Chiêu lừa quét camera nhận diện trên phần mềm dịch vụ công giả mạo
Một người dân hiện sống tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) vừa bị đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt 3 tỷ đồng, với kịch bản mạo danh cán bộ của phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm đề nghị tích hợp mã định danh từ xa. Sau khi tải, đăng nhập và quét camera nhận diện khuôn mặt trên phần mềm dịch vụ công giả mạo theo yêu cầu của đối tượng, người dân này đã mất quyền kiểm soát tài khoản chứng khoán, bị bán và chuyển hết tiền sang tài khoản khác.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng cán bộ cơ quan nhà nước để thông báo, yêu cầu bổ sung, cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại.
Đặc biệt, người dân không cài đặt phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng. “Bởi lẽ, nếu cài phải phần mềm giả mạo, người dùng sẽ có nguy cơ bị chiếm quyền điều khiển điện thoại, từ đó bị đánh cắp thông tin phục vụ mục đích phạm pháp, chiếm đoạt tài sản nạn nhân. Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân”, Cục An toàn thông tin lý giải.
Tội phạm ‘tín dụng đen’ hoành hành dịp cận Tết Nguyên đán
Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Công an Thành phố Đà Nẵng và một số địa phương vừa triệt phá đường dây cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản quy mô trên 9.000 tỷ đồng. Người vay tiền sống ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó đa phần là công nhân, người lao động, sinh viên cần tiền gấp, chấp nhận mức lãi cao. Đây là kết quả của cao điểm tấn công tội phạm ‘tín dụng đen’ và tấn công trấn áp tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự trước Tết Nguyên đán 2024.
Đối tượng cầm đầu có quốc tịch nước ngoài đã điều hành đường dây gần 200 đối tượng, mở 10 công ty khác nhau thuộc nhiều lĩnh vực, và lập 3 ứng dụng vay tiền “Ơi vay”, “Yoloan” và “Vdong” để tìm kiếm nạn nhân. Nhóm đối tượng đã cho hơn 1,3 triệu người vay với lãi suất từ 500 – 1.000%/năm. Khi người vay không trả lãi đúng hạn, không chỉ họ mà cả người thân, bạn bè có trong danh bạ cũng bị khủng bố tinh thần. Toàn bộ dòng tiền trong đường dây tội phạm được thực hiện qua dịch vụ thu hộ, chi hộ của một Cổng trung gian thanh toán tại Việt Nam.
Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin đề nghị người dân tìm đến các tổ chức cho vay uy tín như ngân hàng hoặc các công ty tài chính hợp pháp; tuyệt đối không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng trên các trang web hoặc ứng dụng không đáng tin cậy. Khi cài đặt ứng dụng, nhất là ứng dụng liên quan tài chính, người dân cần xem xét các quyền được yêu cầu và đọc kỹ các điều khoản, chính sách của ứng dụng.
Lừa đảo bằng tài khoản Facebook giả mạo Học viện Cảnh sát
Gần đây, trên Facebook xuất hiện tài khoản giả mạo Học viện Cảnh sát nhân dân – Cổng thông tin hỗ trợ giúp đỡ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng. Đánh vào tâm lý muốn lấy lại tiền đã mất của những người từng bị lừa đảo, các đối tượng xấu dùng hình ảnh của Học viện Cảnh sát nhân dân để gây dựng niềm tin.
Tại đây, các đối tượng hướng dẫn nạn nhân đóng phí để hỗ trợ hoặc làm nhiệm vụ nhằm rút tiền treo trên hệ thống. Khi có người chuyển tiền, đối tượng thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về.
Chiêu lừa trên đã được cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần. Theo Cục An toàn thông tin, điều quan trọng nhất là người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai dù với hình thức nào; việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại. Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, người dân không giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính.
Trường hợp phát hiện có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan Công an để giải quyết vụ việc theo quy định; không nên tìm đến các trang mạng xã hội giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa, tránh để bị mắc bẫy lừa đảo.
