Có thể bạn không biết người đàn ông này. Nhưng các nhà nghiên cứu liêm chính học thuật trên khắp thế giới đều biết đến ông ấy: Don Poldermans, một bác sĩ tim mạch người Hà Lan.
Ông ấy từng là một nhà nghiên cứu y khoa nhiệt tình và năng nổ nhất tại Trung tâm Y tế Erasmus, nơi ông đã phân tích các phác đồ điều trị bệnh tim mạch và công bố một loạt nghiên cứu mang tính then chốt trong lĩnh vực, kể từ năm 1999 đến năm 2010.
Một trong số những câu hỏi mà Poldermans đã dành cả thập kỷ để tìm hiểu: Liệu các bác sĩ trên khắp thế giới có nên cho một bệnh nhân dùng thuốc chẹn beta, một loại thuốc hạ huyết áp, trước một số ca phẫu thuật nhất định hay không?
Theo công bố của Poldermans trên các tạp chí học thuật, câu trả lời là: Có!
Tin tưởng vào chất lượng các công trình của Poldermans, danh tiếng của ông trong lĩnh vực tim mạch cũng như các tạp chí học thuật, cơ quan y tế ở Châu Âu và Mỹ đã đưa khuyến nghị về thuốc chẹn beta của Poldermans vào phác đồ điều trị tiêu chuẩn, dành cho những bệnh nhân cần phẫu thuật tim mạch.
Thế nhưng, vấn đề nghiêm trọng đã xảy ra
Một cuộc điều tra năm 2012 của Trường Y Erasmus phát hiện Poldermans đã bịa rất nhiều số liệu trong các nghiên cứu của mình. “Ông ấy cố ý sử dụng dữ liệu từ bệnh nhân mà không có sự cho phép bằng văn bản, sử dụng dữ liệu hư cấu để nộp và báo cáo tại các hội nghị khoa học, bao gồm các dữ liệu không đáng tin cậy”, kết luận cuộc điều tra cho biết.
Poldermans sau đó đã thừa nhận các cáo buộc nhắm đến mình và công khai xin lỗi. Tuy nhiên, ông ấy nói việc sử dụng dữ liệu hư cấu chỉ là sai sót vô tình, chứ bản thân ông không cố ý.
Bất chấp những lời bao biện, các nhà khoa học trên khắp thế giới đã phải đánh giá lại mọi lời khuyên y tế mà Poldermans đưa ra. Năm 2014, một nghiên cứu phát hiện ra liệu trình thuốc chẹn beta cho bệnh nhân của Poldermans có thể làm tăng 27% khả năng tử vong trong vòng 30 ngày sau phẫu thuật.
Đó là một kết luận sét đánh, bởi kể từ khi các quy trình của Poldermans được áp dụng, các bác sĩ tại Mỹ và Châu Âu đã sử dụng thuốc chẹn beta trong hàng triệu ca phẫu thuật tim mạch như một tiêu chuẩn.
Và một nghiên cứu ước tính điều đó đã gây ra ít nhất 800.000 ca tử vong “oan” cho bệnh nhân.
800.000 người tử vong, tương ứng với số người sẽ tử vong sau khi bạn thả một quả bom nguyên tử xuống thành phố Manchester. Và nếu tất cả những nạn nhân đó được đặt cạnh nhau, họ sẽ tạo thành một hàng dài từ John O Groats, điểm địa đầu của nước Anh, cho đến điểm cuối cùng Land’s End.
Sẽ phải mất 2 tháng để bạn đi nhìn mặt từ nạn nhân đầu tiên cho đến nạn nhân cuối cùng. Nhưng với tất cả sự gian lận, phi liêm chính và thiệt hại khủng khiếp mà ông ấy đã gây ra, Poldermans chỉ bị sa thải khỏi bệnh viện mà không bị xử lý hình sự.
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao?
