nam, bên cạnh model cao cấp hơn là FP8. Có thể coi FP5 là phiên bản cắt giảm tính năng của FP8, ngoại trừ chất lượng âm thanh khi vẫn được trang bị màng loa cỡ lớn chất lượng cao, âm thanh chuẩn Meridian trứ danh trên nhiều sản phẩm LG. Tai nghe này cũng có chống ồn chủ động nhờ hệ thống 3 mic thu âm mỗi bên tai, thêm chế độ xuyên âm có thể tùy chỉnh và thời lượng pin riêng lẻ lên đến 8 giờ khi tắt chống ồn.
Gia công tốt, pin thì chưa
Chất lượng gia công của Tone Free FP5 ở mức tốt, đúng chất đồ từ thương hiệu uy tín. Kiểu thế kế của tai nghe không có gì lạ nhưng điểm cộng là cảm giác đeo dễ chịu, nhẹ tai. Phần nút cao su được làm từ gel y tế có độ bền cao lại hạn chế gây kích ứng, thích hợp với ai hay ra mồ hôi tai và bị ngứa khi dùng lâu dài. Tuy nhiên, đáng tiếc là dòng FP5 này lại bị cắt giảm tính năng diệt khuẩn bằng đèn UV-C khi tai nghe đang đặt trong hộp – vốn là tính năng độc lạ nhất mà chỉ LG có trên tai nghe không dây.
Điểm trừ thứ 2 là thời lượng pin chưa ấn tượng lắm, chỉ đạt mức 5 giờ khi bật chống ồn, kết hợp hộp sạc lên đến 13 giờ. Hiện tại hầu hết tai nghe chống ồn cùng tầm giá đều đạt 6 giờ nghe riêng lẻ và khoảng 20 giờ khi kết hợp hộp sạc. Bù lại, Tone Free FP5 hỗ trợ sạc nhanh, chỉ 5 phút là có 1 tiếng nghe nhạc nên tính ra cũng không phải vấn đề lớn, chỉ cần nhớ nạp pin thường xuyên cho hộp sạc là được.
Chất âm vượt mong đợi
Ưu điểm lớn nhất của Tone Free FP5 nằm ở chất lượng âm thanh. Các dải âm của tai nghe đều được thể hiện rất tốt, bass dày, mạnh mẽ, mid mượt mà dễ nghe và treble leng keng, chi tiết tốt.
Trong ứng dụng điều khiển, bạn có thể chọn giữa 5 chế độ EQ cài sẵn hoặc tự tạo 2 EQ Custom theo ý muốn. Chế độ Immersive cho dải âm sôi động, nhấn mạnh và dải siêu trầm, thích hợp với nhạc EDM, Dance để “quẩy” và còn có thêm 1 chút hiệu ứng giả lập âm thanh vòm nghe vui tai.
Chế độ Natural vẫn cho bass dày, sâu nhưng mid và treble cân bằng hơn, hiệu ứng âm thanh vòm cũng được tắt nên chất âm tự nhiên, gần sát với bản gốc hơn và giọng hát nghe rõ ràng hơn 1 chút. Chế độ Bass boost và Treble Boost hoạt động y như cái tên: Tăng âm trầm, giảm âm treble hoặc ngược lại.
Cuối cùng là chế độ 3D Sound Stage thì mở rộng tối đa hiệu ứng âm thanh vòm, thêm nhiều âm vang vọng, tạo cảm giác như đang ngồi trong rạp phim.
Sau vài ngày trải nghiệm, cá nhân tôi thấy chế độ EQ Immersive vẫn là ổn nhất, phù hợp nhiều thể loại nhạc và chắc chắn là hay hơn khá nhiều so với hầu hết các tai nghe chống ồn không dây cùng phân khúc giá.
