Dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), thường được gọi là “siêu dự án” chống ngập hay “dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng”, nhằm mục tiêu kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.
Dự án đồng thời nhằm chủ động điều tiết hạ thấp mực nước trong các kênh rạch nhằm cải thiện khả năng tiêu thoát nước của các dự án thoát nước đô thị; đồng thời hỗ trợ trữ nước mưa khi có mưa kết hợp với triều cường, góp phần cải tạo cảnh quan và môi trường nước trong khu vực dự án.
Tổng mức đầu tư dự án: 9.976.823.154.000 đồng, thuộc nhóm A; phương thức đầu tư: đối tác công tư (PPP), hợp đồng BT. Nhà đầu tư dự án, gồm: Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam. Doanh nghiệp dự án: Công ty TNHH Trung Nam BT 1547. Nhà thầu lập thiết kế và dự toán xây dựng: Liên danh công ty cổ phần tư vấn Xây dựng Vina Mekong – Viện khoa học Thủy lợi Miền Nam – Viện Thủy Công – Viện Thủy Lợi và Môi trường.
TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN DỰ ÁN
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết ngày 08/7/2015, Thường trực Chính phủ tổ chức cuộc họp về thực hiện các quy hoạch thoát nước và chống ngập TP.HCM; và ngày 20/8/2015 đã có Thông báo số 285/TB-VPCP truyền đạt kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý Ủy ban nhân dân TP.HCM áp dụng cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chống ngập úng: áp dụng hình thức xây dựng – chuyển giao (BT) thanh toán bằng quỹ đất, trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán nhỏ hơn giá trị dự án BT, Ủy ban nhân dân Thành phố được thanh toán bằng ngân sách Thành phố đối với phần chênh lệch; được áp dụng hình thức chỉ định Nhà đầu tư để triển khai thực hiện dự án.
Ngày 27/5/2016, Ủy ban nhân dân TP.HCM ký hợp đồng số 2607/2016/HĐ-UBND với nhà đầu tư là Trung Nam Group và doanh nghiệp dự án là Công ty Trung Nam BT 1547. Dự án chính thức được khởi công vào ngày 26/6/2016. Thời gian hoàn thành là tháng 4/2018 (36 tháng).
Dự án thi công đạt tiến độ khoảng 90% thì bị tạm dừng một thời gian vào năm 2018 do vướng mặt bằng, và đến năm 2019 hết hạn hợp đồng BT. Trung Nam BT 1547 và Uỷ ban nhân dân TP.HCM ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian hoàn thành đến 26/6/2020. Tuy nhiên dự án lại tạm dừng từ tháng 11/2020 vì không được tái cấp vốn.
Ngày 01/4/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 40/NQ-CP về tiếp tục triển khai dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).
Ngày 08/10/2021, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định số 3500/QĐ-UBND về điều chỉnh (lần 2) Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Đến ngày 22/02/2022, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Quyết định số 524/QĐ-UBND phê duyệt tổng dự toán công trình thuộc dự án.
Ngày 31/01/2023, qua quá trình đàm phán, Ủy ban nhân dân Thành phố, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đã ký biên bản Thỏa thuận số 269/BBTT-UBND, phụ lục Hợp đồng BT số 270/2023/PLHĐ-UBND về điều chỉnh, bổ sung các hợp đồng BT và phụ lục hợp đồng BT trước đó vào các năm 2016, 2017 và 2019. Dự án được tái khởi công vào giữa tháng 3/2023. Lúc này, nhà đầu tư cam kết, nếu các khó khăn về vốn được tháo gỡ thì khoảng tháng 6/2023 sẽ tái thi công ở tất cả các cống của dự án; khoảng tháng 02/2024, dự án sẽ hoàn thành và vận hành thử nghiệm và đến tháng 5/2024 sẽ bàn giao cho TP.HCM.
Ngày 08/3/2023, Ngân hàng BIDV có Văn bản số 190/BIDV-TTDA đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, tháo gỡ một số khó khăn vướng mắc để BIDV có cơ sở ký phụ lục hợp đồng tín dụng với nhà đầu tư Trung Nam. Sau đó, BIDV có Văn bản số 3192/BIDV-TTDA đề nghị “Ủy ban nhân dân TP.HCM xem xét ưu tiên phương án Thành phố chủ động hỗ trợ tài chính cho Công ty Trung Nam thi công hoàn thành dự án và đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh lịch thu nợ tái cấp vốn cho dự án tương ứng với lịch thanh toán điều chỉnh của Ủy ban nhân dân TP.HCM cho Công ty Trung Nam”.
