Thủ tướng vừa ký quyết định lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo, đốc thúc tiến độ triển khai các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM (Tổ công tác).
Tổ công tác do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà làm tổ trưởng, các Tổ phó gồm Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Xây dựng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, TP.HCM và 9 ủy viên.
Theo quyết định, Phó Thủ tướng Chính phủ – Tổ trưởng Tổ công tác khi ký các văn bản chỉ đạo được sử dụng con dấu của Thủ tướng Chính phủ; các Tổ phó Tổ công tác và các Ủy viên Tổ công tác khi ký các văn bản để thực hiện nhiệm vụ thành viên Tổ công tác được sử dụng con dấu của bộ, ngành, địa phương đó.
Về chức năng, nhiệm vụ Tổ công tác sẽ giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm điểm các bộ, ngành, cơ quan có liên quan trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành, xử lý khó khăn vướng mắc, tháo gỡ cơ chế kịp thời nhằm đảm bảo tiến độ các dự án đường sắt đô thị triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội và TP.HCM.
Đồng thời, trong quá trình hoạt động, tổ cũng nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong chính sách đầu tư. Nếu cần thiết, tổ được nghiên cứu học tập kinh nghiệm một số nước có đường sắt đô thị hiện đại và mời các chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm góp ý.
Hằng tháng, Tổ công tác đánh giá kết quả thực hiện, kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc, giải quyết hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết theo thẩm quyền. Bộ Giao thông vận tải là Cơ quan thường trực Tổ công tác; sử dụng bộ máy của mình để thực hiện nhiệm vụ giúp việc Tổ công tác; xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, tổng hợp nội dung báo cáo và dự thảo kết luận cho các kỳ họp của Tổ công tác.
Cùng với đó, UBND thành phố Hà Nội và TP.HCM có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện các dự án cho Tổ công tác, định kỳ một tháng hoặc đột xuất theo yêu cầu.
Kinh phí hoạt động của Tổ công tác do ngân sách nhà nước đảm bảo và được bố trí thường xuyên. Tổ sẽ giải thể sau khi dự án hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng hoặc theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Theo kết luận của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Hà Nội và TP.HCM phải đạt mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị trong 12 năm. Theo đó, đến năm 2035, mỗi thành phố hoàn thành 200 km đường sắt đô thị.
Theo kế hoạch, đến năm 2030 TP.HCM sẽ có 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất (đường sắt một ray) tổng chiều dài khoảng 220 km, vốn đầu tư ước tính 25 tỷ USD. Hiện, tuyến số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành – Tham Lương) tổng chiều dài hơn 30 km đã được triển khai từ vốn ODA theo cơ chế cấp phát từ ngân sách Trung ương. Các tuyến còn lại chưa được đầu tư.
Quy hoạch đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417 km, trong đó đi trên cao 342 km, ngầm 75 km. Hiện, Hà Nội chỉ có tuyến Cát Linh – Hà Đông vận hành thương mại sau hơn 10 năm xây dựng.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/lap-to-cong-tac-doc-thuc-tien-do-duong-sat-do-thi-ha-noi-va-tp-hcm.htm