Hóa ra, gian lận học thuật và các hành vi sai trái trong cộng đồng khoa học không hiếm như chúng ta vẫn tưởng. Và hậu quả mà các nhà khoa học phải chịu sau khi hành vi gian lận của họ bị phanh phui thường không đáng kể.
Khi một nhà khoa học nào đó thực hiện một nghiên cứu gian lận, đăng được bài báo lên một tạp chí chuyên ngành, nếu các nhà khoa học khác nhận ra nghiên cứu đó có vấn đề và khiếu nại, thì quá trình rút bài báo đó cũng rất phức tạp và mất nhiều thời gian.
Đôi khi, các nhà khoa học cáo buộc hoặc thể hiện sự nghi ngờ về số liệu trong nghiên cứu của một đồng nghiệp sẽ bị chính đồng nghiệp của họ kiện ngược lại. Điều này khiến cho nhiều tiếng nói liêm chính trong cộng đồng khoa học trở nên im lặng.
Hậu quả là: Các nghiên cứu có chất lượng thấp, kết quả sai lệch vẫn còn trên các tạp chí học thuật, và chúng có thể gây hại cho các bác sĩ và bệnh nhân khi sử dụng kết quả để tham khảo và điều trị.
Đôi khi, chúng có thể gây ra những vụ chết người hàng loạt, như trong trường hợp bê bối Poldermans. Thế nhưng, tại sao việc gian lận học thuật chưa bị hình sự hóa?
Câu trả lời là: Trong nhiều trường hợp, chúng ta khó có thể phân biệt một hành vi sai trái trong nghiên cứu với sự bất cẩn của các nhà khoa học.
Nếu một nhà nghiên cứu không áp dụng được sự điều chỉnh thống kê thích hợp cho nhiều thử nghiệm giả thuyết, họ có thể sẽ nhận được một số kết quả không chính xác. Trong một số trường hợp, các nhà nghiên cứu được khuyến khích để bất cẩn theo những cách này bởi một nền văn hóa học thuật coi trọng kết quả và các phát kiến mới hơn phương pháp luận.
Hiểu một cách đơn giản là một nhà khoa học có thể công bố việc họ phát hiện ra một hiệu ứng mới, ngay cả khi đó không phải là một hiệu ứng có phương pháp luận vững chắc. Ngược lại, họ sẽ không muốn công bố nghiên cứu có cơ sở vững chắc, nhưng lại không tìm thấy hiệu ứng nào.
Suy cho cùng, nhiệm vụ của khoa học là tìm ra kiến thức mới. Một số nhà khoa học cho rằng văn hóa này là phù hợp và nếu hình sự hóa các “bất cẩn” trong lĩnh vực khoa học, đó sẽ là một ý tưởng tồi.
Bởi điều này sẽ ngay lập tức làm lạnh mọi lĩnh vực nghiên cứu. Khi các nhà khoa học sợ sai, các nghiên cứu mới sẽ không được công bố và việc thiếu kiến thức mới cũng có thể dẫn đến nhiều cái chết hơn – lẽ ra có thể được cứu nếu khoa học được tiến hành một cách tự do như hiện tại.
Hình sự hóa không phải giải pháp lý tưởng
Elisabeth Bik, một nhà nghiên cứu chuyên giám sát gian lận học thuật, người từng phát hiện ra một loạt các ảnh chụp xét nghiệm trên nhiều tạp chí y khoa đã bị “photoshop” cho biết:
“Thực trạng gian lận học thuật hiện nay thật là điên rồ. Ngay cả đó là các nghiên cứu được tài trợ từ Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, có rất ít sự trừng phạt dành cho chúng. Với những nhà khoa học bị phát hiện gian lận, hình phạt hiện đang rất nhẹ. Họ sẽ không thể nộp đơn xin tài trợ mới cho năm tiếp theo, hoặc đôi khi là ba năm. Nhưng rất hiếm khi nhà khoa học đó bị đuổi việc”.
