Có một nghịch lý trong đời sống hiện đại ngày nay: Khi xây dựng lên những ngôi nhà, chúng ta đều sẵn sàng bỏ ngân sách cả trăm triệu cho gạch men hoặc sàn gỗ, những loại vật liệu hứa hẹn giúp không gian sống bên trong nhà của chúng ta trở nên sạch sẽ và sang trọng.
Nhưng rồi, cũng lại chính chúng ta, những người sẽ thức tới 0h đêm để săn sale, hoặc tiện thể ghé qua tiệm tạp hóa ngoài chợ để mua dép nhựa: “Cho chị 5 đôi dép nhựa, loại dép nhựa để đi trong nhà”.
Không biết từ khi nào, nhiều người lại muốn tự ngăn cách đôi chân của mình với gạch men và sàn gỗ. Những đôi dép nhựa tuềnh toàng, vốn chỉ được sử dụng trong nhà vệ sinh, bây giờ đã xâm chiếm từ phòng khách cho tới phòng ngủ, sẵn sàng trong những cuộc đón tiếp khách quý ở hiên cửa.
Khi bạn đến thăm nhà của một ai đó, việc người chủ mời bạn đi dép đi trong nhà đã trở thành phép lịch sự tối thiểu. Quay trở lại 2 thập niên trước, rõ ràng chúng ta không hề có văn hóa đó. Việc đi dép vào trong nhà – thậm chí – còn bị coi là rất mất lịch sự:
Bạn có thể điền vào dấu … của đoạn hội thoại này không? Bản “parody” của bộ phim Hero này được phát sóng vào dịp sinh nhật 4 tuổi của “Gặp nhau cuối tuần” – năm 2004, nghĩa là cách đây đúng hai thập kỷ.
Những người từng xem trực tiếp tiểu phẩm này trên TV, bây giờ, ít nhất cũng đã ngoài 30 tuổi. Nhưng họ vẫn nhớ như in từng câu thoại của nó, như nhớ về một thời đại màn hình TV còn cong lồi ra ngoài, ăn quẩy và uống trà đá “chỉ hết có nghìn rưởi”, còn những đôi dép thì chưa xâm chiếm mọi ngôi nhà trên Trái Đất.
Thời đó, người ta vẫn vô tư thả chân trần trên nền gạch men vào mùa hè, tận hưởng cái ấm áp khi đặt chân lên thảm nỉ vào mùa đông, thấm từng tiếng cọt kẹt vào bàn chân khi đi lên cầu thang gỗ.
Nhưng… hoài niệm không phải là những điều duy nhất mất đi khi chúng ta từ bỏ thói quen để dép bên ngoài ngôi nhà của mình. Bằng một nền văn hóa mới, chuyển từ đi chân trần sang đi dép, chúng ta cũng đánh mất đi một phần… sức khỏe.
Không chỉ là sự hưởng thụ, các nghiên cứu khoa học hiện đại cho biết những đôi chân trần là thứ giúp chúng ta xây dựng cơ bắp, tăng lưu lượng máu và điều hòa huyết áp. Những đôi chân trần sẽ âm thầm giúp chúng ta giảm được nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường và thậm chí trầm cảm.
Có lẽ, đã đến lúc chúng ta bỏ những đôi dép nhựa đi trong nhà đi, và tập lại thói quen đi chân đất.
Có một thực tế không thể chối cãi, loài người đi chân đất. Trong hàng triệu năm, tổ tiên của chúng ta đã để bàn chân trần của mình tiếp xúc trực tiếp với Trái Đất.
Các thầy thuốc Đông Y cổ đại nói rằng việc đi chân trần có tác dụng điều hòa âm dương, kích thích các huyệt vị dưới lòng bàn chân. Những nhà sư khi tu tập thường đi chân đất để tu tập ý chí, rèn luyện sức khỏe và giải thoát khỏi phiền não – cả phiền não của chính mình và của những người khác nhìn thấy mình đi chân đất.
Nghe thì có vẻ rất mơ hồ, nhưng những lập luận kể trên không hẳn là không có cơ sở khoa học.
Trong một lĩnh vực nghiên cứu mới nổi gọi là “Grouding”, tạm dịch là “tiếp đất”, các nhà khoa học nhận thấy khi chúng ta đi chân trần, có một dòng các điện tích âm (electron) sẽ dịch chuyển từ mặt đất vào cơ thể chúng ta.
Các điện tích âm này giúp trung hòa những điện tích dương, vốn tích tụ khi chúng ta tự ngăn cách đôi chân mình với mặt đất.
