Hội nghị trực tuyến “Bồi dưỡng kiến thức pháp luật mới trong kinh doanh dịch vụ bất động sản 2024” diễn ra hôm 28/8 đã nhận được sự tham gia của 20 điểm cầu, hơn 1.000 hội viên. Hội nghị do các đơn vị thuộc Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) (gồm Viện Nghiên cứu Đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam (VARS IRE), VARs Connect) và Hiệp hội bất động sản Cần Thơ tổ chức.
QUẢN LÝ CHẶT HOẠT ĐỘNG KINH DOANH BẤT ĐỘNG SẢN
Tại hội nghị, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nhận định: Từ ngày 1/8, ba bộ luật có ảnh hưởng trực tiếp đến ngành bất động sản, bao gồm Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024, chính thức có hiệu lực, góp phần quan trọng, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, giúp thị trường bất động sản có thêm động lực để đẩy nhanh tiến trình phục hồi và phát triển theo hướng minh bạch, ổn định, bền vững. Các quy định pháp luật liên quan đến nghề môi giới bất động sản cũng đã được sửa đổi và hoàn thiện một cách toàn diện, đảm bảo tính đầy đủ và chặt chẽ hơn. Nghề này hiện nay đã nhận được sự quan tâm đúng mức, phản ánh vai trò quan trọng và không thể thiếu trong thị trường bất động sản.
Trong luật nêu trên, tác động trực tiếp và quan trọng nhất đến nghề môi giới bất động sản là Luật Kinh doanh bất động sản 2023. Luật mới yêu cầu các cá nhân hành nghề môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề và phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản.
Luật này cũng tập trung vào việc tăng cường tính minh bạch, công khai, đồng thời siết chặt quản lý các hoạt động kinh doanh bất động sản. Luật đã quy định rõ ràng hơn về các loại hợp đồng kinh doanh bất động sản, đồng thời, bổ sung các điều khoản nhằm bảo vệ quyền lợi của người mua. Các hành vi vi phạm hợp đồng như chậm bàn giao nhà, chất lượng công trình không đảm bảo sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
“Luật Kinh doanh bất động sản 2023 được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng trong việc ổn định thị trường bất động sản, giảm thiểu rủi ro cho người mua, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nhà môi giới bất động sản hoạt động lành mạnh. Tuy nhiên, việc thực hiện hiệu quả luật pháp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có vai trò của Cơ quan Quản lý Nhà nước và ý thức của các chủ thể tham gia thị trường”, bà Hoàng Thu Hằng, Trưởng phòng phòng Quản lý Thị trường bất động sản, Cục Quản lý Nhà & Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, nêu quan điểm.
Cùng với Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Nhà ở 2023 cũng đã tăng cường yêu cầu về sự minh bạch trong đầu tư, kinh doanh dự án nhà ở.
Luật đã sửa đổi, bổ sung để đảm bảo vai trò quản lý nhà nước trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tương thích với các loại quy hoạch chuyên ngành khác; có chính sách rõ ràng để khuyến khích các thành phần kinh tế khác nhau tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; giảm bớt sự chồng chéo, mâu thuẫn, lúng túng khi áp dụng – tránh tình trạng cùng một vấn đề lại được quy định ở các luật khác nhau…
Theo TS. Trần Xuân Lượng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đánh giá thị trường bất động sản Việt Nam, hướng tiếp cận và quy định như vậy của Luật Nhà ở 2023 là vừa đủ, hợp lý và tương thích với quy định pháp luật về đầu tư hiện hành.
TẠO MÔI TRUỜNG KINH DOANH MINH BẠCH, HẤP DẪN
“Sắp tới, định hướng Luật Nhà ở 2023 sẽ không đặt ra quy định về trình tự thủ tục liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhà ở thương mại, lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại mà dẫn chiếu đến các quy định pháp luật về đầu tư; cũng như không đặt ra quy định về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở mà chỉ dẫn chiếu hoặc để các nội dung liên quan đến việc giao đất, cho phép nhận quyền sử dụng đất được điều chỉnh bởi quy định pháp luật về đất đai.
