Theo quy hoạch, tỉnh Quảng Nam sẽ phát triển các đô thị xanh, sinh thái, gắn với cảnh quan, môi trường tự nhiên có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại và thông minh; quy hoạch và đầu tư xây dựng thiết chế công cộng quan trọng như: quảng trường, công viên cây xanh, công viên chuyên đề; khu vui chơi, giải trí, thể dục thể thao cho mọi lứa tuổi.
Gắn kết hài hòa phát triển giữa đô thị với thúc đẩy liên kết phát triển vùng. Nâng cao chất lượng đô thị hóa gắn với gia tăng hiệu quả kinh tế đô thị; nâng cấp đồng bộ về hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội, công trình kiến trúc, nhà ở, chất lượng sống của người dân; chú trọng các công trình, dự án xây dựng thân thiện với môi trường.
Phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, thông minh, giàu bản sắc, trở thành động lực và không gian phát triển mới. Đầu tư mở rộng đô thị tại các trung tâm hành chính cấp huyện, gắn kết với mạng lưới giao thông liên vùng, chú trọng chất lượng dịch vụ đô thị. Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai phù hợp với nhu cầu phát triển thực tế, nâng cao hiệu quả kinh tế, cảnh quan đô thị.
Đến năm 2025, nâng cấp 2 đô thị Nam Phước và Hà Lam lên đô thị loại IV, hình thành 4 đô thị mới là Duy Nghĩa – Duy Hải, Bình Minh, Đại Hiệp, Tam Dân; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 37%.
Đến năm 2030, nâng cấp Hội An lên đô thị loại II, Điện Bàn lên đô thị loại III, Ái Nghĩa lên đô thị loại IV, hình thành 2 đô thị mới là Việt An và Kiểm Lâm; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 40%.
Ngoài ra, dự kiến sáp nhập TP.Tam Kỳ – huyện Núi Thành giai đoạn 2026 – 2030, định hướng phát triển lên đô thị loại I.
Thị xã Điện Bàn đến năm 2030 nâng cấp lên thành cấp hành chính là thành phố; còn huyện Duy Xuyên, đến năm 2030 đô thị Nam Phước mở rộng kết nối với đô thị Duy Nghĩa – Duy Hải, đô thị Kiểm Lâm và các xã lân cận nâng cấp lên thành cấp hành chính là thị xã Duy Xuyên; huyện Thăng Bình, đến năm 2030 đô thị Hà Lam mở rộng kết nối với đô thị Bình Minh và xã lân cận, nâng cấp lên thành cấp hành chính là thị xã Thăng Bình.
Các đô thị Tắc Pỏ, thị trấn Tơ Viêng hình thành cấp hành chính là thị trấn giai đoạn 2021 – 2025; đô thị Tam Dân, Đại Hiệp hình thành cấp hành chính là thị trấn giai đoạn 2026 – 2030.
Để thực hiện mục tiêu, tỉnh sẽ nghiên cứu áp dụng các mô hình thực tiễn quản lý phát triển đô thị ở một số khu vực có điều kiện tương đồng với tỉnh. Ứng dụng kỹ thuật tiên tiến và thực hiện đồng bộ chính sách, thiết chế để triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, chương trình quốc gia về phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.
Đồng thời cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và nâng cấp đô thị; xây dựng và phát triển các đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt, tạo hiệu ứng lan toả, liên kết đô thị. Quản lý giám sát chặt chẽ việc xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, kết nối mạng lưới hạ tầng chung của địa phương và vùng lân cận.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/quang-nam-quy-hoach-he-thong-do-thi-thanh-dong-luc-phat-trien-moi.htm