Các mô hình khu công nghiệp sinh thái tại nhiều quốc gia phát triển như khu công nghiệp xanh tại Singapore, khu công nghiệp thông minh tại Hàn Quốc và Nhật Bản – tất cả đều đang tích cực hướng tới việc giảm phát thải, tiết kiệm năng lượng, tối ưu hóa quản trị và tạo dựng cộng đồng lao động chất lượng cao. Đó chính là mô hình ESG mà các khu công nghiệp trên toàn cầu đang hướng đến.
XU HƯỚNG ESG MÀ CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN THẾ GIỚI ĐANG HƯỚNG ĐẾN
Theo Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), ESG là bộ tiêu chuẩn nhằm đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và mức độ tác động của doanh nghiệp đến ba khía cạnh chính: Môi trường (Environmental), Xã hội (Social), và Quản trị (Governance). Trong đó, về môi trường (E): hướng đến việc kiểm soát khí thải, chất thải, sử dụng năng lượng, nước sạch, vật liệu và đa dạng sinh học. Về xã hội (S): đảm bảo điều kiện lao động, sức khỏe nghề nghiệp, bình đẳng và quyền lợi cho người lao động, cũng như mức độ ảnh hưởng đến cộng đồng địa phương. Về quản trị (G): đề cao tiêu chuẩn đạo đức, tính minh bạch, hiệu quả quản trị, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư và sự tham gia của các bên liên quan.
ESG không còn là một lựa chọn, mà đã trở thành một tiêu chuẩn cần thiết cho sự phát triển bền vững, là một khung đánh giá toàn diện về tính bền vững và trách nhiệm xã hội của tổ chức/doanh nghiệp là chủ đầu tư khu công nghiệp. Lợi ích của ESG không chỉ dừng lại ở việc giảm thiểu rủi ro môi trường mà còn mở ra cơ hội cho tổ chức/doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn xanh, thu hút đầu tư quốc tế, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh.
Các tổ chức quốc tế như IFC, GRI, hay SASB đã đưa ra các bộ tiêu chuẩn ESG chi tiết nhằm hướng dẫn doanh nghiệp và khu công nghiệp thực hành ESG bài bản.
THÁCH THỨC CỦA CÁC KHU CÔNG NGHIỆP LÂU NĂM TẠI VIỆT NAM KHI HƯỚNG ĐẾN ESG
Phần lớn các khu công nghiệp đầu tư từ lâu tại Việt Nam đều gặp khó khăn khi tiếp cận các tiêu chí ESG. Lý do bởi hệ thống hạ tầng được xây dựng đã lâu, đến nay đều đã hết khấu hao; thiếu cơ chế giám sát môi trường tích hợp, dịch vụ xã hội còn hạn chế và nhận thức về ESG trong cộng đồng doanh nghiệp chưa đồng đều.
Các khu công nghiệp mới có thể thiết kế ngay từ đầu để hướng tới mô hình sinh thái hoặc thông minh, trong khi đó các khu công nghiệp đã đầu tư lâu buộc phải đối mặt với bài toán “vừa vận hành – vừa cải tạo chuyển đổi”, đòi hỏi phải có chiến lược đầu tư hợp lý theo từng giai đoạn và phù hợp ngân sách. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần có chứng chỉ xanh để thâm nhập và duy trì thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản…
Khu công nghiệp ESG tại Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển ban đầu, với nhiều tiềm năng nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức.
Thứ nhất, đó là áp lực từ chính các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp về năng lực quản lý, sự phơi nhiễm cao trong các ngành như thép kim loại nặng, dệt nhuộm, sản xuất giấy, khai thác mỏ, dầu khí, tiện ích điện và thực phẩm.
Thứ hai, 80% doanh nghiệp tại Việt Nam đã cam kết hoặc dự định thực hiện các cam kết về ESG trong 2- 4 năm tới, các doanh nghiệp nước ngoài cam kết rất mạnh mẽ.
Những thực tế này đang tạo áp lực cho các khu công nghiệp cũng cần nhanh chóng chuyển đổi đáp ứng nhu cầu của khách hàng, giải bài toán chung của thị trường.
Hiện tại, một số khu công nghiệp tại Việt Nam do IMC quản lý vận hành đã tìm ra lời giải cho bài toán chuyển đổi các khu công nghiệp cũ sang mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp thông minh.
Theo đó, đơn vị quản lý vận hành khu công nghiệp đã tiến hành các giải pháp cải tạo các hạng mục theo hướng ESG, bao gồm: Hệ thống đường giao thông, hệ thống chiếu sáng, hệ thống cây xanh, hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thoát nước thải,… Cần nói rằng IMC là đơn vị đã có kinh nghiệm thực tế trong quản lý vận hành các khu công nghiệp với trên 10 dự án khu công nghiệp, trong đó, dự án khu công nghiệp lâu đời nhất đã đi vào hoạt động gần 30 năm. IMC đã tính toán việc thay thế, cải tạo các hệ thống trên với mục tiêu đảm bảo tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải, tối ưu chi phí duy tu, đáp ứng các yêu cầu về môi trường.
Đơn cử, hệ thống chiếu sáng trong khu công nghiệp được chuyển đổi hoàn toàn sang đèn LED đã góp phần tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải; hệ thống thoát nước thải bằng ống bê tông cũ đã được thay thế bằng ống HDPE, kết hợp đầu tư mới nhà máy xử lý nước thải để đáp ứng yêu cầu về môi trường…
Bằng cách làm trên, các yếu tố ESG đã được tích hợp ngay vào hạ tầng. Độ khó của bài toán đã được chuyển sang việc cân đối giữa ngân sách cải tạo sửa chữa hạ tầng khu công nghiệp và doanh thu từ dịch vụ QLVH (cụ thể là tìm kiếm giải pháp phù hợp để cải tạo sửa chữa, nâng cấp nhiều hạng mục phù hợp xu thế ESG thay vì theo đuổi việc xây dựng mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp thông minh ngay từ đầu tư các quốc gia phát triển đã đề cập ở phần đầu.
Thực tế cho thấy, để đạt được tiêu chuẩn ESG cần đầu tư khoảng 15% tổng doanh thu hàng năm vào hạ tầng. Mặc dù khoản đầu tư này là đáng kể, song về lâu dài sẽ giúp tăng hiệu suất vận hành, kéo dài tuổi thọ hạ tầng và thu hút nhà đầu tư tiềm năng nhờ hình ảnh phát triển bền vững. Đối với các khu công nghiệp có diện tích lớn, việc đầu tư không nhất thiết phải dồn một lần mà IMC có giải pháp chia thành các giai đoạn theo lộ trình.
Giải quyết được bài toán chuyển đổi sẽ giúp các khu công nghiệp của Việt Nam có thêm cơ hội thu hút đầu tư chất lượng cao, tăng năng lực cạnh tranh quốc tế, đóng góp vào phát triển bền vững. Thực tiễn trên cho thấy vận hành khu công nghiệp tiệm cận theo chuẩn ESG có nhiều thách thức, không thể thực hiện trong “một sớm một chiều”, mà đòi hỏi sự ưu tiên, chiến lược đầu tư hợp lý và thực hiện theo lộ trình dài hạn.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/loi-giai-cho-bai-toan-chuyen-doi-cac-khu-cong-nghiep-cu-sang-mo-hinh-khu-cong-nghiep-sinh-thai.htm