Như vậy sẽ dễ hơn cho cơ quan quản lý, nhà đầu tư trong việc hiểu, áp dụng quy định pháp luật, sẽ hạn chế tình trạng có nhiều cách hiểu, áp dụng khác nhau cho cùng vấn đề, cũng như khắc phục tình trạng khi cần sửa đổi một nội dung không phù hợp thì lại phải rà soát và sửa nhiều luật khác nhau cùng điều chỉnh nội dung đó”, ông Lượng nhấn mạnh.
Bàn về tác động của Luật Đất đai 2024 đối với thị trường bất động sản, TS. Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên & Môi trường, cho biết điểm nổi bật của Luật Đất đai 2024 là sự tập trung vào việc giải quyết những vấn đề tồn tại từ lâu trong quá trình quản lý đất đai, đồng thời, tạo ra một môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, hấp dẫn. Luật đã bổ sung nhiều quy định mới, mang tính đột phá, nhằm hiện đại hóa công tác quản lý đất đai, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước.
“Một trong những điểm mới đáng chú ý là việc bãi bỏ khung giá đất, ban hành bảng giá đất mới từ 01/01/2026. Đồng thời, tại Điều 159 Luật này quy định, các tỉnh, thành phố trực thuộc TW sẽ công bố Bảng giá đất mới áp dụng từ ngày 1/1/2026; hàng năm UBND cấp tỉnh phải trình HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ ngày 01/01 năm sau. Như vậy, việc bỏ khung giá đất đồng nghĩa với việc Nhà nước không áp dụng mức giá tối thiểu và tối đa với từng loại đất nữa mà thay vào đó, trước khi ban hành ra bảng giá đất của từng địa phương, UBND cấp tỉnh sẽ căn cứ vào các nguyên tắc, phương pháp định giá đất, các quy chuẩn và giá đất, sự biến động về giá đất thực tế trên thị trường để xây dựng ra bảng giá đất.”, ông Bình cho hay.
Đánh giá chung về những quy định mới trong ba bộ luật trên, các chuyên gia đều cho rằng đã khắc phục được những mâu thuẫn và chồng chéo trước đây, từ đó nâng cao hiệu quả thực thi. Các điều chỉnh mới cũng tạo ra cơ chế rõ ràng, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản. Đến nay, tâm lý “chờ đợi” của các nhà đầu tư và doanh nghiệp đã được thay thế bằng những động thái tích cực hơn trên thị trường. Các chủ đầu tư bắt đầu “rục rịch” triển khai dự án mới. Cùng với đó, nhà đầu tư và môi giới bất động sản cũng nhanh chóng điều chỉnh phương án kinh doanh để thích nghi với những quy định pháp luật mới.
Tuy nhiên, để đáp ứng được các quy định mới, đòi hỏi các chủ thể tham gia thị trường, trong đó có lực lượng môi giới, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản… phải có định hướng phù hợp và tham gia thị trường một cách chỉn chu, chuyên nghiệp hơn.
Tại sự kiện, lãnh đạo VARS cho biết trong tương lai VARS sẽ tổ chức nhiều Hội nghị “Bồi dưỡng kiến thức pháp luật mới trong kinh doanh dịch vụ bất động sản” trực tiếp tại các địa phương, các doanh nghiệp môi giới bất động sản. Cùng với đó là tổ chức các khóa đào tạo và tập trung vào việc đào tạo quản lý sàn giao dịch bất động sản. Đặc biệt, VARS sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chính quyền địa phương để tổ chức các kỳ thi sát hạch chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản. Qua đó, nhằm góp phần nâng tầm chất lượng nghề môi giới bất động sản, đồng thời, góp phần phát triển bền vững thị trường bất động sản Việt Nam.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/tam-ly-cho-doi-dang-dan-duoc-giai-phong.htm