Để mà nói về fan cứng bền bỉ theo năm tháng có lẽ Sony Ericsson và Nokia là 2 hãng đông đảo nhất. Thị trường mua bán, trao đổi máy cổ cũng vẫn còn sôi động, nổi bật những những chiếc điện thoại “cục gạch”, tính năng không nhiều nhưng thiết kế đảm bảo độc lạ, khác biệt trong từng chi tiết chứ không như smartphone ngày nay.
Ví dụ như mẫu Sony Ericsson W980i này, từng là flagship Walkman khi ra mắt đầu năm 2008 với giá lên đến 550 USD, cao hơn cả giá mà Apple bán iPhone 3G khi ra mắt vào tháng 6/2008. Nếu tính theo tỉ giá lạm phát, con số này ương đương với khoảng 800 USD hiện tại, tức là khoảng 20 triệu đồng.
Đúng, 550 USD ở năm 2008 chỉ mua được cho bạn 1 chiếc điện thoại feature phone nắp gập, dùng phím bấm số, không cảm ứng, không công nghệ thông minh. Thay vào đó, Sony Ericsson nhấn mạnh vào tính thời trang và khả năng nghe nhạc ấn tượng của máy, kết hợp với bộ nhớ trong 8GB hiếm hoi, lưu trữ được hàng chục nghìn bản nhạc mà không cần cắm thẻ nhớ ngoài. Khi ra mắt, W980i còn nhận giải thưởng điện thoại nghe nhạc tốt nhất của năm do Hiệp hội Nghe nhìn châu Âu (EISA) trao tặng.
W980i được Sony Ericsson nhấn mạnh vào tính thời trang, gọn nhẹ và khả năng nghe nhạc đúng chuẩn Walkman. Chưa kể còn có bộ nhớ trong 8GB siêu lớn so với tiêu chuẩn thời bấy giờ.
Mẫu loa MDS 65 cũng không phải hàng giá rẻ ở thời điểm ra mắt với giá khoảng 70 Euro, tương đương khoảng 1 triệu đồng khi đó. Tính theo lạm phát, nếu ra mắt bây giờ, chiếc loa có giá khoảng 2 triệu đồng, gần tương đương với các dòng loa di động 20W mà Sony bán hiện nay.
Mẫu loa MDS 65 từng được bán với giá 70 Eur không hề rẻ, tích hợp nhiều tính năng thay vì chỉ phát nhạc.
Loa này muốn dùng phải cắm điện liên tục, cũng không tích hợp Bluetooth. Điểm cộng của nó (ít ra là ở thời điểm những năm 2000) là việc kết hợp với dock sạc có thể xoay ngang dọc theo nhu cầu sử dụng và đời máy. Ngoài ra, loa cũng có thể biến thành đài radio thu sóng FM, tích hợp cổng 3.5mm để phát nhạc từ các nguồn khác. Điểm thú vị cuối cùng của loa MDS 65 là có cả khay lắp pin con thỏ ở phía sau để biến thành loa di động.
Theo thời gian, chiếc W980i không còn giữ được vẻ ngoài “mỹ nữ” như ban đầu. Mặt trước bằng nhựa đã xước hết, nắp lưng lỏng lẻo, khớp gập không còn chắc chắn. Tuy nhiên, các thành phần khác vẫn còn vô cùng ổn áp, từ phím bấm bên trong đến màn hình phụ và bộ nút cảm ứng bên ngoài. Đây cũng là điểm nhấn vì người dùng có thể sử dụng máy như 1 chiếc Walkman thực thụ, không cần mở nắp mà vẫn có thể nghe nhạc, chuyển bài, bật radio…
Vỏ chiếc điện thoại đã xuống cấp nhiều sau 16 năm lưu hành, bù lại là pin và các thành phần bên trong vẫn hoạt động tốt.
Chất lượng âm thanh của máy khi phát qua tai nghe đủ tốt hoàn toàn xứng đáng với thương hiệu Walkman. Giao diện nghe nhạc cũng được chăm chút kĩ lưỡng, có thể tùy biến EQ, thêm tính năng Clear Bass tăng bass mà không làm vỡ, rè… Giao diện của máy dù chậm và lag nhưng độ hoàn thiện, tính thẩm mỹ thì luôn là rất cao – lợi thế của Sony Ericsson trong bao năm làm điện thoại.
Các tính năng cơ bản như nghe gọi vẫn có thể dùng được vì máy đã trang bị sóng 3G. Muốn nghe nhạc thực ra cũng dễ vì có Bluetooth, kết nối được với 1 số loại tai nghe và loa không dây hiện nay dù tính tương thích không cao. Ví dụ, chúng tôi có thể nghe được nhạc bình thường với mẫu Huawei Freebuds và Soundcore R50i NC, nhưng dùng với Galaxy Buds3 Pro thì chỉ phát nhạc được bên tai phải, còn Sony WF-1000XM4 thì lúc nhận lúc không, hơi khó kết nối. Nếu muốn dùng với loa Bluetooth thì dễ hơn 1 chút vì tính tương thích cao hơn, không cần tính năng kết nối cùng lúc 2 bên như tai nghe.
Cái khó nhất khi dùng những dòng máy này để nghe nhạc là tìm kiếm, tải và chuyển các bài hát vào bộ nhớ máy. Thay vì stream kho nhạc khổng lồ, chỉ cần gõ tên là ra thì giờ phải vào các trang web cho tải nhạc “lậu”, tải về máy tính, cắm cáp USB (hoặc tệ hơn là “bắn” Bluetooth từng bài) siêu tốn thời gian, công sức.
Chất lượng âm thanh của chiếc loa đáng tiếc là ko được như kì vọng. Kể cả khi mua mới, còn nguyên vẹn thì chất lượng nhạc chỉ xứng tầm so với các loa giá rẻ khoảng 200.000 – 300.000đ hiện nay vì bass yếu, mid hơi ồm ồm và treble không đẹp. Mẫu loa mà chúng tôi mua lại đã “già”, màng loa giấy vỡ nát nên âm thanh rè vỡ. Kể cả khi đã chế thêm, thay bằng củ loa của các mẫu loa đời mới hiện nay thì chất lượng vẫn chỉ ở mức đủ nghe. Bản chất loa đã cố tình cắt giảm lượng bass của nguồn nhạc nên dù củ loa cao cấp đến mấy cũng không hay được, mua về đúng là chỉ mang tính chất sưu tầm.
Chất lượng âm thanh của loa MDS 65 không thể xứng tầm với các loa hiện tại, hoàn toàn mang tính trải nghiệm, sưu tầm là chính.
Hiện tại, bạn có thể tìm mua được các loại máy cổ hàng sưu tầm này trên trang TMĐT như Shopee, Lazada hoặc các hội nhóm trên Facebook. Mức giá cũng dao động nhiều, từ vài trăm/chiếc cho hàng xấu còn dùng được lên đến vài triệu đồng cho hàng đẹp, còn hộp và phụ kiện. Tất nhiên, vì là đồ cổ nên nếu muốn sưu tầm, bạn vẫn cần cẩn thận trước khi thanh toán, tránh bị lừa đảo.
Nguồn tin: https://genk.vn/16-nam-truoc-fan-sony-ericsson-mo-ve-combo-nghe-nhac-nay-gia-ban-con-dat-hon-iphone-cung-thoi-20240806025352379.chn