Hack tài khoản Facebook để chiếm đoạt hơn 8 tỷ đồng
Cuối tháng 1/2024, một nhóm 7 đối tượng chuyên hack tài khoản mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dùng đã bị Công an Quảng Bình bắt giữ. Bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2023, nhóm này lên mạng, tìm hiểu cách chiếm đoạt trái phép tài khoản Facebook của nhiều người trên phạm vi toàn quốc. Sau đó, đổi mật khẩu, xâm nhập, sử dụng tài khoản Facebook chiếm được để nhắn tin hỏi mượn, chiếm đoạt tiền.
Để chuẩn bị cho hành vi phạm tội, các đối tượng tạo lập khoảng 20 tài khoản ngân hàng khác nhau, đồng thời mua thêm nhiều bộ tài khoản ngân hàng “rác” từ các đối tượng trên mạng nhằm che giấu việc nhận tiền lừa đảo từ các bị hại. Ước tính tổng giao dịch trong các tài khoản ngân hàng mà nhóm đối tượng sử dụng là khoảng 8 tỷ đồng.
Cục An toàn thông tin khuyến nghị, nhằm giảm khả năng bị lừa đảo theo hình thức trên, người dân hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Đồng thời, không chia sẻ thông tin đăng nhập của tài khoản Facebook với bất kỳ ai hoặc bất kỳ dịch vụ nào; cảnh giác với các tin nhắn hoặc email lạ; không truy cập vào địa chỉ đường dẫn, đường liên kết lạ để tránh bị cài cắm mã độc và lộ lọt thông tin.
Khi cần truy cập vào các trang web, người dùng phải kiểm tra kỹ đường dẫn. Cùng với đó, người dùng cũng cần sử dụng mật khẩu mạnh, thường xuyên thay đổi mật khẩu, không dùng mật khẩu giống nhau cho nhiều tài khoản; kích hoạt xác minh 2 yếu tố để tăng tính bảo mật và giảm khả năng bị lừa đảo.
Chiếm đoạt hàng tỷ đồng với chiêu lừa đổi tiền ngoại tệ
Mới đây, đối tượng P.C.L trú tại quận Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng) đã bị tạm giữ hình sự để điều tra làm rõ hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự đã phát hiện tài khoản Facebook tên “Quốc Khang” và “Audrey Trương” có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn đổi tiền ngoại tệ cho khách du lịch là người nước ngoài.
Để thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng P.C.L đã lên mạng xã hội tìm mua tài khoản Telegram tên “Khanh” và dùng tài khoản này vào các hội nhóm đổi tiền ngoại tệ sang tiền đồng để tìm nạn nhân. Sau khi thống nhất số tiền quy đổi với người nước ngoài có nhu cầu, P.C.L dùng các tài khoản Facebook “Audrey Trương” và “Quốc Khang” đăng vào các hội nhóm “Shipper Đà Nẵng” và các địa phương khác để shipper (nhân viên giao hàng) giao dịch với du khách.
Mức phí đối tượng hứa trả cho shipper mỗi lần giao dịch từ 80.000 – 300.000 đồng, với điều kiện số tiền để đổi ngoại tệ cho du khách là của các shipper ứng trước. Khi shipper cầm tiền Việt đến giao cho du khách, đối tượng P.C.L yêu cầu du khách chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng. Sau khi thực hiện thành công giao dịch, đối tượng cắt liên lạc và không chuyển tiền lại cho shipper.
Lưu ý về hình thức lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân khi có nhu cầu đổi tiền thì cần tìm đến các ngân hàng, công ty tài chính uy tín, tuyệt đối không đổi tiền qua trung gian để tránh bị lừa đảo.
Nguồn tin: https://genk.vn/5-thong-tin-noi-bat-ve-lua-dao-truc-tuyen-tren-khong-gian-mang-viet-nam-tuan-qua-20240205131940666.chn