Ung thư dạ dày (K dạ dày) là một trong những căn bệnh phổ biến nhất, tỉ lệ bệnh nhân tử vong sớm cũng rất cao. Theo bác sĩ Bạch (một chuyên gia trong lĩnh vực Y học cổ truyền Trung Quốc) trả lời trên tờ Toutiao: Có đến 90% bệnh nhân mắc ung thư dạ dày phát hiện bệnh ở giai đoạn giữa và cuối, lý do là bởi dấu hiệu của bệnh thường mông lung, dễ nhầm lẫn. Điều này khiến việc điều trị trở nên khó khăn và làm tăng nguy cơ tử vong.
Nhiều người không thể ngờ rằng, những thay đổi nhỏ sau bữa ăn có thể là dấu hiệu sớm của bệnh K dạ dày, và nếu bị bỏ qua chúng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Dưới đây là bốn triệu chứng sau bữa ăn có thể cảnh báo về ung thư dạ dày mà tất cả mọi người đều không nên coi thường.
4 triệu chứng sau bữa ăn là “điềm báo” bệnh K dạ dày
1. Chướng bụng sau bữa ăn
Chướng bụng có thể là biểu hiện của khó tiêu thông thường, nhưng nếu triệu chứng này kéo dài, gây khó chịu hoặc kèm theo buồn nôn và nôn mửa, nó có thể liên quan đến sự hiện diện của khối u trong dạ dày.
Theo một nghiên cứu đăng trên Journal of Clinical Oncology, chướng bụng kéo dài và không giảm sau bữa ăn có thể là dấu hiệu sớm của ung thư dạ dày. Sự hiện diện của khối u trong dạ dày có thể gây cản trở chức năng tiêu hóa, dẫn đến cảm giác chướng bụng dai dẳng.
2. Ợ hơi sau khi ăn
Một nghiên cứu trong American Journal of Gastroenterology cho thấy rằng ợ hơi thường xuyên, đặc biệt là khi kèm theo các triệu chứng như chán ăn và giảm cân, có thể là dấu hiệu của ung thư dạ dày. Khối u có thể gây cản trở chức năng tiêu hóa và làm tăng tần suất ợ hơi.
3. Chán ăn
Chán ăn và cảm giác no nhanh khi ăn có thể là một trong những dấu hiệu của ung thư dạ dày. Khi khối u phát triển, nó có thể ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa và làm giảm cảm giác thèm ăn. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy chán ăn hoặc cảm giác no bất thường, bạn nên thăm khám sớm để xác định nguyên nhân.
4. Đau sau bữa ăn
Nghiên cứu đăng trên World Journal of Gastroenterology cho thấy rằng đau bụng sau khi ăn, đặc biệt là đau dai dẳng và không giảm, có thể là dấu hiệu của ung thư dạ dày.
Khối u có thể gây ra sự chèn ép hoặc ăn mòn dạ dày, dẫn đến đau đớn sau bữa ăn. Nếu cơn đau kèm theo các triệu chứng như tiêu phân đen hoặc khó tiêu, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.
Những thói quen giúp phòng bệnh ung thư dạ dày
1. Chế độ ăn giàu chất xơ
Chế độ ăn giàu chất xơ, vitamin, chất chống oxy hóa từ rau xanh và trái cây giúp giảm nguy cơ ung thư dạ dày.
Các loại rau họ cải như bông cải xanh, bắp cải và cải bó xôi có thể giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày.
2. Giảm tiêu thụ thực phẩm chế biến và nhiều muối
Các thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhiều muối (như dưa muối, đồ hộp, thịt xông khói) có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc tiêu thụ muối nhiều làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
3. Rửa sạch thực phẩm
Đảm bảo vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là rau quả, giúp ngăn ngừa nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) – một trong những yếu tố chính gây ra viêm loét dạ dày và ung thư dạ dày.
4. Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Những người có tiền sử gia đình bị ung thư hoặc bị nhiễm H. pylori thì việc tầm soát định kỳ rất quan trọng. Phát hiện sớm các biến đổi bất thường trong dạ dày giúp tăng khả năng điều trị hiệu quả.
5. Kiểm soát stress
Căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tiêu hóa, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về dạ dày. Các hoạt động như thiền, yoga, hoặc tập thể dục nhẹ nhàng có thể giúp giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Nguồn tin: https://genk.vn/90-ca-ung-thu-da-day-duoc-phat-hien-o-giai-doan-cuoi-4-trieu-chung-sau-bua-an-la-diem-bao-dung-coi-thuong-du-chi-la-van-de-nho-20240917182100936.chn