Chỉ trong các trường hợp gian lận gây ra hậu quả nghiêm trọng như của Poldermans, ông ấy mới bị đuổi việc. Nhưng mọi thứ chỉ dừng lại ở đó. Hầu hết các bài báo của ông ấy trên tạp chí học thuật không bị rút lại, và ông không phải đối mặt với bất kỳ hậu quả nào nữa.
Câu hỏi tiếp tục là tại sao?
Về cơ bản, đó là vấn đề về động cơ. Các tổ chức sẽ thấy xấu hổ khi một trong những nhà nghiên cứu của họ có hành vi sai trái. Vì vậy, họ thà áp dụng hình phạt nhẹ và không tiếp tục đào sâu vào vụ việc. Có rất ít động lực để ai đó đào sâu tận gốc vào các hành vi sai trái của một nhà khoa học.
“Nếu hậu quả nghiêm trọng nhất đối với hành vi chạy quá tốc độ là cảnh sát nói ‘Đừng làm thế nữa’, thì mọi người sẽ chạy quá tốc độ”, Bik nói. “Đây là tình huống chúng ta gặp phải trong khoa học. Hãy làm bất cứ điều gì bạn muốn. Nếu bạn bị bắt, việc điều tra cũng sẽ mất nhiều năm”.
Trong tình huống này, hình sự hóa gian lận học thuật cũng không phải giải pháp lý tưởng. Tòa án và các thẩm phán đôi khi cũng không đủ trình độ để trả lời các câu hỏi khoa học chi tiết và ở biên giới hiểu biết của con người, nơi chỉ một số ít nhà khoa học đạt tới được.
Gần như chắc chắn, họ phải dựa vào các tổ chức khoa học tiến hành điều tra – vì vậy mấu chốt để giải quyết gian lận học thuật là ở các tổ chức khoa học, chứ không phải tòa án, tổ chức phi lợi nhuận hay những đơn vị tài trợ như Viện Y tế Quốc gia.
Vậy giải pháp có thể như thế nào?
Trong những trường hợp mà hành vi gian lận học thuật đủ nghiêm trọng, một số nhà nghiên cứu cho rằng cần có một hội đồng độc lập hoặc một tổ chức bên ngoài tham gia điều tra để làm sáng tỏ gốc rễ của chúng.
Sự việc không thể được xử lý nội bộ bởi nội bộ các nhà khoa học thường dẫn tới những hình phạt quá nhẹ như hiện nay.
Nếu được thiết kế tốt, một đạo luật cho phép truy tố gian lận khoa học có thể sẽ mang lại kết quả. Nếu có các cuộc điều tra đang diễn ra do một cơ quan bên ngoài tiến hành, các tổ chức sẽ không còn dễ dàng duy trì danh tiếng của mình bằng cách che giấu các vụ gian lận học thuật nữa.
Nhưng sự cần thiết của một cơ quan độc lập không có nghĩa là chúng ta nhất thiết cần đến công an, công tố viên hay tòa án tham gia vào điều tra hoạt động khoa học.
Bik cho biết một hội đồng đánh giá khoa học độc lập có lẽ cũng đủ và chỉ có một hội đồng khoa học mới đủ khả năng để kiểm điểm các nhà khoa học và giải quyết các bê bối liên quan đến khoa học.
Vấn đề là nó phải là hội đồng độc lập và có đủ uy tín để đưa ra các hình phạt thích đáng hơn với các nhà khoa học cố ý gian lận.
Nói tóm lại, hình sự hóa các hoạt động khoa học vẫn là một công cụ “cùn”. Nó có thể làm lạnh các nghiên cứu, hạn chế tự do học thuật và thậm chí bị lợi dụng khi các nhà khoa học muốn đấu tố cá nhân thay vì hợp tác để cùng mang tới kiến thức và đưa nhân loại phát triển.
Nguồn: Vox, Forbes
Nguồn tin: https://genk.vn/800000-nguoi-da-tu-vong-vi-mot-nha-khoa-hoc-bia-so-lieu-trong-nghien-cuu-20240906100802178.chn