Một khối không khí lạnh ảnh hưởng tới nước ta trong những ngày gần đây đã khiến mưa xuất hiện tại nhiều tỉnh thành. Bầu trời đầy mây, giấu trên đó là hàng triệu khối nước được gói ghém một cách vụng về, bất cứ khi nào cũng trực trào đổ xuống.
Mưa lạnh trong một ngày nghỉ, được ở nhà và ngủ đến 10 giờ trưa là món quà của thần Cupid. Nhưng vẫn là cơn mưa ấy, rơi xuống trong buổi sáng đầu tuần lại trở thành trò đùa tinh quái của tạo hóa – nhất là với những ai phải ra đường đi làm bằng xe máy.
Đã bao giờ bạn gặp cảnh vừa mặc áo mưa xong thì trời tạnh, nhưng hễ cứ cởi ra thì trời lại mưa chưa? Phía trên những đám mây, thần Hyades đang che miệng, cười tủm tỉm và nhìn bạn như một thằng ngốc.
Những thị dân văn phòng ngoan cố đến công sở với khuôn mặt ướt nhẹp. Quần áo buổi sáng là phẳng phiu bao nhiêu thì giờ trông giống chiếc chổi lau nhà bấy nhiêu. Nhưng tệ nhất vẫn là giày và tất. Chỉ dính một trận mưa rào 5 phút hoặc lỡ chống chân xuống vũng nước thôi là đủ biến chúng thành cái bể nuôi cá.
Tin tốt là bạn sẽ không phải cố gắng hong khô giày khi đến văn phòng. Bởi tin xấu là mưa sẽ không tạnh cho tới tận giờ tan sở. Để về được tới nhà, bạn sẽ phải xỏ lại đôi giày ẩm, mặc lại áo mưa ướt và lao vào biển người trên đường vành đai.
Nếu có một cuộc bình chọn cho khoảnh khắc nghi ngờ nhân sinh nhất của năm thì chính là khoảnh khắc này, khi bạn đứng chôn chân dưới trời mưa và thấy đường về nhà chưa bao giờ khổ và xa đến thế.
Giống như cô bé bán diêm đốt lên ngọn lửa giữa trời đông lạnh giá, bạn ước những hạt mưa kia chỉ đang là những giọt nước chảy ra từ vòi sen nhà mình. Tưởng tượng có thể biến cái lạnh thành cảm giác thư thái, biến những hạt mưa bỏng rát thành tia nước tinh nghịch nhưng ấm áp trong phòng tắm.
Được tắm dưới vòi sen chính thức trở thành động lực để bạn xông lên vỉa hè, giành giật từng centimet đường về nhà. Và đó cũng là bài học mà bạn đã học được từ tấm bé, từ bố mẹ và từ quảng cáo Tiffy vỉ màu xanh lá cây:
Bạn biết, phàm là loài người thì phải tắm nước ấm rồi lau khô mình khi đi mưa về, bởi dính nước mưa lạnh có thể khiến bạn bị ốm.
Đông Y quan niệm nước mưa mang tính hàn nên có thể làm giảm tuần hoàn máu, mất cân bằng khí huyết và dẫn tới cảm lạnh. Khi khí lạnh xâm nhập qua da vào người, nó có thể gây ra triệu chứng ho, sốt và sổ mũi.
Thế nhưng, các nhà khoa học Phương Tây khẳng định nước mưa là vô hại, bạn không thể bị ốm chỉ đơn giản bằng việc tưới nước lên cơ thể mình. Nếu vậy, ngay cả việc tắm dưới vòi sen cũng có thể khiến bạn bị ốm.
Rốt cuộc thì, ai mới là người đúng? Tắm vòi hoa sen, ngay cả khi nước lạnh, có thể khiến bạn bị cảm lạnh hay không? Có gì khác nhau giữa những cơn mưa ngoài tự nhiên và những cơn mưa nhân tạo trong phòng tắm?
