Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ngày 20/2 đã hạ lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 5 năm – lãi suất tham chiếu để các ngân hàng thương mại Trung Quốc điều chỉnh lãi suất cho vay thế chấp nhà – từ 4,2% xuống còn 3,95%, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
Đây là đợt hạ lãi suất tham chiếu đối với các khoản vay thế chấp mua nhà lớn nhất kể từ năm 2019. Gần đây nhất, vào tháng 6 năm ngoái, LPR kỳ hạn 5 năm cũng được giảm 0,1 điểm phần trăm.
Trong khi đó, LPR kỳ hạn 1 năm – mức lãi suất thị trường – được giữ nguyên ở mức 3,45%.
Theo các nhà phân tích, động thái này báo hiệu Bắc Kinh sẽ còn đưa ra nhiều biện pháp nữa nhằm vực dậy tâm lý thị trường, hồi sinh ngành bất động sản đang rơi vào khủng hoảng cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ được dự báo sẽ là một trọng tâm trong chương trình nghị sự tại kỳ họp lưỡng hội dự kiến diễn ra vào tháng tháng tới. Kỳ họp này bao gồm Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (CPPCC), cơ quan tư vấn chính trị cấp cao nhất của Trung Quốc và cuộc họp của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tức Quốc hội Trung Quốc.
“Hạ lãi suất cho vay cơ bản là một bước đi đúng hướng khác nhằm đối với với tình trạng giảm phát ở Trung Quốc. Đợt hạ lãi suất này của PBOC lớn hơn so với kỳ vọng của thị trường, cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang nhận thấy cần phải hành động nhanh chóng”, ông Zhang Zhiwei, chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lý tài sản Pinpoint Asset Management, nhận xét.
Ông dự báo sẽ có thêm các đợt hạ lãi suất nữa trong năm nay. Tuy nhiên, ông cho rằng Bắc Kinh cần thêm các biện pháp nới lỏng chính sách tài khóa quyết liệt hơn để tăng hiệu quả.
Trước đó, Trung Quốc đã tung ra nhiều biện pháp nhằm vực dậy thị trường bất động sản. Một cơ chế phối hợp huy động vốn cho bất động sản đô thị đã được thành lập tại hơn 100 thành phố nước này nhằm tăng cường hợp tác giữa các chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà ở, đồng thời hỗ trợ vốn cho các dự án bất động sản.
Theo dữ liệu chính thức, tính tới cuối tháng 12/2023, tổng dư nợ vay thế chấp mua nhà ở Trung Quốc là 38,2 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 5,3 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, dù LPR kỳ hạn 5 năm đã được hạ xuống mức thấp kỷ lục, giúp giảm gánh nặng cho các hộ gia đình và thúc đẩy mua nhà, các nhà phân tích tại tổ chức nghiên cứu kinh tế Capital Economics cảnh báo rằng PBOC vẫn chưa sẵn sàng thực hiện các đợt hạ lãi suất lớn và có tác động trên diện rộng cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và hoạt động kinh tế.
“Đợt hạ lãi suất mới nhất không giúp ích nhiều trong việc thúc đẩy tăng doanh số nhà. Lãi suất cho vay thế chấp mua nhà đã giảm gần 2 điểm phần trăm kể từ cuối năm 2021, nhưng doanh số nhà vẫn tiếp tục đi xuống”, nhóm nhà phân tích của Capital Economics chỉ ra. “Rào cản lớn nhất trên con đường phục hồi thị trường bất động sản Trung Quốc là người mua nhà thiếu tin tưởng vào khả năng bàn giao nhà của các chủ dự án”.
Năm ngoái, tổng diện tích nhà ở thương mại bán ra là 1,12 tỷ mét vuông, giảm 8,5% so với năm trước, còn diện tích nhà ở bán ra giảm 8,2% – theo dữ liệu từ Tổng Cục Thống kê Trung Quốc. Doanh số nhà ở thương mại giảm 6,5% xuống còn 11,66 nghìn tỷ USD, trong khi doanh số nhà ở giảm 6%.
“Chúng tôi dự báo sẽ có ít nhất một đợt hạ lãi suất nữa trong năm nay, nhưng PBOC cần các đợt hạ lãi suất lớn hơn và có tác động trên diện rộng hơn thì mới có thể khiến nhu cầu tín dụng trong khu vực tư nhân tăng trở lại”, các nhà phân tích của Capital Economics đánh giá.
Còn theo ông Xu Tianchen, nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU), với đợt hạ lãi suất mới nhất, nhà ở hiện có trên thị trường có thể sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, trong khi thị trường nhà ở hình thành trong lương lai sẽ vẫn phải vật lộn với vấn đề tài chính.
Trong khi đó, ngân hàng HSBC đánh giá đợt hạ lãi suất mới của Bắc Kinh được đưa ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang có động lực tích cực từ hoạt động du lịch dịp Tết Nguyên đán và dữ liệu tiêu dùng.
“Chúng tôi dự báo Bắc Kinh sẽ tiếp tục giữ lập trường chủ động và việc đưa ra thêm các hỗ trợ chính sách có thể sẽ là một trọng tâm tại kỳ họp Quốc hội đầu tháng 3 tới”, các nhà phân tích của HSBC nhận định. “Chính sách tài khóa có thể sẽ chiếm chủ đạo, cùng với hỗ trợ chính sách tài khóa hiện tại, thị trường vốn, thị trường bất động sản và các ngành công nghiệp tăng trưởng mục tiêu sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đạt khoảng 5% trong năm nay”.
Kỳ họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc dự kiến khai mạc vào ngày 5/3.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/trung-quoc-ha-lai-suat-de-cuu-bat-dong-san-truoc-them-hop-quoc-hoi.htm