Việc giao dịch nhà đất thường được bên mua tìm hiểu kỹ lưỡng từ hồ sơ, giấy tờ pháp lý… song thực tế, các đối tượng vẫn dùng nhiều chiêu trò để “qua mặt” lừa đảo.
TAND TP Hà Nội vừa xét xử bị cáo Phạm Hữu Tuấn (SN 1983, ở phường Dịch Vọng, quận Cầu giấy, Hà Nội) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, thông qua quan hệ xã hội, anh Lê Việt A. (Sn 1992, ở Hải Phòng) quen biết Tuấn.
Đầu tháng 4/2020, do không có tiền chi tiêu và trả nợ cá nhân nên Tuấn nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của anh Việt A .
Tuấn gọi điện thoại cho anh Việt A. nói mình có suất đất ngoại giao tại dự án “đất vàng”, nằm “xen kẹt” ở Hà Nội, hiện đang là đất nông nghiệp , giá bán là 60 triệu đồng/m2. Khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì giá đất có thể lên tới 200 triệu đồng/m2. Nếu anh Việt A. muốn mua thì gặp Tuấn để trao đổi cụ thể.
Do có nhu cầu mua đất để đầu tư, anh Việt A. và Tuấn hẹn nhau ở khách sạn Marriot. Ngày hôm đó, Tuấn đi cùng vợ đến điểm hẹn.
Khi gặp nhau, Tuấn nói với anh Việt A. có khu đất 100m2, nằm trong khu đất ở dự án đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài, thuộc phường Xuân La, quận Tây Hồ, giá 6 tỷ đồng. Nếu anh việt A. mua thì đưa trước 2 tỷ đồng. Khi nào làm sổ đỏ thì đưa nốt tiền. Thời điểm này anh Việt A. chưa biết khu đất thuộc dự án nào.
Sau đó, thông qua một số môi giới bất động sản, Tuấn lấy được bản gốc “hồ sơ kỹ thuật thửa đất…”, bỏ trống tên chủ sử dụng, địa chỉ phường Xuân La, quận Tây Hồ, diện tích 18.064m2, có đóng dấu màu đỏ công ty, chữ ký tổng giám đốc.
Tuấn tự điền tên mình là chủ đất rồi chụp ảnh gửi cho anh Việt A. qua zalo.
Đến cuối tháng 4/2020, anh Việt A. nhờ anh trai đi xem thửa đất trên. Thấy anh trai nói vị trí khu đất đẹp, có thể mua được nên anh Việt A. đã chuyển 2 tỷ đồng cho Tuấn.
Theo cam kết, trong vòng 12 tháng Tuấn phải làm xong sổ đỏ. Tuy nhiên, quá hạn, Tuấn trì hoãn rồi khất lần rồi lẩn tránh và không trả lại tiền. Anh Việt A. gửi đơn tố giác ra cơ quan công an. Ngày 15-8-2023 thì Tuấn bị bắt.
Số tiền chiếm đoạt Tuấn sử dụng để trả nợ và chi tiêu cá nhân.
Xác minh tại UBND phường Xuân La thì khu đất trên đã được quy hoạch xây dựng trường học quốc tế. Chủ đầu tư xác định không hợp tác, đầu tư và kinh doanh với Tuấn. Với hành vi này, Tuấn bị xử phạt 12 năm tù.
Trong vụ án khác, các bị hại có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng gặp phải tình huống “giao trứng cho ác”.
TAND TP Hà Nội đã thụ lý vụ án liên quan bị cáo Phùng Khắc Bảo (SN 1977, ở xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai, Hà Nội ) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cáo trạng cho thấy, Bảo quen biết ông Đỗ Hữu V. (SN 1966) từ năm 2006, khi đó Bảo là nhân viên hợp đồng của UBND xã Hòa Thạch. Đến năm 2019, Bảo đã nghỉ việc.
Trong thời gian quen biết nhau, Bảo biết ông V. có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng việc nên nảy sinh ý định lừa đảo, chiếm đoạt tiền.
Vì tin tưởng nên ông V. đã nhiều lần đưa tiền cho ông Bảo. Cụ thê ngày 26/12/2021, Bảo hứa hẹn giúp ông V. làm hồ sơ chuyển đổi mục đích sưe dụng khu đất đồi chè với khung giá đất vườn là 98.000 đồng/m2, đất thổ cư là 600.000 đồng/m2. Phí dịch vụ được trả sau khi hoàn thiện hồ sơ.
Tin tưởng nên ông V. đã đưa cho Bảo 460 triệu đồng và hồ sơ 3.120m2 đất trồng chè ở xã Hòa Thạch. Ông V. nhờ Bảo chuyển đổi sang 150m2 đất ở và 2.970m2 đất vườn.Bảo nhận tiền và viết giấy biên nhận ghi rõ nội dung trên.
Sau đó có 4 hộ gia đình là bạn bè, người thân ông V. nhờ Bảo chuyên đổi mục đích sử dụng đất. Bảo nhận 1,4 tỷ đồng.
Theo yêu cầu của Bảo, ông V. chuyển thêm 200 triệu đồng để Bảo chi phí làm hồ sơ.
Nhận tiền nhưng Bảo không thực hiện theo cam kết mà sử dụng chi tiêu cá nhân.
Sau đó Bảo dùng máy tính, chỉnh sửa, cắt ghép hình ảnh biên lai thể hiện nội dung nộp tiền sử dụng đất,gửi cho ông V. để bị hại yên tâm.
Quá thời hạn, ông V. hỏi thì Bảo không trả lại tiền nên ông V. tố giác hành vi của Bảo ra cơ quan công an. Bảo mới trả lại 100 triệu đồng.
Cáo buộc thể hiện Bảo chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng. Hiện ông V. đã trả lại tiền cho những ngưòi thân và yêu cầu Bảo trả lại hơn 1,96 tỷ đồng.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/lua-dao-de-chiem-doat-tien-trong-giao-dich-dat-dai.htm