Electron sẽ hoạt động như một chất chống oxy hóa tự nhiên, chúng khử các gốc tự do điện tích dương và giảm khả năng gây hại của chúng tới cơ thể.
“Trái Đất và tất cả các sinh vật sống trên Trái Đất – cả thực vật và động vật – tổng cộng hơn 8,7 triệu loài đều là một phần của một mạch điện toàn cầu tự nhiên“, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Biomedical Journal viết.
“Bởi vì cơ thể chúng ta hoàn toàn dẫn điện – mọi tế bào, tế bào chất của mỗi tế bào, bộ khung tế bào của mỗi tế bào, mọi chất lỏng trong cơ thể (bao gồm máu, dịch não tủy, dịch hoạt dịch, huyết tương, v.v.) mọi mô và mọi hệ thống cơ quan – toàn bộ giải phẫu cơ thể chúng ta đều dẫn điện.
Khi chúng ta chạm vào Trái Đất theo bất kỳ cách nào, chúng ta cũng trở thành một phần của mạch điện toàn cầu này thông qua bản chất dẫn điện bẩm sinh của chúng ta”.
Các điện tích di chuyển từ mặt đất, lên chân chúng ta và được đưa đi khắp cơ thể, tới từng tế bào thông qua một hệ thống mà các nhà khoa học gọi là “living matrix” hay “ma trận sống”. Đó là những cấu trúc phân tử liên tục trong cơ thể, bao gồm gân cân, các mô liên kết, ma trận ngoại bào, integrin hay các kênh thụ thể trên bề mặt tế bào, khung tế bào, ma trận nhân và DNA.
“Nghiên cứu về sinh học tế bào và vật lý sinh học cho thấy cơ thể con người được trang bị một mạng lưới bán dẫn tinh thể lỏng, collagen toàn hệ thống được gọi là ma trận sống.
Mạng lưới toàn cơ thể này có thể cung cấp các electron di động đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể và do đó thường xuyên bảo vệ tất cả các tế bào, mô và cơ quan khỏi sự căng thẳng oxy hóa hoặc trong trường hợp chúng bị thương“, nghiên cứu trên tạp chí Journal of Inflammation Research giải thích.
Các nhà khoa học ủng hộ lợi ích của việc tiếp đất cho rằng ma trận sống có khả năng dẫn điện, do đó, nó làm nhiệm vụ như một mạch dẫn, kết nối mọi tế bào trên cơ thể người vào với mạch điện tự nhiên của Trái Đất và trung hòa các gốc oxy hóa.
Tiếp đất vì vậy hoạt động như một lá chắn phòng thủ tự nhiên cho cơ thể. Nó là một phần của hệ miễn dịch, giúp phòng ngừa bệnh tật, hỗ trợ phục hồi và chữa lành khi các sinh vật, bao gồm cả con người, bị đau ốm.
Việc tiếp đất thậm chí còn được cho là có lợi ích điều hòa hormone, cải thiện giấc ngủ, tâm trạng và chống trầm cảm. Vì vậy, hãy trở lại với việc các nhà sư đã đi chân đất suốt 2.500 năm như một cách để giải thoát khỏi phiền não. Ở một mức độ nào đó, tác động sinh học đó là có thật.
Một trong những thí nghiệm nổi tiếng nhất chứng minh sự tồn tại của các mạch điện kết nối cơ thể người với Trái Đất đã được thực hiện vào thập niên 1970.
Trong đó, các nhà khoa học đã kiểm tra sự đồng bộ của đồng hồ sinh học bên trong cơ thể người với chu kỳ ngày/đêm trên Trái Đất của 100 người, khi họ bị đưa xuống các boongke bên dưới mặt đất để không còn tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời nữa.
Kết quả cho thấy đa số các tình nguyện viên vẫn duy trì được nhịp sinh học và chu kỳ ngày/đêm như bình thường.
Chỉ có một nhóm tình nguyện viên được đưa vào một căn phòng cách ly đặc biệt, được che chắn khỏi 99% trường điện từ của Trái Đất, đã bị mất hoàn toàn nhận thức về thời gian. Họ không còn động bộ hóa được cơ thể mình với nhịp điệu ngày/đêm nữa.
Thế nhưng, khi các nhà khoa học truyền vào căn phòng một mô hình điện từ trường được gọi là Cộng hưởng Schumann để mô phỏng lại trường điện từ của Trái Đất, các tình nguyện viên trong căn phòng này lại đồng bộ được nhịp sinh học trong cơ thể họ trở lại với chu kỳ ngày/đêm.
