Ngày 27/5, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Thay mặt Chính phủ, trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết việc xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về chính sách phát triển đường sắt hiện đại, đồng bộ, bền vững, có trọng tâm, trọng điểm.
SỬA LUẬT TẠO BƯỚC ĐỘT PHÁ THỂ CHẾ
Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) được Bộ Xây dựng trình lần này nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập về thể chế, đồng thời tạo động lực mới cho sự phát triển của ngành đường sắt, tăng cường năng lực cạnh tranh của phương thức vận tải này. Dự thảo tập trung vào 5 nhóm vấn đề đổi mới quan trọng, mang tính đột phá, để hình thành hành lang pháp lý cho phát triển đường sắt.
Đáng chú ý, về cơ chế đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, dự thảo bổ sung các quy định nhằm huy động tối đa nguồn lực từ địa phương và các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư.
Theo đó, tổ chức, cá nhân được khuyến khích tham gia đầu tư hạ tầng đường sắt thông qua nhiều hình thức hợp đồng như BT, BOT, BTO, BLT, BTL. Đồng thời, dự thảo cũng bổ sung quy định khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt như một phần trong cơ chế huy động nguồn lực.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cho phép địa phương sử dụng ngân sách của mình để thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư và đầu tư xây dựng một số hạng mục thuộc kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.
Để rút ngắn thời gian chuẩn bị đầu tư, dự thảo cũng bổ sung quy định cho phép áp dụng thiết kế kỹ thuật tổng thể (thiết kế FEED) thay cho thiết kế cơ sở trong Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Với các tuyến đường sắt đô thị nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt, UBND cấp tỉnh được quyết định thực hiện ngay việc lập, thẩm định và phê duyệt đầu tư dự án mà không cần thực hiện các thủ tục lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh, quy định này là giải pháp đột phá tháo gỡ điểm nghẽn về trình tự, thủ tục đầu tư hệ thống đường sắt đô thị, góp phần hiện thực hóa Kết luận số 49 của Bộ Chính trị về đẩy nhanh tiến trình đầu tư và hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2035.
ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP ĐƯỜNG SẮT
Về phát triển công nghiệp và nguồn nhân lực đường sắt, dự thảo luật bổ sung quy định các dự án đầu tư xây dựng đường sắt hoặc công trình công nghiệp đường sắt có gói thầu tổ chức đấu thầu quốc tế phải ràng buộc điều kiện về chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho phía Việt Nam. Mục tiêu nhằm nâng cao năng lực nội tại trong công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì và làm chủ công nghệ.
Dự thảo cũng yêu cầu các nhà thầu, chủ đầu tư ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trong nước có khả năng sản xuất, cung cấp. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp đường sắt và mở rộng thị trường đủ lớn để kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ.
Bổ sung quan trọng khác trong dự thảo là quy định danh mục dịch vụ, hàng hóa công nghiệp đường sắt được giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng; xác lập tiêu chí lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp nhà nước được giao nhiệm vụ hoặc tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được đặt hàng.
Dự thảo cũng đề xuất các chính sách đặc thù cho tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp đường sắt, bao gồm việc nghiên cứu, ứng dụng và tiếp nhận chuyển giao công nghệ.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt đòi hỏi nguồn lực lớn, do đó việc bổ sung cơ chế đảm bảo đầu ra là điều kiện tiên quyết để khuyến khích các doanh nghiệp tiên phong yên tâm đầu tư, đồng thời thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Ở góc độ cải cách hành chính, dự thảo luật lần này đã cắt giảm 4 thủ tục hành chính, sửa đổi về chủ thể thực hiện đối với 10 thủ tục và kế thừa 6 thủ tục hiện hành. Đặc biệt, một số thẩm quyền trước đây thuộc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã được chỉnh lý, phân cấp cho Bộ trưởng Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương nhằm tăng tính chủ động trong công tác đầu tư và quản lý hạ tầng đường sắt.
CẦN LÀM RÕ CƠ CHẾ VÀ MINH BẠCH CHÍNH SÁCH
Trình bày báo cáo thẩm tra đối với Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện đạo luật này nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn thi hành, đồng thời tạo nền tảng pháp lý cho ngành đường sắt phát triển bền vững và hội nhập.
Đi sâu vào các nội dung cụ thể, Ủy ban đề nghị rà soát, làm rõ hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng riêng cho từng loại hình đường sắt; bảo đảm sự kết nối hợp lý, hiệu quả giữa các loại hình này trong tổng thể mạng lưới đường sắt quốc gia; đồng thời đánh giá lại tính khả thi trong việc phân loại hệ thống đường sắt gắn với đối tượng quản lý và năng lực đầu tư.
Liên quan đến nội dung quy hoạch, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cần xác định rõ các điểm mới trong quy hoạch mạng lưới, tuyến và ga đường sắt nếu có sự khác biệt so với Luật Quy hoạch hiện hành. Trong trường hợp không có nội dung mới, cần dẫn chiếu tuân thủ theo quy định của Luật Quy hoạch nhằm đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Về kết nối giao thông, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế kết nối đồng bộ giữa đường sắt với các loại hình vận tải khác; làm rõ tiêu chí công suất đối với các đầu mối giao thông trọng yếu như cảng biển, cảng cạn và cảng hàng không; xem xét quy định trách nhiệm và thẩm quyền trong việc quyết định kết nối ray giữa các tuyến đường sắt chuyên dùng; đồng thời thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành để nâng cao hiệu quả kết nối trong quy hoạch và vận hành.
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình đường sắt và khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga, đa số ý kiến đồng thuận với đề xuất của Chính phủ về việc mở rộng cơ chế chính sách để tháo gỡ điểm nghẽn trong trình tự, thủ tục đầu tư cho các tuyến đường sắt đô thị, qua đó đẩy nhanh mục tiêu hoàn thiện hệ thống đường sắt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2035. Tuy nhiên, một số ý kiến khác đề nghị cần báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền đối với các cơ chế chính sách đặc thù được nêu tại Điều 19 và Điều 21 của dự thảo nhằm đảm bảo chặt chẽ về mặt pháp lý và phù hợp với các chủ trương lớn của Đảng.
Đối với định hướng phát triển công nghiệp đường sắt và phương tiện giao thông đường sắt, Ủy ban đề nghị bổ sung quy định về phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt, giúp nâng cao năng lực sản xuất nội địa và chủ động về công nghệ. Cần xác lập rõ các điều kiện chuyển giao công nghệ mang tính bắt buộc khi đấu thầu quốc tế, mở rộng cơ chế phát triển và ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực đường sắt, đồng thời nghiên cứu thành lập các trung tâm công nghệ chuyên sâu có sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học.
Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt và bảo đảm an sinh xã hội, dự thảo cần làm rõ các tiêu chí để xác định chi phí hợp lý và quy trình bù đắp từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra, đề nghị bổ sung quy định về công khai, minh bạch trong toàn bộ quá trình hỗ trợ nhằm hạn chế rủi ro và đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Cuối cùng, trong nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động đường sắt, Ủy ban đề xuất chỉ giữ lại các quy định thực sự cần thiết và mang tính đặc thù, đồng thời bảo đảm quyền chủ động trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ theo đúng tinh thần của Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/luat-duong-sat-sua-doi-thao-go-nhieu-diem-nghen-mo-khong-gian-khuyen-khich-moi-thanh-phan-kinh-te-dau-tu-ha-tang-duong-sat.htm