Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang đối mặt với những hệ quả của việc vỡ bong bóng bất động sản. Trong bối cảnh doanh số sụt giảm còn tồn kho bất động sản tăng lên, giới chuyên gia dự báo quốc gia này có thể mất hơn 5 năm để hấp thụ hết lượng nhà ở dư thừa.
“Với giá 620.000 nhân dân tệ (86.300 USD), căn hộ rộng 110 mét vuông này hiện đã giảm giá khoảng 22%. Chúng tôi có thể giảm giá hơn nữa nếu khách quan tâm”, một nhân viên bán hàng của công ty Country Garden Holdings ở thành phố Nam Sung, tỉnh Tứ Xuyên, cho biết.
Country Garden Holdings, công ty bất động sản hàng đầu tại Trung Quốc, đang đại hạ giá bán căn hộ chung cư để giải quyết khó khăn tài chính.
Các trang web và mạng xã hội ở Trung Quốc gần đây cũng tràn ngập thông tin về bất động sản hạ giá.
“Một bất động sản ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh hiện có giá 8.300 nhân dân tệ/m2, giảm 3.000 nhân dân tệ”, một bài đăng trên mạng xã hội viết.
Theo tờ báo Nikkei Asia, cuộc đua đại hạ giá bất động sản ở Trung Quốc đang ngày càng “nóng” lên trong bối cảnh thị trường nhà ở tại quốc gia tỷ dân trở nên bão hòa. Mức tồn kho dư thừa, được tính bằng cách lấy tổng diện tích nhà ở được xây dựng trừ đi diện tích mặt sàn đã bán, là gần 5 tỷ mét vuông vào cuối năm 2023. Giả định mỗi căn nhà có diện tích 100 mét vuông và 3 người sinh sống, Trung Quốc hiện đang thừa diện tích nhà ở cho khoảng 150 triệu người, tương đương khoảng 50 triệu căn nhà.
Kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu siết chặt quản lý lĩnh vực bất động sản vào năm 2020, cơn sốt xây dựng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã lắng xuống. Tuy nhiên, tồn kho nhà ở vẫn ở mức cao do doanh số ảm đạm. Năm 2023, tổng diện tích mặt sàn bán được tại Trung Quốc là 940 triệu mét vuông, giảm khoảng 40% so với mức đỉnh 1,56 tỷ mét vuông năm 2021.
Năm 2020, Trung Quốc có hơn 220 triệu người ở độ tuổi ngoài 30 – nhóm mua nhà lần đầu tiềm năng. Tuy nhiên, nhóm này được dự báo sẽ giảm xuống dưới 160 triệu người vào năm 2035. Một nghiên cứu của giáo sư Kenneth Rogoff và các cộng sự tại Đại học Harvard dự báo từ nay tới năm 2035, số lượng nhà ở đô thị được xây dựng tại Trung Quốc sẽ giảm ở mức khoảng 3% mỗi năm.
Vỡ bong bóng bất động sản tại Trung Quốc giờ đây không chỉ là vấn đề của riêng quốc gia này mà đang phát triển trở thành một vấn đề toàn cầu.
Hơn nữa, xu hướng mua nhà diện tích lớn thúc đẩy “cơn sốt” nhà ở tại Trung Quốc đã không còn. Năm 1978, khi nước này bắt đầu chính sách mở cửa, diện tích mặt sàn nhà ở trên đầu người chỉ là 8 mét vuông. Con số này sau đó đã tăng lên hơn 40 mét vuông – tương đương với ở Anh và Nhật – khi người dân Trung Quốc có xu hướng tìm kiếm những căn nhà “rộng rãi và thoải mái hơn” như một thước đo của sự giàu có.
Khủng hoảng bất động sản đã tác động trực tiếp tới nền kinh tế tại các địa phương ở Trung Quốc. Nhiều cuộc đấu giá bán quyền sử dụng đất tại các địa phương đã không thành công do không có sự tham gia của các công ty phát triển bất động sản đang ngập trong tồn kho dư thừa.
Mất đi nguồn thu chính, chính quyền các địa phương đang chật vật với khối nợ khổng lồ. Biện pháp nới lỏng tín dụng của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thời gian qua được cho là chưa đủ để kích thích nhu cầu trên thị trường bất động sản.
Do dư thừa cung cùng với nhu cầu nhà ở tại Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục giảm do dân số thu hẹp, xuất khẩu vật liệu xây dựng giá rẻ từ Trung Quốc được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Kể từ mùa xuân năm 2022, khi dòng tiền đầu tư vào bất động sản Trung Quốc giảm mạnh, giá hợp đồng tương lai các loại vật liệu xây dựng chính như thép thanh và đồng cũng giảm.
Nhhu cầu đồng đang tăng lên bởi kim loại này được dùng trong sản xuất xe điện và các sản phẩm thân thiện với môi trường khác. Tuy nhiên, nhu cầu nhà ở yếu tại Trung Quốc đã khiến giá kim loại này không thể tăng mạnh.
Dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn lo lắng rằng xuất khẩu vật liệu xây dựng giá rẻ từ Trung Quốc có thể tăng đột biến. Theo dữ liệu từ Hiệp hội Sắt Thép Trung Quốc, xuất khẩu sản phẩm thép từ Trung Quốc trong năm 2023 đạt 90 triệu tấn, tăng hơn 20 triệu tấn so với năm trước.
Mexico hiện đã tăng thuế nhập khẩu thép và các sản phẩm liên quan để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước khỏi nguy cơ cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Ngoài thép, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng có sản lượng nhôm và xi măng lớn. Theo các chuyên gia, vỡ bong bóng bất động sản tại Trung Quốc giờ đây không chỉ là vấn đề của riêng quốc gia này mà đang phát triển trở thành một vấn đề toàn cầu.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/trung-quoc-thua-50-trieu-can-nha-the-gioi-lo-ngap-lut-trong-vat-lieu-xay-dung-gia-re.htm