Ngày 06/9/2023, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 365/TB-VPCP ngày truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Ủy ban nhân dân TP.HCM cần khẩn trương thực hiện và báo cáo đánh giá cụ thể việc thực hiện các nhiệm vụ đã được giao tại Nghị quyết số 40/NQ-CP của Chính phủ, làm cơ sở để xác định rõ các khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý và đề xuất phương án giải quyết, báo cáo Phó thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác Chính phủ để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Ngày 02/01/2024, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 06/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ Công tác Chính phủ giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM (Tổ phó) chủ trì làm việc với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng BIDV để thống nhất phương án, bảo đảm khả thi, báo cáo Tổ Công tác. Đến ngày 07/3/2024, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 1491/VPCP-NN giao đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố khẩn trương thực hiện nhiệm vụ đã được phân công tại văn bản số 06/VPCP-NN về giải quyết vướng mắc liên quan đến dự án.
Ngày 03/6/2024, Ủy ban nhân dân Thành phố đã có Tờ trình số 321/TTr-UBND báo cáo Tổ Công tác Chính phủ. Sau đó, ngày 08/8/2024, Tổ Công tác Chính phủ đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của đại diện lãnh đạo Ngân hàng BIDV, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước và đã có Thông báo kết luận số 370/TB-VPCP ngày 09/8/2024.
CÁC KHÓ KHĂN CỦA DỰ ÁN
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố, đến nay dự án đã triển khai thi công đạt hơn 90% khối lượng công việc, trong đó tại các hạng mục cống Bến Nghé (đạt 97%), cống Tân Thuận (đạt 93%), cống Phú Xuân (đạt 90%), cống Mương Chuối (đạt 93%), cống Cây Khô (đạt 86%), cống Phú Định (đạt 88%), tuyến đê bao (đạt 85%).
Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết, đến nay các khó khăn, vướng mắc còn tồn đọng của dự án chưa được giải quyết.
Thứ nhất là chưa xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện đối với dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi, mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Nguyên nhân là do Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư không có quy định về thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đang trong quá trình thực hiện có sự thay đổi, mà các nội dung thay đổi dẫn đến dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho rằng do thẩm quyền và trình tự thủ tục chưa được Nghị định số 29/2021/NĐ-CP (ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia) hướng dẫn cụ thể, Thành phố sẽ đề xuất phương án thực hiện và báo cáo Chính phủ trong quá trình thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án.
Thứ hai là không có nguồn vốn để hoàn thành công trình. Nguyên dân do vướng mắc trong việc huy động nguồn vốn thi công hoàn thành công trình xuất phát từ việc Ngân hàng BIDV không đủ cơ sở để ký phụ lục hợp đồng tín dụng với Công ty Trung Nam BT 1547 trình Ngân hàng Nhà nước thực hiện gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn. Như vậy, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tiến hành thu nợ tái cấp vốn đổi với BIDV khoảng 3.560 tỷ đồng nên trong trường hợp dù được Ngân hàng Nhà nước gia hạn thời gian giải ngân khoản vay tái cấp vốn, BIDV vẫn không thể tiếp tục giải ngân cho nhà đầu tư do dự án chưa được thanh toán.
Đến đầu tháng 6/2024, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã có Tờ trình số 321/TTr-UBND kiến nghị Tổ Công tác Chính phủ thống nhất phương án và xem xét trình Chính phủ ban hành Nghị quyết để chấp thuận cho Thành phố thực hiện phương án ủy thác từ ngân sách thành phố cho Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Thành phố (HFIC) cho nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án vay thực hiện hoàn thành công trình.
Tuy nhiên, tại buổi họp Tổ Công tác ngày 08/8/2024, đại diện Bộ Tài chính có ý kiến phương án kiến nghị của Thành phố là chưa phù hợp do Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 không có quy định về việc sử dụng vốn ngân sách địa phương để ủy thác cho quỹ đầu tư phát triển địa phương (trong trường hợp này là HFIC) để quỹ này cho nhà đầu tư vay thực hiện dự án; đồng thời, tại mục 2 Thông báo số 370/TB-VPCP ngày 09/8/2024 của Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác Chính phủ thống nhất không có căn cứ pháp lý để tiếp tục ban hành một nghị quyết mới của Chính phủ nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiện nay của dự án như đề nghị của Ủy ban nhân dân Thành phố. Do đó, hiện nay chưa có cơ sở để huy động nguồn vốn ủy thác để nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án tiếp tục thi công, hoàn thành công trình.
