“Với những kết quả đạt được trong năm 2023, chúng ta kỳ vọng năm 2024 sẽ đạt được những kết quả tốt hơn về kinh tế – xã hội trong bối cảnh trong nước và quốc tế đang có những thay đổi.
Thứ nhất, hệ thống nền tảng pháp luật của Việt Nam đang được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong những lĩnh vực có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế, liên quan đến sản xuất kinh doanh, bất động sản, các vấn đề về tài chính, tín dụng…
Thứ hai, trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta vẫn có những điểm sáng, đặc biệt trong xuất khẩu nông sản với rất nhiều ngành hàng hiện nay đang có giá trị xuất khẩu lớn, nhiều ngành đã đạt được con số trên 1 tỷ USD.
Bên cạnh đó, lúa gạo vẫn là ngành giữ vị trí quan trọng trong xuất khẩu hiện nay, vừa bảo đảm an ninh lương thực trong nước, vừa tăng cường xuất khẩu để đóng góp ngoại tệ cho đất nước. Có thể nói, nông nghiệp vẫn đang trên đà ổn định.
Chính phủ đang từng bước tích cực tháo gỡ những khó khăn tròn việc thực hiện các Hiệp định thương mại quốc tế với Liên minh châu Âu (EU), Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), tiếp tục mở rộng các thị trường sang khu vực khác như khu vực Mỹ Latinh bên cạnh các thị trường truyền thống.
Với sự kết hợp rất nhiều biện pháp cũng như những kết quả đạt được trong năm 2023 và sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, đặc biệt là sự nỗ lực của người dân, doanh nghiệp, tôi hy vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ đạt kết quả tốt hơn.
Mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% là kỳ vọng nhưng sẽ bị tác động, phụ thuộc bởi rất nhiều yếu tố. Một là, các yếu tố từ thị trường nước ngoài, bối cảnh địa chính trị thế giới có những biến động, sẽ trực tiếp tác động đến chuỗi kinh tế toàn cầu; trong khi nền kinh tế Việt Nam đang có độ mở lớn và phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố đó.
Hai là, những nỗ lực từ phía trong nước, kịp thời tháo gỡ khó khăn về thể chế, về cơ chế, chính sách cho người dân và doanh nghiệp.
Ba là, những biện pháp can thiệp của Nhà nước trong hỗ trợ, chính sách phát triển, đặc biệt liên quan đến chính sách về tín dụng và vốn đầu tư, đó là những vấn đề quan trọng.
Về đầu tư nước ngoài, chúng ta cần thiết lập một chính sách ổn định nhằm thu hút được đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vừa góp phần để thu hút đầu tư mới, vừa để tăng cường mở rộng tái đầu tư.
Việc Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua cũng là một nội dung quan trọng. Bên cạnh việc thực hiện những quy định của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), cần có những chính sách ưu đãi nhất định để kịp thời giữ chân cũng như thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Với những động thái tích cực và những kết quả đạt được của năm 2023, tôi hy vọng rằng năm 2024 nền kinh tế của nước ta sẽ có những triển vọng tốt hơn, khởi sắc hơn”.
“Khi thảo luận về kinh tế – xã hội tại Kỳ họp thứ 6, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn khi đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5% trong năm 2024 bởi tình hình trong nước và thế giới tiếp tục có nhiều khó khăn. Tôi cho rằng, với sự nỗ lực của Chính phủ và sự đồng hành của Quốc hội, mục tiêu này có thể đạt được, bởi chúng ta đang nỗ lực, tập trung tối đa vào 3 trụ cột: đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Với sự cố gắng, quyết tâm của Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm về giao thông, tôi tin rằng khi giao thông đã thông thương, các hoạt động khác sẽ đạt được kỳ vọng. Bên cạnh đó, xuất khẩu trong thời gian qua có dấu hiệu tích cực.
Về tiêu dùng, mặc dù có dấu hiệu sụt giảm nhưng kỳ vọng sẽ có nhiều giải pháp để kích cầu nội địa, đặc biệt tăng cầu tiêu dùng. Khi các trụ cột vững chắc, nền kinh tế vĩ mô ổn định, mục tiêu tăng trưởng GDP như Chính phủ trình và Quốc hội đã thông qua sẽ đạt được.
