Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, tình trạng nợ đọng thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn tiếp diễn, kéo dài, gây ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước, tạo ra sự bất bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ tài chính giữa những người nộp thuế.
Vì vậy, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Công văn số 19039/UBND-KTTC gửi Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa yêu cầu không giao đất, cho thuê đất, cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản đối với doanh nghiệp còn nợ đọng tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.
Theo nội dung công văn trên, để khắc phục tình trạng nợ đọng tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023 và các năm tiếp theo của tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, lấy ý kiến của Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa về tình hình nợ đọng thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản.
Tuyệt đối không giao đất, cho thuê đất, không tham mưu, trình UBND tỉnh Thanh Hóa giao đất, cho thuê đất, cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân còn nợ đọng thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, như: phí, lệ phí, tiền phạt, tiền chậm nộp, các khoản thu từ đất, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên, khoáng sản…kịp thời báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa những vấn đề vượt thẩm quyền.
Năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế của cả nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, Thanh Hóa là một trong số ít các địa phương trong cả nước thu ngân sách vượt chỉ tiêu dự toán giao 14,1%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt trên 40.310 tỷ đồng, vượt 14,1% dự toán. Có 10/13 khoản thu đạt và vượt dự toán, như: Thu tiền sử dụng đất ước đạt 7.190 tỷ đồng, vượt 1% dự toán; thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước ước đạt 1.811 tỷ đồng, bằng 100% dự toán; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 5.653 tỷ đồng, vượt 30% dự toán; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh ước đạt 2.942 tỷ đồng, vượt 12% dự toán; thu khác ngân sách ước đạt 719 tỷ đồng, vượt 20% dự toán, bằng 81% so với cùng kỳ…
Có 3/13 khoản thu không đạt dự toán, gồm: Thu thuế thu nhập cá nhân ước đạt 920 tỷ đồng, bằng 84% dự toán; thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 1.380 tỷ đồng, bằng 71% dự toán; thu lệ phí trước bạ ước đạt 780 tỷ đồng, bằng 80% dự toán.
Việc thu nội địa của Thanh Hóa giảm so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu là do tình hình sản xuất, kinh doanh của khá nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh không thuận lợi, thị trường bất động sản trầm lắng, các hoạt động giao dịch chuyển nhượng phát sinh rất ít; một số dự án mới đầu tư, đầu tư mở rộng chậm tiến độ hoặc không triển khai; nhiều địa phương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và bán đấu giá tài sản theo Nghị định số 167 của Chính phủ nhưng tỷ lệ đấu giá thành công thấp. Cùng với đó là việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế, hỗ trợ doanh nghiệp theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, nên một số khoản thu giảm so với cùng kỳ.
Cùng với đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu phụ thuộc chủ yếu vào kế hoạch nhập khẩu dầu thô của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Tuy nhiên, do nhà máy tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng theo kế hoạch 50 ngày (từ ngày 25/8 đến ngày 15/10), dẫn đến giảm 4 chuyến dầu thô nhập khẩu; đồng thời, đơn giá bình quân của dầu thô nhập khẩu giảm 31% so với cùng kỳ, vì vậy số thu từ mặt hàng này giảm mạnh so với năm 2022. Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 15.030 tỷ đồng, vượt 11% dự toán, bằng 76% so với cùng kỳ.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/thanh-hoa-se-khong-giao-dat-cho-thue-dat-doi-voi-doanh-nghiep-no-dong-tien-thue.htm