Bất kể bạn có đang bực tức vì phải phơi mình dưới trời mưa trên một con đường tắc, loài người – về cơ bản – thích mưa. Chúng ta xây lên những ngôi nhà để tránh mưa, nhưng luôn muốn giữ lại những cơn mưa trong một phần của ngôi nhà ấy, nơi mà chúng ta gọi là phòng tắm.
Một người ngoài hành tinh đi lạc vào bất kỳ phòng tắm tiêu chuẩn nào của con người ngày nay đều sẽ tìm thấy một thiết bị bằng inox, thuôn dài ở một đầu, đầu còn lại bè ra và găm trên đó hàng chục lỗ thủng.
Khi tò mò gạt xúc tu của mình vào chiếc cần gạt kỳ dị trên tường, sinh vật này sẽ giật bắn mình vì nước lạnh bất ngờ từ đâu chảy xuống, xối thẳng vào cái đầu trọc lốc của nó.
Đúng vậy, thứ mà chúng ta đang nói đến chính là chiếc vòi sen, một phát minh phản ánh khao khát có từ thời cổ đại của loài người – tái tạo lại hiệu ứng của những cơn mưa rào.
Những cơn mưa rào xối nước giúp gột rửa cơ thể, cuốn trôi bụi bặm và mang lại cảm giác thích thú trên da thịt. Chẳng vậy mà tầng lớp thượng lưu ở Ai Cập cổ đại đã muốn sở hữu chúng.
Những pharaoh, nữ hoàng và chủ đất thường xây dựng bên trong cung điện của mình một phòng tắm riêng biệt. Đó là một căn phòng nhỏ bằng đá, có hốc thoát nước dưới sàn và một phiến đá vôi hình vuông nhô cao lên.
Nhiều cuộc khai quật ở thành phố Thebes, El Lahun và Amarna cổ đại đã tìm thấy tàn tích của những căn phòng tắm này với niên đại từ 1.500-2.000 năm trước Công Nguyên. Cùng lúc đó, tranh vẽ trên tường kim tự tháp đã tiết lộ cách mà chủ nhân của chúng tắm rửa.
Các nhà khảo cổ cho biết phiến đá vôi chính là nơi mà những quý tộc Ai Cập cổ đại ngồi xuống. Sau đó, một hoặc nhiều người hầu được cắt cử thay phiên nhau bê những bình nước để rưới lên cơ thể chủ nhân. Sẽ có những người hầu khác làm nhiệm vụ kỳ cọ, chuẩn bị quần áo và giúp những việc vặt.
Sống trên sa mạc nóng bức, người Ai Cập thường tắm nước lạnh và có khi tắm tới 4 lần một ngày. Đối với họ, dòng nước chảy ra từ những chiếc bình không chỉ đem đến cảm giác thư thái, mà còn có tác dụng thanh tẩy và chữa bệnh.
Tắm cũng được coi là một bước không thể thiếu trước mỗi nghi lễ tâm linh. Người Ai Cập tin rằng chỉ khi cơ thể họ sạch sẽ, họ mới có thể tiếp cận được những vị thần.
Trong khi phòng tắm của người Ai Cập chứa đầy người với những chiếc vòi sen vận hành bằng bánh mì, đến khoảng năm 500 trước Công Nguyên, người Hy Lạp đã có một cải tiến đáng kể để biến phòng tắm trở lại thành một không gian cá nhân, bảo vệ tính riêng tư nhưng vẫn cho trải nghiệm sang trọng.
Để loại bỏ sự có mặt của những người hầu cận khỏi phòng tắm, các kỹ sư Hy Lạp cổ đại đã xây dựng những bể nước rỗng trên cao, với hệ thống dẫn nước xuống một chiếc vòi được lắp đặt trên tường buồng tắm.
Những chiếc vòi này thường được chế tác bằng đồng, tạo hình đầu thú để nước có thể chảy ra từ miệng của chúng, những con voi, sư tử hoặc đầu báo.
