Trên đây là một trong những nội dung trong phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật (mạng lưới giao thông đường bộ) nằm trong Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1701/QĐ-TTg, do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ký ban hành.
Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đảm bảo tính liên kết, kết nối liên ngành, liên vùng, liên khu vực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Thuận, bảo đảm an ninh và quốc phòng.
Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng thúc đẩy phát triển vận tải đa phương thức. Tập trung nâng cấp các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, các tuyến kết nối ngang, đầu tư mở mới một số tuyến phục vụ khai phá tiềm năng của tỉnh và kết nối phục vụ phát triển công nghiệp, du lịch, khu vực dân cư, đô thị. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phát triển mạng lưới đường sắt, đường biển và hàng không đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách. Đầu tư xây dựng cảng cạn (ICD) và phát triển dịch vụ logistics.
Cụ thể về đường bộ, đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc, đường ven biển quốc gia theo quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ quốc gia trên địa bàn; nâng cấp mở rộng hệ thống quốc lộ trên địa bàn tỉnh. Trong đó đáng lưu ý là chủ trương nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc kết nối Vĩnh Hảo – Liên Khương từ Bình Thuận đi Lâm Đồng, theo quy định hiện hành nhằm tăng cường liên kết vùng, đẩy mạnh giao thương, phát triển dịch vụ, du lịch giữa các địa phương thuộc tiểu vùng Nam Tây Nguyên và tiểu vùng duyên hải Trung Bộ.
Việc nghiên cứu xây dựng tuyến cao tốc trục đông tây nối duyên hải Nam Trung Bộ đi Tây Nguyên phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ngoài ra, quy hoạch cũng đề cập nâng cấp, cải tạo, mở mới một số tuyến đường tỉnh có tính chất quan trọng đạt từ cấp II – III, các tuyến còn lại tối thiểu đạt cấp IV.
Theo quy hoạch, Bình Thuận sẽ xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các trục giao thông kết nối với mạng lưới giao thông quan trọng quốc gia (đường quốc lộ 1, đường bộ cao tốc, đường ven biển quốc gia, đường sắt, cảng hàng không Phan Thiết, bến cảng Vĩnh Tân, bến cảng Sơn Mỹ) đến các khu đô thị, du lịch (nhất là Khu du lịch ven biển quốc gia Mũi Né), các khu, cụm công nghiệp và các khu vực tiềm năng phát triển của tỉnh. Trong đó đầu tư 9 tuyến giao thông kết nối liên thông với đường bộ cao tốc đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III đồng bằng, quy mô tối thiểu 2 làn xe; 6 tuyến giao thông chính kết nối đến cảng hàng không Phan Thiết, khu du lịch quốc gia Mũi Né; phát triển 5 tuyến giao thông phục vụ phát triển dịch vụ logistics tại khu vực bến cảng Vĩnh Tân,…
Về đường sắt, đầu tư nâng cấp tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cấp II, nghiên cứu xây dựng các tuyến đường nhánh kết nối đến bến cảng Vĩnh Tân phục vụ vận tải hàng hóa cho khu vực logistics Vĩnh Tân. Cải tạo tuyến nhánh từ ga Bình Thuận đến ga Phan Thiết phục vụ vận tải hành khách chất lượng cao. Xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam theo quy hoạch được phê duyệt; xây dựng hệ thống các ga đường sắt và hạ tầng kết nối với hệ thống giao thông đối ngoại.
Về hạ tầng cảng, đầu tư nâng cấp mở rộng, xây dựng mới các bến cảng biển, cảng hàng không, ICD,… Cụ thể, hoàn thành việc mở rộng, nâng cấp các bến cảng trên địa bàn tỉnh, trong đó bến cảng Vĩnh Tân, bến cảng Sơn Mỹ phục vụ phát triển công nghiệp, năng lượng; bến cảng Kê Gà phục vụ nhà máy điện khí LNG Kê Gà; bến cảng Phú Quý, bến cảng Phan Thiết phục vụ cho vận tải hàng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phát triển du lịch.
Xây dựng hoàn thiện và đưa vào sử dụng cảng hàng không Phan Thiết đạt cấp 4E, công suất đạt 3 triệu hành khách/năm theo đúng tiến độ. Thực hiện duy tu, bảo dưỡng và nghiên cứu cải tạo, nâng cấp, mở rộng năng lực cảng hàng không Phan Thiết khi cần thiết đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Ngoài ra cũng nghiên cứu đầu tư xây dựng sân bay chuyên dùng tại huyện đảo Phú Quý theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch còn đề cập đến việc đầu xây mới các ICD. Cụ thể, thu hút đầu tư xây dựng một ICD tại huyện Hàm Thuận Nam cung cấp các dịch vụ cảng cạn theo hành lang vận tải quốc lộ 1. Nghiên cứu thu hút đầu tư xây dựng 2 ICDs (ICD Hàm Tân, ICD Vĩnh Tân) quy mô từ 6 – 12ha, khi bảo đảm đủ điều kiện theo quy định hiện hành và phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phục vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu tại các khu công nghiệp của tỉnh và phân phối hàng hóa nhập khẩu cho khu vực và vùng lân cận.
Hiện nay, giao thông đường bộ cao tốc kết nối duyên hải Miền Trung và Nam Trung Bộ và Tây Nguyên liên vùng qua các trục ngang gồm các tuyến quốc lộ 19, 20, 24, 25, 26,… Đặc biệt có tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1) có tổng chiều dài 117,5 km nối khu vực cảng Nam Vân Phong (Ninh Hòa, Khánh Hòa) với TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/nghien-cuu-lam-truc-cao-toc-vinh-hao-lien-khuong-noi-duyen-hai-nam-trung-bo-voi-tay-nguyen.htm