“Cộng hưởng Schumann thường được mô tả là nhịp tim đôi của Trái Đất, ở tần số 7,83 Hz và 14,1 Hz bao phủ toàn bộ Trái Đất và tất cả cư dân trên hành tinh. Khi một trường điện từ 10 Hz (xấp xỉ trung bình của hai nhịp tim của trái đất) được đưa trở lại nơi ở của đối tượng thử nghiệm đã bị cách ly trong thí nghiệm được mô tả ở trên, họ bắt đầu đồng bộ lại với chu kỳ ngày/đêm một lần nữa“, các nhà khoa học viết.
“Nhờ những thí nghiệm này, chúng ta hiểu rằng không chỉ tiếp xúc với ánh sáng mà còn tiếp xúc với Cộng hưởng Schumann của Trái Đất cũng góp phần tạo nên mô hình ngày/đêm lành mạnh”.
Việc tiếp đất giúp đồng bộ chu kỳ ngày/đêm của Trái Đất với đồng hồ sinh học bên trong cơ thể người giải thích tại sao phương pháp này có thể giúp cải thiện chứng mất ngủ ở một số người, giúp họ ngủ ngon hơn vào ban đểm và tỉnh táo hơn vào ban ngày.
Chẳng hạn như một nghiên cứu năm 2004 trên tạp chí Journal of Alternative and Complementary Medicine đã tiến hành thí nghiệm trên 12 người gặp vấn đề rối loạn giấc ngủ.
Kết quả cho thấy khi họ được ngủ trên những chiếc giường có dây dẫn nối đất, nồng độ hormone căng thẳng cortisol trong máu của họ đã giảm xuống và chất lượng giấc ngủ của tình nguyện viên đã tăng lên trong khoảng thời gian điều trị 8 tuần.
Một nghiên cứu năm 2013 thử nghiệm việc dán trực tiếp các miếng dán tiếp đất lên lòng bàn tay và bàn chân của 10 người khỏe mạnh. Kết quả cho thấy sau 2 giờ sử dụng, các chỉ số lưu động máu của tình nguyện viên đã tăng đáng kể. Trong khi đó, độ nhớt máu của tình nguyện viên đã giảm, làm giảm khả năng hồng cầu bị vón cục và hình thành nên các cục máu đông trong mạch.
Năm 2023, một nghiên cứu tương tự khác cho thấy các bệnh nhân mắc COVID-19 được cho tiếp đất sẽ giảm khả năng hình thành cục máu đông, một biến chứng mà người mắc COVID-19 và tiêm vắc-xin COVID-19 thường gặp phải.
Nhìn chung, các nghiên cứu trong nửa thập kỷ qua đã cho thấy việc tiếp đất để nối cơ thể với mạch electron của Trái Đất có tác dụng tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm viêm, giảm căng thẳng, giảm đau mạn tính, cải thiện tâm trạng, giấc ngủ, hỗ trợ làm lành nhanh các vết thương hở, tăng cường miễn dịch và nhiều lợi ích sức khỏe khác.
“Tiếp đất mang lại lợi ích cho toàn bộ cơ thể, vì mọi hệ thống cơ quan đều được tăng cường lưu lượng máu và oxy khi tiếp đất tác động tích cực đến chức năng tim mạch của chúng ta, cải thiện lưu thông tuần hoàn.
Theo thời gian, các hormone của bạn đều ổn định, nồng độ cortisol giảm, lượng đường trong máu được duy trì, bạn sẽ ngủ sâu hơn, tình trạng viêm giảm và cơ thể bạn được chữa lành”, nghiên cứu trên tạp chí Biomedical Journal viết.
Giống như khi cây cối khi được trồng trên mặt đất để kết nối với mạch điện toàn cầu, chúng sẽ cao hơn, nở nhiều hoa hơn và hoa nở lâu hơn so với những cây trồng trong thùng xốp không tiếp đất. Con người cũng vậy.
Khi được tiếp đất, chúng ta có thể cảm thấy một sức sống căng tràn, một năng lượng khỏe khoắn. Ngược lại, khi ngắt kết nối với Trái Đất bằng cách đi giày, đi dép vào nhà, bạn sẽ không còn kết nối với dòng điện tự nhiên nữa. Các lợi ích của việc tiếp đất sẽ biến mất, bạn đang đặt mình vào nguy cơ ốm yếu cao hơn.