Mỗi khi những quý tộc Hy Lạp tắm, một lần nữa, những nô lệ của họ lại được giao nhiệm vụ đi lấy nước. Thế nhưng, nước được đổ gián tiếp vào chiếc bể, nằm bên ngoài phòng tắm giúp chủ nhân của họ có thể tận hưởng cơn mưa nhân tạo phía bên trong một cách kín đáo.
Những cơn mưa rào nhân tạo ở Hy Lạp vẫn sử dụng nước lạnh, vì theo như Plato viết, thời Hy Lạp cổ đại chỉ có người già mới tắm nước nóng. Những người bình thường bị coi là yếu đuối nếu họ tắm nước ấm.
Tắm dưới vòi nước lạnh thậm chí còn được binh lính Sparta coi như một liều thuốc để rèn luyện cơ thể khỏe mạnh, củng cố sự tỉnh táo và sẵn sàng trước mỗi trận chiến.
Vậy là trong suốt hàng ngàn năm, con người đã thích thú với dòng nước lạnh chảy ra từ những chiếc vòi sen này. Thật khó để đổ tội cho nước và cái lạnh có thể khiến loài người bị ốm.Điều đó tiếp tục được chứng minh trong tất cả các nền văn minh cổ đại.
Chẳng hạn như người Trung Quốc từ xưa đã tắm bên dưới dòng nước lạnh chảy ra từ ống tre. Những chiếc ống tre nối từ một bể nước trên cao, hoặc được dẫn trực tiếp về nhà từ một con suối với hệ thống bánh xe nước.
Khoảng những năm đầu Công Nguyên, người La Mã nổi tiếng với những bồn tắm nước nóng trong nhà, nơi họ ổ chức những buổi tắm tập thể, ngâm mình và trò chuyện như một hoạt động văn hóa xã hội.
Thế nhưng bên ngoài phòng tắm đó, họ vẫn tiếp tục duy trì những vòi tắm sen kiểu Hy Lạp, và những chiếc vòi này chỉ sử dụng nước lạnh.
Đến tận năm 1767, khi chiếc bằng sáng chế của chiếc vòi sen hiện đại đầu tiên được cấp cho William Feetham, một nhà sản xuất thiết bị nhà bếp người Anh, nó vẫn chỉ là một hệ thống vòi sen sử dụng nước lạnh.
Và nếu bạn tin rằng mình bị ốm khi tắm mưa là do nước mưa nhiễm bẩn, hãy nhìn vào thiết kế này của Feetham.
Đó là một hệ thống bồn tắm đứng, với một chiếc chậu chứa nước đặt ở độ cao 3 mét. Sau khi người tắm giật chiếc dây ở phía trên đầu mình, nước từ chậu sẽ chảy xuống, trôi trên làn da họ, gột rửa bụi bẩn và rồi đọng lại ở bồn hứng phía bên dưới.
Nước lúc này đã bẩn, nhưng Feetham vẫn thiết kế một hệ thống bơm áp suất thủ công, cho phép đưa nước trở lại chiếc chậu phía trên cao, để bắt đầu một vòng tuần hoàn mới. Kết quả là, những người sử dụng vòi sen ở thế kỷ 18 đang tắm đi tắm lại một dòng nước chứa đầy bụi bẩn, vi khuẩn và virus bám đọng trên cơ thể họ.
Đến đây, bạn có thể tự hỏi: Tại sao Feetham lại thiết kế ra một hệ thống vòi sen sử dụng nước tái chế?
Câu trả lời rất đơn giản: Vào thế kỷ 18, nước sạch để tắm vẫn là một xa xỉ phẩm. Những ngôi nhà điển hình của thị dân Châu Âu khi đó vẫn thắp đèn dầu, nấu ăn bằng củi và không có hệ thống ống nước.
Nếu bạn bắt một quý tộc Châu Âu trong thập niên 1760 xuyên không tới hiện tại và chỉ cho anh ta chiếc vòi nước trong nhà vệ sinh của mình, anh ta sẵn sàng cho bạn cả một lâu đài để có được nó – những chiếc vòi nhô ra khỏi hệ thống đường ống âm tường, lúc nào cũng có áp suất dương đẩy một dòng nước sạch chảy ra vô tận.