Bên cạnh chỉnh EQ, ứng dụng điều khiển của LG còn có nhiều cài đặt khác chuyên sâu hơn, ví dụ như bật tắt chế độ chơi game (giảm độ trễ), chế độ Thì Thầm để gọi thoại rõ hơn bằng cách tháo tai bên phải ra dùng như micro sát miệng. FP5 cũng có thể tự động ngừng/phát nhạc khi tháo ra khỏi tai nhờ cảm biến tiệm cận và đọc thông báo tự động, tuy nhiên lại không hỗ trợ tiếng Việt nên đọc sai hết nội dung.
1 tính năng khá hay của Tone Free FP5 là có thể lưu lại vị trí tai nghe lần cuối kết nối với điện thoại, giúp người dùng tìm kiếm tai nghe khi thất lạc dễ hơn. Tuy nhiên, nếu muốn tính năng này hoạt động, điện thoại sẽ phải bật GPS 24/24 và để ứng dụng Tone Free chạy nền.
Chống ồn chỉ tạm được, Xuyên âm 2 chế độ
Dù tích hợp tận 3 micro mỗi bên tai nghe nhưng FP5 lại chỉ xử lý được tiếng ồn ở mức vừa phải, chưa xứng với mức giá 3 triệu ban đầu và cũng thua kém 1 số sản phẩm khác tầm hơn 1 triệu, điển hình như mẫu Redmi Buds 5 Pro mà chúng tôi đã đánh giá cách đây không lâu.
Dù dải trầm được cắt khá nhiều nhưng tai nghe vẫn để lại 1 chút âm thanh lộp bộp do cơ thể chúng ta tạo ra khi vận động hoặc va chạm vào đồ vật xung quanh. Khả năng cắt tiếng nói chuyện xung quanh không hiệu quả lắm, vẫn có thể nghe rõ cả tiếng gõ bàn phím của đồng nghiệp. Tính ra, chỉ cần bạn bật nhạc ở mức âm lượng khoảng 70% trở lên là không cần bật chống ồn nữa vì hiệu quả gần như nhau.
Chế độ Xuyên âm thể hiện khá hơn 1 chút, cho âm thanh tự nhiên khi bật Listening mode. Nhưng, khi bật Conversation Mode thì dải trung và cao bị kích lên hơi nhiều, vô tình làm rõ tiếng ồn xung quanh nên còn khó nghe giọng nói của mọi người hơn so với chế độ Listening. Ngoài ra, tôi cũng không đánh giá cao LG khi không cho phép người dùng tắt hẳn chống ồn và xuyên âm bằng cách chạm cảm ứng trên tai nghe. Muốn tắt hẳn phải mở hẳn app ra rất phiền phức.
Kết: Lựa chọn tốt trong phân khúc nếu ưu tiên chất lượng âm thanh
Tính ra việc mua tai nghe từ thương hiệu lớn cũng có cái lợi vì nhiều thứ được chăm chút kĩ hơn. Với Tone Free FP5 là ứng dụng điều khiển chi tiết, nhiều cài đặt tiện lợi, chất lượng gia công cao và âm thanh được tối ưu hóa tốt hơn.
Điểm đáng tiếc lớn nhất của FP5 có lẽ là ở khả năng chống ồn còn thua kém nhiều so với các sản phẩm khác mới ra mắt trong phân khúc hơn 1 triệu. Ngoài ra, thời lượng pin hơi ngắn cũng có thể khiến nhiều người không ưng ý. Nếu không thích LG Tone Free FP5 này, bạn có thể cân nhắc 1 vài lựa chọn khác cũng có chống ồn, cũng từ thương hiệu lớn và mức giá không chênh lệch nhiều, ví dụ như Samsung Galaxy Buds2, Galaxy Buds FE hay mẫu Redmi Buds 5 Pro cũng được. Trong số này chỉ có Buds FE cạnh tranh được với FP5 về chất lượng âm thanh nhưng phần còn lại gần như đều vượt trội so với sản phẩm LG.
Nguồn tin: https://genk.vn/lg-tone-free-fp5-giam-hon-nua-gia-sau-2-nam-m-thanh-van-ngon-thiet-ke-nho-gon-tiec-nhat-chong-on-kem-hon-han-tai-doi-moi-20240526090404268.chn