Tại Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV ngày 7/3, báo cáo về việc tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, cho biết Quốc hội đã thông qua 9 luật, 11 nghị quyết quan trọng liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, quyền, lợi ích trực tiếp của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân, phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, giải quyết nhiều vấn đề chưa đồng bộ của hệ thống pháp luật sau quá trình rà soát như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Viễn thông, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng…
QUYẾT LIỆT, CHỦ ĐỘNG, KỊP THỜI TRIỂN KHAI ĐƯA CÁC LUẬT, NGHỊ QUYẾT VÀO CUỘC SỐNG
Trong năm 2023, Chính phủ đã thông qua 49 đề nghị xây dựng luật, dự án luật, dự thảo nghị quyết, ban hành 93 nghị định, 01 nghị quyết liên tịch; Thủ tướng Chính phủ ban hành 33 quyết định quy phạm pháp luật.
Để có kết quả này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt các bộ, cơ quan ngang bộ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội trong việc chỉnh lý các dự án luật, dự thảo nghị quyết để trình đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, tập trung đề xuất giải quyết các vấn đề khó, phức tạp.
Trong năm 2023, bên cạnh các phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã tổ chức tới 10 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; Thường trực Chính phủ thường xuyên thảo luận, cho ý kiến các đề nghị xây dựng và các dự án luật, dự thảo nghị quyết; lãnh đạo Chính phủ tăng cường làm việc trực tiếp với các bộ, ngành, địa phương để cho ý kiến, chỉ đạo về những vấn đề lớn, phức tạp, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong từng dự án luật, dự thảo nghị quyết.
Thực tế, Chính phủ đã ban hành 264 nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1.742 quyết định cá biệt, 32 chỉ thị, 104 công điện và nhiều văn bản chỉ đạo; Văn phòng Chính phủ ban hành 814 thông báo kết luận chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ để xử lý các công việc thuộc thẩm quyền.
“Nhằm triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, thực hiện chủ trương “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật”, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã quyết liệt, chủ động, kịp thời triển khai đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Mặc dù, trong quá trình triển khai thi hành còn có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sức ép về mặt tiến độ, phạm vi, khối lượng công việc cũng như những khó khăn xuất phát từ nội tại vấn đề nội dung giao quy định chi tiết, nhưng với sự quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với các bộ, cơ quan ngang bộ đã thực hiện tốt công tác triển khai thi hành luật, nghị quyết và xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết.
Cùng với đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tích cực, chủ động, trách nhiệm, khẩn trương và phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 và đã có Báo cáo số 587/BC-CP ngày 20/10/2023 trình Quốc hội về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Phó Thủ tướng cho biết, sau khi kết thúc các kỳ họp của Quốc hội, các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo các luật, nghị quyết đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các Kế hoạch để triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua.
Ở một số địa phương cũng đã và đang nghiên cứu để ban hành văn bản riêng chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng Kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết, trong đó dự kiến phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành hữu quan để triển khai thực hiện sâu rộng đến nhân dân tại cơ sở.
Hơn nữa, sau khi các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, việc phổ biến luật, nghị quyết đã được thực hiện.
Đa số các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện lồng ghép nội dung chỉ đạo, hướng dẫn phổ biến luật, nghị quyết mới trong kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật năm 2024; 27/63 tỉnh, thành phố đã có kế hoạch, công văn hướng dẫn phổ biến các luật, nghị quyết mới. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã tổ chức tập huấn, biên soạn tài liệu phục vụ việc phổ biến, giới thiệu luật, nghị quyết đến người dân, doanh nghiệp…
Trên cơ sở kết quả các Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết.
SOẠN THẢO, BAN HÀNH CÁC VĂN BẢN QUY ĐỊNH CHI TIẾT ĐÚNG TIẾN ĐỘ
Để quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ ban hành 56 văn bản (29 nghị định, 05 quyết định, 22 thông tư) quy định chi tiết 10 luật, nghị quyết.
Hiện nay, các bộ được giao chủ trì soạn thảo đang tiến hành triển khai thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, với quyết tâm cao nhằm bảo đảm về tiến độ và chất lượng của văn bản.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác triển khai thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung ban hành theo thẩm quyền kế hoạch triển khai thi hành các luật, nghị quyết, tăng cường quán triệt văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể;
Chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức thuộc các đơn vị chuyên môn của bộ, sở, ngành địa phương được giao tham mưu tổ chức thi hành luật, nghị quyết, nhất là các luật chuyên ngành có nhiều nội dung mới, phức tạp như Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Viễn thông, Luật Căn cước…
Cùng với đó tổ chức soạn thảo ban hành 56 văn bản quy định chi tiết đúng tiến độ, chất lượng, bảo đảm văn bản quy định chi tiết có cùng hiệu lực với văn bản được quy định chi tiết nhằm sớm đưa các luật, nghị quyết vào cuộc sống.
Các bộ, cơ quan ngang bộ trong quá trình soạn thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua, cần kết hợp xử lý các nội dung có mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập.
Phó Thủ tướng nhân mạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành luật, nghị quyết; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kiểm tra, thanh tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong thi hành pháp luật.
Cùng với đó quan tâm bố trí hợp lý các nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy, biên chế và các điều kiện cần thiết khác để triển khai thi hành luật, nghị quyết bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/xu-ly-nghiem-hanh-vi-tham-nhung-tieu-cuc-loi-ich-nhom-trong-thi-hanh-phap-luat.htm