Quay trở lại thế kỷ 18, để có được nước tắm, những thị dân Châu Âu sẽ phải tới một chiếc giếng, loại giếng đào công cộng cách xa nhà họ. Nước là miễn phí, nhưng việc gánh nước về nhà đòi hỏi họ phải mất công sức hoặc trả tiền cho những người chuyên làm nghề gánh nước hoặc bán nước bằng xe ngựa.
Chỉ những gia đình quý tộc mới tắm nước nóng, bởi một lần nữa, việc đun nước nóng để tắm rất lãng phí củi. Đổ đầy một bồn tắm trong những ngôi nhà sang trọng ngày đó phải mất từ 6-8 xô nước.
Đa số người dân không đủ tiền để chi trả cho việc tắm trong bồn. Họ đơn giản là tắm nước lạnh, sử dụng 1-2 xô mỗi lần tắm và chỉ tắm một lần mỗi tuần, thậm chí mỗi tháng.
Bởi vậy, khi Feetham tạo ra chiếc vòi sen đầu tiên, ông biết rằng cái giá phải trả cho việc tận hưởng dòng nước bất tận từ những cơn mưa rào nhân tạo là bạn phải tắm đi tắm lại một dòng nước tái chế liên tục.
Đối với những người sống ở thế kỷ 21, nhất là những kẻ có thói quen đi tiểu ra sàn phòng tắm ở bể bơi, điều đó nghe thật kinh dị. Nhưng hãy nhớ rằng đó là thế kỷ 18, và ở thời đại của Feetham thì tắm bẩn không phải là vấn đề gì đó quá lớn.
Khi người ta chưa biết đến sự tồn tại của những mầm bệnh như vi khuẩn, ngay cả các bác sĩ trong bệnh viện còn không rửa tay trước mỗi ca phẫu thuật, thì việc tắm đi tắm lại một chậu nước cũ, lạnh và bẩn không phải là điều quá đáng để bận tâm.
Với việc bắt được những cơn mưa rào, thu nhỏ chúng và nhốt vào một góc nhà, hệ thống bồn tắm đứng của Feetham đã chinh phục được người dân Châu Âu, ít nhất là giới quý tộc có tiền để mua chúng.
Trong khoảng hơn 100 năm tiếp theo, nhu cầu tận hưởng những cơn mưa rào nhân tạo ngày càng bùng nổ. Nó đã giúp vòi sen của Feetham liên tục được cải tiến để trở nên hiện đại, thuận tiện và thanh lịch hơn.
Chẳng hạn như bằng cách mở rộng kích thước bồn chứa, bạn có thể tạo ra dòng nước sạch, dùng một lần mà không cần bơm lại để tái chế. Nước nóng cũng có thể được thêm vào bồn, bằng việc đun thủ công hoặc bằng máy đun nước nóng đầu tiên được phát minh vào năm 1868, bởi một họa sĩ người Anh có tên là Benjamin Waddy Maughan.
Mặc dù những chiếc bình nước nóng thế hệ đầu này tiềm ẩn nguy cơ phát nổ cao vì sử dụng khí gas, nó không ngăn cản giới quý tộc Anh tận hưởng những cơn mưa nhân tạo từ vòi sen của Feetham. Ngay cả khi không có nước nóng, họ vẫn sẵn sàng tắm vòi sen với nước lạnh.
“Tôi chẳng cần một cơn mưa rào phải ấm áp. Điều tôi muốn chỉ là một vòi sen nước lạnh nhưng chất lượng, nó phải luôn được nạp đầy nước để mỗi khi tôi kéo dây, nước sẽ chảy ra bất tận”, Charles Dickens, triệu phú, thiên tài, nhà văn vĩ đại nhất thế kỷ 19 đã nói khi ông mua một căn biệt thự 18 phòng ở tây London năm 1851.