“Các sinh vật sống đã được hưởng lợi từ việc tiếp xúc với Trái Đất kể từ khi sự sống bắt đầu. Đây là một phương pháp chữa bệnh mà bạn có thể tự mình cảm nhận theo nghĩa đen. Bạn có nhận thấy rằng các hoạt động đòi hỏi bạn phải chạm da vào mặt đất có tác dụng phục hồi nhiều hơn các hoạt động không cần phải làm như vậy không?
Bơi ở ngoài biển, đi chân trần trên bãi cát, chạm tay vào đất trong khi làm vườn … đây là những lúc bạn được cắm mình vào mạch điện toàn cầu của Trái Đất và cho phép cơ thể bạn được hưởng lợi và chữa lành”, nghiên cứu trên Biomedical Journal gợi ý.
Ngoài ra, bạn có thể bắt đầu tiếp đất đơn giản bằng cách bỏ những đôi dép nhựa đi trong nhà đi. Bằng cách cho phép đôi chân trần của mình được tiếp xúc trực tiếp với nền gạch, bạn cũng đang cho phép dòng electron từ Trái Đất chảy lên cơ thể mình để tạo ra một lớp hàng rào miễn dịch quan trọng.
Các nghiên cứu khoa học và trải nghiệm của người tiếp đất cho thấy chỉ cần 1 giây sau khi bạn bỏ dép ra để đi chân trần, mức độ căng thẳng của bạn sẽ giảm xuống, sóng não của bạn sẽ dịu lại, bạn sẽ thấy bình tĩnh và bớt lo âu hơn.
Với 5 phút đi chân trần, độ đặc của máu sẽ bắt đầu giảm, tương tự như hiệu ứng của thuốc làm loãng máu aspirin, hệ thống tuần hoàn của bạn sẽ cải thiện, lương lượng oxy trong máu sẽ gia tăng.
Nếu bạn đi chân trần 8 tiếng, chức năng tuyến giáp của bạn bắt đầu được cải thiện, nồng độ hormone căng thẳng cortisol trong máu giảm xuống, chỉ số biến thiên nhịp tim cũng tốt lên, bạn sẽ ngủ ngon hơn vào ban đêm.
Thực hành tiếp đất nhiều ngày liên tục và trở thành thói quen cuối cùng sẽ giúp bạn tăng cường miễn dịch, giảm viêm mạn tính, bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa mọi loại bệnh tật, bao gồm cả bệnh lão hóa và ung thư.
Vì vậy, lời khuyên cho bạn là hãy bỏ những đôi dép đi trong nhà đó đi, lau nhà thật sạch và bắt đầu tiếp đất. Nếu bạn đang sống trên một chung cư cao tầng, và căn hộ của bạn đang sử dụng sàn nhựa hoặc gỗ cách điện, tin tốt là bạn vẫn có thể thực hành phương pháp này.
Trên thị trường hiện nay đã có một số sản phẩm thảm tiếp đất, cho phép bạn cắm chúng vào lỗ tiếp địa trên ổ điện để lấy dòng electron. Ngoài ra, các miếng dán tiếp đất, ga giường tiếp đất và gối tiếp đất cũng sẽ cho bạn nhiều lựa chọn.
Tóm lại, việc đi chân đất trong nhà mang lại rất nhiều lợi ích sức khỏe, đến từ việc chúng ta cho phép đôi chân mình tiếp xúc trực tiếp với dòng electron đến từ Trái Đất, để đóng một mạch điện giữa bản thân chúng ta là một sinh vật với hành tinh đang nuôi dưỡng sự sống của sinh vật đó.
Môi trường trong nhà cũng là một môi trường an toàn, có kiểm soát, giúp chúng ta hạn chế được tối đa những tai nạn có thể xảy ra khi đi chân trần ở ngoài đường. Nếu bạn ngại bẩn, chỉ cần chăm chỉ lau nhà hoặc mua một robot hút bụi, là sẽ chẳng còn lý do nào để bạn tự ngăn cách đôi chân của mình với mặt đất bằng một đôi dép nhựa rẻ tiền nữa.
Hi vọng với những hiểu biết mới này, chúng ta có thể đem văn hóa đi chân trần trong nhà trở lại, để có thể một lần nữa, sau 2 thập kỷ, nói với những người bạn ở thềm cửa rằng: “Nhà tôi vừa lau, vào nhớ bỏ dép ở ngoài, cho thoải mái và tốt cho sức khỏe nhé”.
Nguồn tin: https://genk.vn/20-nam-troi-qua-toi-chang-con-thay-ai-di-chan-dat-trong-nha-con-nhung-doi-dep-nhua-thi-xam-chiem-ca-the-gioi-20241123051444421.chn