Theo tờ báo Nikkei Asia, nhóm Big Four, gồm Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (ICBC), Bank of China (BOC), Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (CCB) và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), ghi nhận tổng nợ xấu năm ngoái là 1,23 nghìn tỷ nhân dân tệ (170 tỷ USD), tăng 10,3% so với mức 1,117 nghìn tỷ nhân tệ của năm trước đó.
CẢNH BÁO TÁC ĐỘNG LAN TRUYỀN
Các nhà băng trên cho biết tình trạng nợ xấu gia tăng không ảnh hưởng tới lợi nhuận bởi họ có các điều khoản dự phòng và cũng đang đẩy mạnh kiểm soát rủi ro trong việc cho vay đối với các công ty bất động sản. Tuy nhiên, thực tế đang xuất hiện những tác động lan truyền từ cuộc khủng hoảng bất động sản.
Nợ xấu bất động sản của 4 ngân hàng năm ngoái tăng lên 183,9 nhân dân tệ, từ mức 180,1 nhân dân tệ năm 2022. Trong đó, CCB và ABC tăng lần lượt 43,31% và 1,25%. Còn ICBC và BOC giảm lần lượt 8,03% và 13,93%.
Nợ xấu trong lĩnh vực xây dựng – ví dụ khoản vay cho các công ty vật liệu xây dựng hoặc dịch vụ bất động sản – tăng tổng cộng 38,38% ở cả 4 ngân hàng, lên 33,5 tỷ nhân dân tệ trong năm 2023. Mức tăng ICBC, BOC, CCB và ABC lần lượt là 87,38%, 51,34%, 22,06% và 16,2%.
Với tổng nợ xấu tăng 10% lên 353,3 tỷ nhân dân tệ, ICBC cho biết “tất cả các chỉ số lớn về chất lượng tài sản của ICBC đều nằm trong ngưỡng an toàn và đang có xu hướng ổn định, cải thiện hơn”, theo phó chủ tịch ngân hàng, ông Wang Jingwu, tại họp báo này 28/3.
Trong khi đó, ABC – với nợ xấu tăng 10,96% lên 300,8 tỷ nhân dân tệ – cho biết phần lớn nợ xấu là các khoản vay cho công ty bất động sản và chính quyền địa phương.
Hai ngân hàng còn lại cảnh báo rủi ro nợ xấu gia tăng khi mà nền kinh tế sụt tốc tăng trưởng đe dọa an ninh việc làm, còn giá tài sản sụt giảm ảnh hưởng tới các tòa nhà được dùng làm tài sản thế chấp vay nợ ngân hàng. Trong khi đó, chính quyền các địa phương – vốn phụ thuộc vào thu ngân sách từ cấp quyền sử dụng đất để trả nợ – cũng đang gặp khó khăn.
Theo báo cáo của nhóm Big Four, các ngân hàng thu về lợi nhuận ít hơn từ các khoản cho vay mới trong bối cảnh lãi suất cho vay giảm. Trong khi đó, lợi nhuận từ sản phẩm quản lý tài sản như quỹ tương hỗ cũng mang về ít lợi nhuận hơn do các quy định hạn chế.
RỦI RO TỪ CÁC “TÊ GIÁC XÁM”
“Chúng tôi nhận thấy rủi ro và áp lực lan truyền từ lĩnh vực bất động sản cũng như những doanh nghiệp đang chứng kiến tài sản thế chấp mất giá mạnh”, ông Zhu Jiangtao, giám đốc quản lý rủi ro tại ngân hàng China Merchants Bank, cho biết tại họp báo công bố kết quả kinh doanh của ngân hàng hôm 27/3.
Có trụ sở tại Thẩm Quyến, China Merchants Bank, ngân hàng hàng đầu về quản lý tài sản ở Trung Quốc, ghi nhận nợ xấu bất động sản tăng 11,96% lên 17,2 tỷ nhân dân tệ trong năm 2023. Tổng nợ xấu của nhà băng này tăng 6,17% lên 61,6 tỷ nhân dân tệ.
Ông Zhu cho biết ngân hàng đã siết chặt quy định cho vay trong lĩnh vực bất động sản theo “danh sách trắng” được nhà chức trách Trung Quốc ban hành. Danh sách này được công bố hồi tháng 2 bởi cơ quan các quản lý tài chính và nhà ở nhằm hướng dẫn các ngân hàng hỗ trợ các dự án bất động sản đang cần vốn. Tập đoàn bất động sản đang gặp khủng hoảng Country Garden cũng có 272 dự án trong danh sách này.
Ông Wang của ICBC cho biết ngân hàng này sẽ “đối xử với tất cả các công ty bất động sản như nhau, miễn là họ có nhu cầu vốn hợp lý”.
Tuy nhiên, áp lực với các nhà băng Trung Quốc đã bắt đầu gia tăng trong năm nay.
”Chúng tôi nhận thấy áp lực đang tăng lên với hoạt động chung của các ngân hàng trong quý đầu năm. Mọi thứ không tốt hơn năm trước mà nhiều căng thẳng hơn”, ông Wang Liang, chủ tịch China Merchants Bank, nói.
Ông cũng cho biết các hướng dẫn của nhà chức trách về việc giảm phí của các sản phẩm quản lý tài sản và bảo hiểm trong hai quý vừa qua sẽ gây ra tác động với cả năm 2024.
Bank of Communications (BOCOM), một ngân hàng nhà nước có trụ sở tại Thượng Hải, ghi nhận nợ xấu bất động sản tăng mạnh 67,6% lên 24,4 tỷ nhân dân tệ trong năm 2023. Tại họp báo công bố kết quả kinh doanh tuần trước, Phó chủ tịch BOCOM Yin Jiuyong cảnh báo áp lực trong lĩnh vực bất động sản sẽ còn tiếp tục tăng lên do doanh số nhà ảm đạm trong hai tháng đầu năm.
Trong khi đó, các chính quyền địa phương và doanh nghiệp quốc doanh cũng sẽ tiếp tục đối mặt áp lực trả nợ lớn trong năm nay. Ngoài ra, các công ty nhỏ vẫn chưa phục hồi sau đại dịch Covid-19 và thu nhập không ổn định của khách hàng cá nhân cũng đang gây áp lực đối với chất lượng tài sản của BOCOM.
“Nền kinh tế Trung Quốc đang có ba mối nguy hiểm ‘tê giác xám’, gồm các công ty bất động sản, nợ của chính quyền địa phương và nợ chéo của các tổ chức tài chính cỡ vừa và nhỏ”, ông Liu Jun, chủ tịch BOCOM, nhận định, đề cập tới “tê giác xám” – một dạng rủi ro đã được lường trước nhưng bị phớt lờ.
Ông dự báo tình trạng nợ xấu gia tăng cũng sẽ lan rộng từ các ngân hàng ra các quỹ tín tác và tổ chức tài chính phi ngân hàng.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/trung-quoc-canh-bao-khung-hoang-bat-dong-san-lay-lan-sang-linh-vuc-ngan-hang.htm