Tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai: Chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất công” do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức, TS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Luật gia Việt Nam, cho biết trong những năm qua, công tác quản lý, sử dụng đất đã từng bước được triển khai chặt chẽ. Qua đó, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát huy nguồn lực đất đai vào phát triển sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực, thực tiễn cho thấy vẫn tồn tại nhiều bất cập.
THU HỒI DỰ ÁN CHẬM TIẾN ĐỘ CHƯA ĐÚNG QUY ĐỊNH
Cụ thể, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng đất ở một số nơi chưa nghiêm; hiệu quả khai thác, sử dụng đất chưa cao, gây ảnh hưởng lớn đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đã tạo nên những điểm “nghẽn” và làm thất thoát nguồn lực của quốc gia và toàn xã hội.
Ngoài ra, công tác thu hồi dự án không triển khai thực hiện, chậm tiến độ, vi phạm quy định Luật Đất đai cũng có nơi chưa được quan tâm, chú trọng theo đúng quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư cùng nhiều văn bản pháp luật liên quan. Hàng nghìn dự án thuộc đối tượng Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng nhưng chưa xử lý; tình hình thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai của cả nước từ khi ban hành Luật Đất đai năm 2013 đến nay còn nhiều.
Theo Báo cáo số 1557/BC-TTCP ngày 12/9/2022 của Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2016-2021 đã phát hiện vi phạm 63.200ha đất, kiến nghị thu hồi 31.287ha đất.
Trong đó, kết quả thực hiện kết luận thanh tra thu hồi về cho Nhà nước được 3.931ha/7.727ha phải thu hồi; gồm cả đất công của các đơn vị sự nghiệp công lập, khi việc sử dụng đất ở một số tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư còn sai phạm, như: diện tích, số lượng cơ sở đất mà tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư được giao rất lớn, nhưng chưa được quản lý chặt chẽ. Nhiều diện tích đất chưa sử dụng, hoặc sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, chưa được ký hợp đồng thuê đất…
Một số đơn vị có hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư của tập đoàn, tổng công ty không tự triển khai dự án gắn với quyền sử dụng đất mà góp vốn với đối tác bên ngoài, sau đó thoái vốn hoặc cam kết thoái vốn để chuyển giao đất cho đối tác không thông qua đấu giá, nên dẫn đến thất thoát tài sản Nhà nước…
Bên cạnh đó, đối với việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thì trước khi cổ phần hóa vẫn có trường hợp không xây dựng phương án sử dụng đất; xây dựng, phê duyệt phương án không phù hợp với phương án sắp xếp xử lý nhà, đất và quy hoạch sử dụng đất; chưa công khai minh bạch thông tin liên quan đến đất đai. Sau cổ phần hóa còn sử dụng đất không đúng mục đích; để hoang hóa, bị tranh chấp, lấn chiếm; chậm hoàn thiện thủ tục pháp lý; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không qua đấu giá; chuyển đổi mục đích không phù hợp quy hoạch….
Thạc sỹ Võ Văn Tài, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM cho rằng những hành vi vi phạm quy định về quản lý đất đai xảy ra trên thực tế thời gian qua thường cấu thành các tội danh: vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ngây thất thoát, lãng phí; vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; tội vi phạm quy định về quản lý đất đai…
XEM XÉT NÂNG MỨC XỬ PHẠT Ở MỨC CAO
Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Huệ, Trưởng Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam, đề nghị Quốc hội tiếp tục tăng cường công tác giám sát những nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về Quản lý, xử lý các dự án treo, vi phạm quy định pháp luật đất đai, đầu tư nhất là khu vực nhà đất công;
Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan hữu quan hoàn thành việc rà soát, thống kê, tổng hợp đầy đủ các thông tin, số liệu, danh mục dự án vi phạm pháp luật về đất đai. Từ đó, có giải pháp xử lý, khắc phục. Đặc biệt, tổng hợp đầy đủ trường hợp vi phạm liên quan đến quản lý, sử dụng đất, việc xử lý, thu hồi đất đai các dự án này để sớm đưa đất đai vào sử dụng, phát huy hiệu quả, không gây thất thoát…., góp phần phát triển kinh tế;
Hoàn thiện cơ chế, chính sách; xem xét nâng mức xử phạt hành chính ở mức cao nhằm hạn chế hành vi vi phạm. Mặt khác, tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng đất; nâng cao vai trò, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về đất đai của một bộ phận cán bộ, công chức; Kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế trong quản lý, khai thác, sử dụng đất, bảo đảm khai thác tiết kiệm, hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên và nguồn lực nhà nước;
Xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm; chậm thực hiện kiến nghị của thanh tra, không kịp thời thu hồi vốn, tài sản Nhà nước.
Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đất đai, giúp giảm thiểu thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên và nguồn lực nhà nước.
“Sự lãng phí, thất thoát không chỉ gây thiệt hại nguồn lực về tài chính, tài sản, thời gian, mà còn mất đi cơ hội cũng như nguồn lực tổng hợp khác. Tuy nhiên, Luật Đất đai 2024 với nhiều sửa đổi, bổ sung mới, trong đó, có việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quản lý, sử dụng đất công, kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, chống lãng phí và vi phạm trong sử dụng đất khu vực này”, TS. Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nhấn mạnh.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/nhan-dien-vi-pham-trong-quan-ly-va-su-dung-dat-cong.htm