Để tiếp tục đẩy mạnh trụ cột xuất khẩu trong năm 2024, cần tiếp tục duy trì tốc độ như hiện nay, trong đó tập trung vào các thị trường mũi nhọn. Khi mở rộng thị trường cũng cần tiếp tục làm tốt thị trường trong nước với những giải pháp cụ thể, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Vừa qua, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, nếu tập đoàn, doanh nghiệp vướng ở đâu sẽ tháo gỡ ở đó, để giúp các doanh nghiệp triển khai các hoạt động tốt nhất, tự tin xuất khẩu vào các thị trường. Cùng với đó, tăng cường xúc tiến đầu tư thương mại với các nước, mở rộng hợp tác, nâng mối quan hệ từ đối tác chiến lược lên đối tác chiến lược toàn diện với một số nước. Đây cũng là một trong những giải pháp mở rộng các thị trường xuất khẩu. Với những giải pháp trên, tôi cho rằng trụ cột này tăng trưởng như kỳ vọng”.
“Các yếu tố để tạo đà phục hồi cho kinh tế đất nước đã được tích lũy, củng cố trong năm 2023, do đó, triển vọng năm 2024 về hoàn thành phát triển kinh tế – xã hội tốt hơn năm 2023”.
Đối với chính sách thuộc chương trình phục hồi kinh tế, quá trình triển khai trong năm 2023 sẽ phát huy hiệu quả vào giai đoạn từ năm 2024 trở về sau. Cụ thể, cơ chế chính sách hỗ trợ trực tiếp đã thực hiện năm 2022-2023 sẽ giúp phục hồi năng lực, đặc biệt là lực lượng lao động, môi trường xã hội cho phục hồi kinh tế.
Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội tập trung rất lớn vào đầu tư hạ tầng. Gói hạ tầng chủ yếu được triển khai trong năm 2023, giải ngân cuối năm 2023 và chuyển sang năm 2024. Điều này sẽ tạo ra “cầu” cho nền kinh tế, tác động lan tỏa rất lớn.
Khi các công trình hạ tầng được đầu tư bằng gói kích thích này và đưa vào khai thác sẽ tạo ra động lực, nền tảng cho tăng trưởng chung, phát huy hiệu quả các công trình sau đầu tư. Như vậy, gói phục hồi cũng sẽ phát huy hiệu quả chủ yếu trọng tâm vào giai đoạn từ năm 2024 trở về sau.
Vì vậy, trong năm 2024, khả năng tăng trưởng, phục hồi của nền kinh tế sẽ tốt hơn, triển vọng sẽ thực hiện được các mục tiêu kinh tế – xã hội như Nghị quyết đặt ra.
12 nhóm giải pháp Chính phủ đưa ra trong mục tiêu tăng trưởng kinh tế – xã hội năm 2024 đến nay được đánh giá đã cơ bản toàn diện, trong đó bao hàm cả biện pháp hoàn thiện thể chế chính sách, tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Vấn đề quan trọng là thực thi các chính sách, giải pháp đặt ra để đạt được kết quả như mong muốn.
Tôi hy vọng trong năm 2024 Chính phủ sẽ quyết liệt chỉ đạo ngay từ đầu năm để triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp đã đưa ra. Các cấp, các ngành, địa phương cần phải chủ động, quyết tâm mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để triển khai hiệu quả các biện pháp đã đề ra.
Trong quá trình này cần chú trọng đôn đốc gắn với hướng dẫn, kiểm tra, xử lý trách nhiệm, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị sẽ tạo một sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ và mục tiêu kinh tế – xã hội đặt ra”.
“Về kinh tế năm 2024, vẫn còn nhiều khó khăn. Theo đó, tình hình quốc tế, có những biến động và kinh tế thế giới chưa có sự phục hồi rõ rệt. Điều này cũng ảnh hưởng rất nhiều đến Việt Nam.
Tình hình ở trong nước, các chuyên gia dự báo chưa thoát khỏi những khó khăn. Vì vậy, phải đến năm 2025, kinh tế mới phục hồi một cách rõ rệt.
Tuy nhiên, chúng ta đã nắm bắt được tình hình này, dự báo từ rất sớm để chủ động trong quá trình điều hành kinh tế. Chính phủ cũng rất quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế đề ra trong nhiệm kỳ này, năm 2024 phải là một năm bứt tốc. Chúng ta bứt tốc trong bối cảnh còn đầy khó khăn sẽ là một bài toán không hề dễ giải.