Thứ ba là chưa có cơ sở để thanh toán hợp đồng BT. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết, đây là dự án thuộc trường hợp chuyển tiếp theo quy định tại Điều 101 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; khoản 7 điều 6 Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội, và điều 91 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi, các văn bản trên quy định nguyên tắc áp dụng pháp luật đối với dự án là “việc triển khai thực hiện dự án, thanh toán theo quy định của hợp đồng BT đã ký kết và quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng”. Việc sửa đổi hợp đồng “thực hiện theo quy định của hợp đồng đã ký kết; trường hợp hợp đồng không quy định rõ các nội dung liên quan đến việc sửa đổi thì áp dụng quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng”. Ngoài ra, như đã nêu ở phần trên, các quy định hướng dẫn về thanh toán chỉ quy định thanh toán chuyển tiếp cho các hợp đồng BT được ký kết theo đúng quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết hợp đồng. Ngoài các quy định nêu trên, pháp luật hiện hành không có thêm quy định nào khác về việc thực hiện, điều chỉnh hợp đồng BT đã ký kết trước đây.
KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP THÁO GỠ
Báo cáo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM nêu rõ, các vướng mắc liên quan đến quy định của luật, một số nội dung không được thể hiện trong các quy định của luật như việc xác định hợp đồng có được phép thanh toán (sau khi khắc phục các thiếu sót)…, nên vượt thẩm quyền của Chính phủ. Thành phố sẽ phân tích và báo cáo cụ thể trong quá trình thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án.
Liên quan đến các vướng mắc cụ thể này, Thành phố sẽ báo cáo xin ý kiến của các bộ/ngành để có được phương án thực hiện khả thi và có tính pháp lý cao nhất. Xét tính chất đặc thù của dự án, trên cơ sở đồng thuận của nhà đầu tư, ngân hàng BIDV tại cuộc họp ngày 10/9/2024, Ủy ban nhân dân TP.HCM đề xuất một số phương án tháo gỡ vướng mắc cụ thể.
Liên quan tới tổng mức đầu tư dự án, do tổng mức đầu tư dự án đã có sự thay đổi, thời gian thực hiện dự án đã hết, việc ký kết hợp đồng và thực hiện có một số thiếu sót, do vậy, để bảo đảm cơ sở pháp lý, cần triển khai thực hiện thủ tục điều chỉnh dự án.
Liên quan tới thủ tục điều chỉnh tổng thể dự án, do quy định của pháp luật hiện khá phức tạp và mất nhiều thời gian nên cần thương thảo thống nhất với ngân hàng BIDV và nhà đầu tư về cách tính lãi vay. Vì vậy, Thành phố đề xuất thực hiện điều chỉnh điều khoản về thanh toán trong hợp đồng song song với việc điều chỉnh tổng thể dự án.
Một là, thực hiện đồng thời thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án để làm cơ sở ký kết phụ lục hợp đồng BT thay đổi phương án thanh toán.
Hai là, sau khi điều chỉnh phụ lục hợp đồng BT thì dự án cơ bản khắc phục các thiếu sót nêu tại Điều 1 Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 01/4/2021. “Đây chính là cơ sở để Thành phố có thể bắt đầu thực hiện việc thanh toán bằng quỹ đất là các khu đất đã xác định trong hợp đồng BT theo quy định hiện hành, giải quyết được nguồn vốn cho nhà đầu tư thực hiện hoàn thành công trình và giảm bớt chi phí phát sinh lãi vay trong thời gian chờ hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án”, báo cáo của Ủy ban nhân dân TP.HCM nêu rõ.
Thành phố cũng đã có Tờ trình số 1078-TTr/BCSĐ ngày 20/9/2024 báo cáo, xin ý kiến và đã được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua phương án nêu trên tại hội nghị ngày 23/9/2024.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/tp-hcm-bao-cao-va-kien-nghi-chinh-phu-giai-phap-thao-go-sieu-du-an-chong-ngap.htm