Điều đầu tiên Dickens làm sau khi mua lại căn biệt thự này là cải tạo lại phòng tắm và thêm vào đó một hệ thống vòi sen kiểu Feetham. Ông thậm chí còn vẽ một sơ đồ thiết kế riêng cho hệ thống vòi sen của mình, chú thích từng chi tiết như cửa gỗ, vách gỗ và rèm chống nước.
Thế nhưng, cũng giống như nhiều quý tộc Châu Âu ở đầu thế kỷ 19, Dickens dường như chỉ sử dụng vòi sen để phô trương sự sang trọng hơn là làm sạch cơ thể.
Tầng lớp trung lưu và lao động bình dân thì không có nhu cầu đó. Họ vẫn tắm bằng một chậu nước, gần như chỉ đủ để giặt khăn mặt, lau qua một lượt người rồi dùng số nước còn lại để dội tráng.
Phải đợi tới gần một thế kỷ nữa, những chiếc vòi sen mới thực sự làm nên cuộc cách mạng và trở thành thiết bị tắm phổ biến trong xã hội loài người.
Nhưng có một điều đặc biệt cần phải nói, đó là các phát minh trong thời kỳ cách mạng công nghiệp thông thường sẽ đi theo hướng “top down“ – nghĩa là ban đầu chúng rất đắt, chỉ có giới quý tộc mới đủ tiền sử dụng, rồi giá thành rẻ dần khiến tầng lớp trung lưu bắt đầu tiếp cận được. Cuối cùng, sản xuất hàng loạt mới khiến một công nghệ rẻ đến mức bình dân, để ngay cả những người lao động phổ thông cũng có thể trang bị chúng.
Câu chuyện với chiếc vòi sen, kỳ lạ thay, không đi theo hướng phát triển thông thường ấy. Cuộc cách mạng đưa vòi sen đến từng ngôi nhà của loài người đã đi theo hướng “bottom up“, trong một quỹ đạo gọng kìm.
Sau tầng lớp quý tộc, những người tiếp theo được tận hưởng cơn mưa nhân tạo từ vòi sen lại chính là những tù nhân – những người nằm dưới đáy xã hội, bị tước mất quyền tự do nhưng lại được ban phát cho quyền tắm như một quý tộc.
Bước ngoặt của câu chuyện xảy ra vào năm 1872 tại một nhà tù ở thành phố Rouven nằm bên sông Seine, miền bắc nước Pháp.
Những năm cuối thế kỷ 19, nhà tù Rouven là nơi giam giữ khoảng 900 tù nhân. Họ đồng thời điều hành một xưởng sản xuất cúc áo, và lực lượng công nhân chính cho nhà xưởng đó – không ai khác – chính là những tù nhân đang phải lao động để cải tạo.
Cúc áo của giới quý tộc và cả bình dân tại Pháp ngày đó được làm từ sừng bò. Vì vậy, cứ mỗi sáng sớm, tù nhân ở Rouven sẽ phải thức dậy để bốc dỡ nguyên liệu – những chiếc xe chở đầy sừng tới từ lò mổ, vẫn còn bầy nhầy máu và thịt.
Công việc tiếp theo là phải rửa sạch chúng, cưa những chiếc sừng thành tấm nhỏ và khoan lỗ để tạo hình thành nút áo. Không khó để tưởng tượng, cả ngày làm việc của những tù nhân này trát lên người họ cơ số là bụi sừng,quện với mồ hôi và cáu bẩn.
Đến cuối ngày, các tù nhân được cho đi tắm rửa. Nhưng nhà tù ban đầu chỉ có một phòng tắm nhỏ với bể nước phục vụ khoảng 20-30 tù nhân cùng lúc. Họ phải tắm đi tắm lại trong bể nước bẩn, làm tăng khả năng lây lan dịch bệnh, cuối dùng sẽ khiến năng suất của xưởng cúc áo giảm sút.