Để thực hiện các mục tiêu, Chính phủ đã có rất nhiều giải pháp. Thứ nhất, để hỗ trợ doanh nghiệp và ổn định cuộc sống người dân, chúng ta đã quyết định tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với lại các mặt hàng đang phải chịu 10% thuế giá trị gia tăng. Với việc chính sách này được thực hiện tiếp trong 6 tháng đầu năm 2024, một mặt có tác dụng hạ giá thành, ổn định giá thành sản phẩm, khiến cho cuộc sống của người dân không quá nhiều xáo trộn.
Với việc kích cầu tiêu dùng qua giảm thuế giá trị gia tăng, người dân sẽ tiêu dùng nhiều hơn, đồng nghĩa doanh nghiệp sẽ bán được nhiều hàng hơn, sản xuất được nhiều đơn hàng hơn, lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ nhiều hơn, và quay trở lại để phát triển thị trường lao động. Bằng các biện pháp như vậy sẽ vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa hỗ trợ trực tiếp cho đời sống người dân, người lao động.
Thứ hai, bên cạnh những ưu đãi dành cho doanh nghiệp như các chính sách cho vay vốn, giảm lãi suất, giảm thuế còn có nhiều chính sách khác để kích cầu.
Về mặt thể chế, năm 2024, một số Luật sửa đổi có hiệu lực sẽ góp phần tháo gỡ các điểm nghẽn để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Ngoài ra, chúng ta còn quan tâm đến việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt ở các công trình trọng điểm, như các công trình giao thông trọng điểm… sẽ tạo ra động lực cho nền kinh tế.
Theo tôi, đây là những nhóm giải pháp quyết liệt để có thể phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 đạt được như kỳ vọng và đúng như mục tiêu Chính phủ đã đề ra và Quốc hội cũng đã thông qua.
Với những sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, Quốc hội, của cộng đồng các doanh nghiệp, cũng như người dân, tôi kỳ vọng và cả niềm tin việc phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 sẽ đạt được những kết quả vững chắc hơn năm 2023 và năm 2022.
Bằng kinh nghiệm 2 năm vừa qua, cộng với quyết tâm, kỳ vọng năm 2024, Việt Nam không những ổn định kinh tế mà còn có bước phát triển mới. Đây là một năm khá tăng tốc, để góp phần hoàn thành những chỉ tiêu đã đề ra cho nhiệm kỳ”.
“So với bối cảnh hiện nay, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 6-6,5% là một mục tiêu khá cao. Tuy nhiên, Việt Nam có nhiều cơ hội để có thể đạt được mục tiêu đó.
Thứ nhất, xu thế phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2023 đã cho thấy đà phát triển theo chiều hướng tăng dần qua các quý (quý 1 hơn 3%, quý 2 hơn 4%, quý 3 hơn 5%).
Những yếu tố dẫn đến tăng trưởng trong năm 2023 đang được tiếp diễn sang năm 2024. Theo đó, kinh tế trong nước đang trên đà phục hồi. Bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới năm 2024 được dự báo mặc dù không quá thuận lợi nhưng sẽ không xấu hơn năm 2023 và bắt đầu có xu hướng được cải thiện. Từ những xu thế phát triển kinh tế của năm 2023, có thể trong năm 2024 sẽ tiếp tục đà đi lên.
Thứ hai, chúng ta nhìn thấy nhiều cơ hội nếu nỗ lực, tích cực khai thác sẽ có khả năng tiếp cận. Điểm thành công nhất trong năm 2023 là duy trì cân bằng môi trường kinh tế vĩ mô để huy động các nguồn lực cho phát triển sản xuất, thu hút nguồn đầu tư nước ngoài.
Cùng với việc tiếp tục tạo đòn bẩy, tăng cầu thị trường, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy mở rộng sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp, giảm các nghĩa vụ thuế, đóng góp của doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư công cũng là giải pháp tăng cầu Chính phủ, tăng cầu thị trường. Ở thị trường trong nước, có nhiều yếu tố tác động tới phục hồi kinh tế. Ví dụ, việc tăng lương cũng là yếu tố góp phần tăng cầu tiêu dùng. Ngoài ra, xu thế dịch vụ du lịch trong năm đã tăng mạnh…
Trong đầu tư công, không chỉ tập trung đầu tư vào các dự án hạ tầng mà còn đầu tư hỗ trợ trực tiếp cho các tập đoàn, doanh nghiệp thông qua phương thức đặt hàng, tạo ra điều kiện hỗ trợ đón các luồng đầu tư mới. Muốn vậy, phương thức đầu tư cần đổi mới.