François Merry Delabost, vị bác sĩ phụ trách nhà tù là người đầu tiên nhận ra vấn đề này. Để cải thiện điều kiện vệ sinh cho các tù nhân, ông đã nghĩ ra một ý tưởng được cho là bước đột phá.
Delabost lấy nguyên mẫu phòng tắm đứng của những quý tộc Châu Âu rồi đơn giản nó đến hết mức có thể. Suy cho cùng, các tù nhân đâu cần một phòng tắm sang trọng, có rèm che hay vách gỗ. Họ chỉ cần một dòng nước nhỏ để cuốn sạch bụi sừng, mồ hôi và cáu ghét trên cơ thể.
Thế là Delabost đã tạo ra những chiếc vòi sen đơn giản – chính là loại vòi sen hiện đại như bạn thấy trong phòng tắm nhà mình ngày nay – rồi gắn 8 chiếc vào mỗi bể nước ở nhà tù Rouven.
Bằng cách này, 8 tù nhân có thể tắm cùng lúc và làm sạch toàn bộ cơ thể trong vòng 5 phút. Chỉ tốn khoảng 20 lít nước cho một lần như vậy và các tù nhân đều được tắm nước sạch – bên dưới những cơn mưa nhân tạo vốn chỉ là đặc quyền tận hưởng của giới quý tộc.
Vậy là trong khi Feetham nắm giữ bằng sáng chế cho chiếc vòi sen đầu tiên, một hệ thống tắm cồng kềnh, quý tộc và sang trọng, Delabost mới nên là người được vinh danh cho cha đẻ của chiếc vòi sen trong phòng tắm nhà bạn, một chiếc vòi sen đơn giản, bình dân mà hiệu quả.
Nhờ thiết kế của Delabost, vòi sen mới được nhân bản và sao chép trên khắp Châu Âu. Ban đầu là quân đội Pháp đã sử dụng chúng để phục vụ binh lính, sau đó đến quân đội Phổ, rồi đến các nhà tắm công cộng cho người dân ở Áo.
Sự phát triển của hệ thống nước sạch, các đường ống âm tường và bơm áp suất trong thế kỷ 20 càng củng cố quá trình phổ biến của vòi sen. Đây cũng là khoảng thời gian xuất hiện của những chiếc bình nước nóng dân dụng an toàn, thứ biến những cơn mưa từ vòi sen trở thành cơn mưa nước ấm.
Cụ thể vào năm 1890, Edwin Ruud, nhà sáng chế người Mỹ gốc Na Uy đã tạo ra những chiếc van gas có kiểm soát để thêm vào bình nước nóng của Maughan. Những chiếc van này có thể điều tiết ngọn lửa, nhiệt độ của nước, đồng thời đóng ngắt dòng khí khi cần thiết.
Nhờ vậy mà lần đầu tiên, loài người có thể đấu nối trực tiếp bình nước nóng vào với vòi sen để tận hưởng một cơn mưa nhân tạo ấm áp bên trong căn hộ bình dân của mình – mà không sợ một ngày, họ bất ngờ bị thổi bay ra khỏi phòng tắm chỉ vì chiếc bình nước nóng phát nổ.
Phát minh của Edwin Ruud về cơ bản đã hoàn thiện cuộc cách mạng vòi sen. Không một ai là không bị chinh phục bởi ý tưởng họ có thể tắm dưới một cơn mưa nhân tạo, bằng nước ấm, với các thiết bị có giá cả phải chăng mà còn tiết kiệm được nước.
Chẳng vậy mà tới thế kỷ 21, những chiếc vòi sen đã hoàn thành việc xâm chiếm thế giới. Hiếm thấy căn nhà nào trên Trái Đất hiện tại không có vòi sen. Ví dụ như ở Mỹ, thống kê của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) cho thấy cả nước có 144 triệu căn nhà thì tới 220 triệu vòi sen. Trung bình, cứ hai căn nhà có 3 chiếc vòi sen được lắp đặt
Thứ duy nhất ngăn cản loài người tận hưởng những cơn mưa nhân tạo lúc này chỉ là một lo lắng rằng liệu chúng có giống với những cơn mưa ngoài tự nhiên, thứ mà nếu bạn tắm đủ lâu, thì nước và cái lạnh ngấm vào người có thể khiến bạn bị ốm?
Để trả lời câu hỏi, chúng ta hãy quay trở lại con đường vành đai, nơi thị dân văn phòng của chúng ta vẫn đang mắc kẹt dưới trời mưa tầm tã. Cơ thể anh đang bị xâm chiếm bởi cái lạnh, nước thì đang chảy từ gọng kính xuống khẩu trang, từ khẩu trang thấm vào cổ áo.
Nếu Hippocrates (460TCN-370TCN) sống lại và nhìn thấy cảnh tượng này, ông chắc chắn sẽ cảnh báo thị dân của chúng ta rằng anh sắp bị cảm lạnh. Quan sát của vị bác sĩ người Hy Lạp cổ đại, người được mệnh danh là cha đẻ của Tây Y, dựa trên một lý thuyết được gọi là “Miasma theory” hay “Thuyết chướng khí”.
Thuyết chướng khí nói rằng tất cả mọi bệnh tật của con người đều có nguồn gốc từ các yếu tố môi trường nhưkhông khí, nước, sương mù… bất thứ cứ gì bất thường bên ngoài đều có thể khiến chúng ta bị ốm.
Theo Hippocrates những cơn mưa đem đến nước, cái lạnh và hơi ẩm có thể tấn công vào phổi của con người, làm tăng tiết dịch đờm, khiến họ bị sốt và sổ mũi.
Chia sẻ tầm nhìn chung với Hippocrates là Trương Trọng Cảnh (150-219), một trong những người đặt nền móng cho Đông Y sống ở thời Đông Hán, Trung Quốc cũng nghĩ rằng mưa có thể khiến loài người bị ốm.
Trong cuốn “Thương hàn luận”, nghĩa là những bệnh do cái lạnh gây ra, Trọng Cảnh cho rằng nước và cái lạnh mang tính âm. Khi yếu tố âm xâm nhập cơ thể, nó sẽ làm mất đi trạng thái cân bằng âm-dương vốn có của “khí” (Qi) trong người bạn. Hậu quả là bạn có thể bị sốt, ớn lạnh và đau đầu.
Lý thuyết của Hippocrates và Trọng Cảnh dựa trên những quan sát cho thấy bệnh tật đã gia tăng trong mùa mưa và mùa lạnh. Và đúng là sau những cơn mưa lạnh, có nhiều người thường bị cảm thật. Nếu bản thân bạn cũng đã từng trải nghiệm điều đó, bị ốm sau một ngày dính phải nước mưa, thì kinh nghiệm cá nhân này càng củng cố niềm tin của bạn rằng chính những cơn mưa là thủ phạm.
Thế nhưng theo tiêu chuẩn của khoa học hiện đại, việc kết luận những cơn mưa khiến con người bị ốm là quá vội vàng, tạo ra niềm tin sai lệch và thậm chí không thể chấp nhận được. Cả bạn, Hippocrates và Trương Trọng Cảnh đang mắc vào một sai lầm cơ bản trong thống kê học.
Vậy sai lầm đó là gì? Tại sao nó có thể đánh lừa được cả những nhà y học kiệt xuất thời cổ đại? Cuối cùng thì tắm mưa và tắm vòi sen khác gì nhau? Liệu bạn có thể bị ốm trong trường hợp nào?
Tất cả câu trả lời sẽ có trong kỳ 2 của bài viết: “Nếu nước mưa làm bạn ốm, thì kem là kẻ sát nhân còn phô mai sẽ khiến bạn ngạt thở trong giấc ngủ“.
Nguồn tin: https://genk.vn/4000-nam-lich-su-cua-voi-sen-nhung-con-mua-nhan-tao-trong-ngoi-nha-cua-loai-nguoi-va-lieu-tam-lau-co-khien-ban-bi-om-20240205155758327.chn