Đặc biệt trong năm 2024, phải chuyển dịch theo hướng đón nhận được các luồng đầu tư mới.
Về đầu tư, năm 2024 là một giai đoạn tiền đề chuyển đổi kinh tế Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ ở sự dịch chuyển về cơ hội đầu tư mới, không phải sản xuất, gia công như trước đây mà theo hướng những ngành công nghệ cao, có thể tạo ra giá trị gia tăng cao cho Việt Nam. Đặc biệt, chúng ta đang hy vọng sẽ kêu gọi được các tập đoàn lớn của thế giới.
Như vậy, nếu như năm 2024, Việt Nam khai thác tốt được cơ hội đó thì sẽ tạo ra một làn sóng, cơ hội kêu gọi đầu tư, tạo được niềm tin đầu tư, từ đó thúc đẩy sản xuất, hoạt động dịch vụ và tiêu dùng, góp phần khởi sắc thị trường. Đây là những tiền đề quan trọng để vững tin đạt được các mục tiêu năm 2024.
Để thu hút được các luồng dịch chuyển đầu tư mới, vừa qua Chính phủ đã có những hành động tích cực. Theo chuyên gia này, muốn đón nhận các dòng đầu tư mới, đặc biệt những ngành công nghệ cao, ưu tiên, Việt Nam phải chủ động, tiếp cận, gặp gỡ, tìm hiểu, trao đổi và mời gọi nhà đầu tư, thông qua đó nắm bắt nhu cầu, mong muốn, điều kiện của các nhà đầu tư cũng như việc chuẩn bị để có thể hỗ trợ, đáp ứng.
Ở trong nước, chúng ta cần chuẩn bị nguồn nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu. Cùng với đó, phải hỗ trợ cho các tập đoàn mạnh trong nước có đủ năng lực, tiềm lực và vị thế, bắt tay hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, để thu hút các ngành công nghệ cao, phải có cơ chế chính sách ưu tiên. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam chính thức áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (từ ngày 1/1/2024), các phương thức ưu đãi, hỗ trợ không còn dừng lại như trước đây như chính sách thuế, mà phải thông qua những biện pháp để giúp cho nhà đầu tư cắt giảm các chi phí.
Trong cắt giảm chi phí phải tính đến các khía cạnh tiếp cận như: đất đai, mặt bằng sản xuất, hạ tầng, logistics, thị trường thế giới… Đây là những yếu tố mà Việt Nam có điều kiện thuận lợi khi có quan hệ kinh tế quốc tế tốt, có vị thế khả năng tiếp cận hạ tầng logistics quốc tế… Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ có chính sách điều chỉnh tiền thuê đất và cách tiếp cận đất đai. Tôi cho rằng chúng ta cần phải đa dạng cách tiếp cận để nhà đầu tư vẫn tuân thủ những quy định nhưng sẽ thực sự được hưởng lợi.
Đối với các doanh nghiệp, mặc dù vẫn trong giai đoạn khó khăn nhưng những khó khăn lớn doanh nghiệp đã trải qua trong năm 2023. Hiện nay, vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp là thị trường, cơ hội tạo ra việc làm. Nếu thị trường thế giới phục hồi và Việt Nam có những biện pháp để tiếp cận được thị trường; đồng thời, tái cấu trúc lại đầu tư công trong nước, đầu tư hỗ trợ cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất, đặt hàng tập đoàn, doanh nghiệp mới… có thể sẽ tạo ra thị trường tốt hơn cho doanh nghiệp. Nếu như khi thị trường tốt, doanh nghiệp sẽ là một cơ hội phục hồi tốt.
Bên cạnh những thuận lợi, những điểm sáng, tôi nghĩ thách thức lớn nhất từ bên ngoài là tác động thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp, xung đột về địa chính trị, bất ổn của thị trường, xu thế thị trường thế giới thắt chặt kiểm soát thương mại bằng các rào cản kỹ thuật, như là tiêu chuẩn xanh, hàng hóa xanh…
Ở trong nước, đó là vấn đề liên quan đến thể chế tháo gỡ nút thắt trong việc thực hiện các quyết định đầu tư, hành động của cán bộ quản lý. Mặc dù Chính phủ đã rất quyết liệt nhưng hành động của những người thực thi hiện nay vẫn còn e dè”.
VnEconomy 09/02/2024 08:00
Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 7+8-2024 phát hành ngày 12-25/02/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/ky-vong-cua-dai-bieu-quoc-hoi-ve-muc-tieu-tang-truong-nam-2024.htm